Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tòa nhà 100 tầng xa hoa và những biểu tượng về sự siêu giàu ở phim Hàn

Một bên là phim điện ảnh, một bên là phim truyền hình, nhưng hai tác phẩm “Parasite” và “Penthouse” đều khắc họa khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc thông qua hình ảnh ẩn dụ sâu sắc.

Penthouse: War in Life (Cuộc chiến thượng lưu) là tựa phim ăn khách nhất trên màn ảnh nhỏ Hàn hiện tại. Tác phẩm tái hiện hành trình đổi đời, đồng thời tha hóa của người phụ nữ có tên Oh Yoon Hee. Từ tầng lớp dưới đáy xã hội, Yoon Hee từng bước tiến vào Hera Palace xa hoa, ganh đua để leo lên căn hộ cao nhất của tòa nhà 100 tầng.

Bằng những hình ảnh đa nghĩa, Cuộc chiến thượng lưu cài cắm ẩn ý sâu xa về sự phân hóa giàu nghèo. Những chi tiết, hình tượng đa nghĩa đó có sự gặp gỡ với siêu phẩm điện ảnh Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho.

Thứ bậc

Nếu như Bong Joon Ho dùng hình ảnh cầu thang để ẩn dụ cho sự phân tầng giai cấp ở Ký sinh trùng thì trong Cuộc chiến thượng lưu, Hera Palace là biểu tượng cho thứ bậc giữa người - người.

Tòa nhà 100 tầng Hera Palace là “nhân vật” không thoại nhưng hàm chứa nhiều sức nặng nhất, ý nghĩa ẩn dụ sâu cay nhất trong Cuộc chiến thượng lưu. Tòa nhà 100 tầng này chứng kiến những màn đấu đá đầy máu và nước mắt, tội ác cũng như bi kịch của giới siêu giàu Gangnam.

Dưới bàn tay nhào nặn của biên kịch Kim Soon Ok, tòa nhà xa hoa Hera Palace vừa ẩn dụ cho khát vọng chinh phục nấc thang địa vị đầy bản năng của con người, vừa ngầm biểu hiện cho sự phân tầng giàu - nghèo trong xã hội và sự phân biệt đẳng cấp trong chính giới thượng lưu.

Cuoc chien thuong luu,  Ky sinh trung anh 1

Tòa Hera Palace 100 tầng hư cấu trong phim Cuộc chiến thượng lưu.

Giàu mới chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để ai đó có cơ hội bước chân vào Hera Palace. Đây là nơi hội tụ của những tài phiệt vừa có tiền, vừa có quyền. Dĩ nhiên, những kẻ tay trắng gần như không bao giờ chinh phục được giấc mơ Hera Palace, ngoại trừ một số thành phần dùng mánh khóe kết hợp vận may như nữ chính Oh Yoon Hee (Eugene).

Ngay tại Hera Palace - thế giới của tầng lớp thượng lưu, sự phân hóa vẫn diễn ra. Thang máy được chia thành tầng lầu thấp và tầng lầu cao. Tương ứng với sự phân cấp đó, ai giàu hơn, nắm trong tay nhiều quyền lực hơn sẽ sinh sống ở tầng cao hơn. Người kém giàu hơn luôn khúm núm, xun xoe nịnh bợ những nhân vật “có máu mặt” ở tầng lầu cao.

Cùng xây dựng hình ảnh biểu trưng khơi gợi về thứ bậc, đạo diễn Bong Joon Ho của Ký sinh trùng lại chọn cầu thang làm chi tiết cài cắm.

Cuoc chien thuong luu,  Ky sinh trung anh 2

Cầu thang là chi tiết ẩn dụ cho khoảng cách giàu nghèo trong Ký sinh trùng.

Nhà Park - gia đình siêu giàu - là bậc thang đi lên liên tiếp, kể từ ngoài cổng vào cho tới bên trong ngôi nhà. Nhà Kim - gia đình nghèo mạt rệp - là cầu thang đi xuống, ngay cả không gian sinh hoạt chung còn thấp hơn cả toilet.

Một bên là những bậc thang dẫn lối tới căn biệt thự sang trọng nằm trên ngọn đồi cao ráo, thoáng đãng. Bên còn lại là cầu thang chỉ đường xuống một căn bán hầm chập hẹp, tăm tối và ẩm thấp. Có lẽ, không một hình ảnh nào có thể minh họa cho khoảng cách giàu nghèo chân thực và thuyết phục hơn thế.

Cả Cuộc chiến thượng lưu lẫn Ký sinh trùng đều khai thác sự đối lập giữa yếu tố cao - thấp để xoáy sâu vào chênh lệch địa vị và hoàn cảnh sống của con người.

Mùi

“Cô có biết cô bốc mùi lắm không?” - đó là lời chế nhạo mà nàng tiểu thư nhà giàu Seok Gyeong “ném” vào cô giáo phụ đạo Min Seol Ah trong Cuộc chiến thượng lưu, sau khi vu oan cho cô giáo ăn cắp một món đồ đắt tiền.

Min Seol Ah thực tế là nữ sinh trung học mồ côi. Vì mưu sinh, cô chấp nhận mọi công việc làm thêm, từ phục vụ ở cửa hàng tiện lợi tới rửa bát thuê cho nhà hàng. Hoàn cảnh đưa đẩy, Seol Ah buộc phải khai gian tuổi và học vấn để kiếm suất dạy kèm cho 5 rich kid (con nhà giàu) trong tòa Hera Palace.

Cuoc chien thuong luu,  Ky sinh trung anh 3

Min Seol Ah (trái) - nhân vật phụ của Cuộc chiến thượng lưu bị nhóm rich kid coi thường vì xuất thân thấp kém.

Nào ngờ, Hera Palace và những cô cậu học trò giàu có đó là địa ngục đối với Seol Ah. Cô bị lăng nhục bởi xuất thân tầm thường, nghèo hèn. Không chỉ tỏ vẻ coi thường khi chứng kiến Seol Ah dùng hàng nhái, đám rich kid còn giễu cợt về mùi của cô.

Thứ mùi mà Seok Gyeong chì chiết thực tế là mùi của sự nghèo đói. Dù bề ngoài, Seol Ah ăn vận chỉnh tề, gọn gàng, cô vẫn không thể xóa nhòa thứ mùi gắn liền hoàn cảnh sống của mình, hay nói rộng ra là của tầng lớp dưới đáy xã hội.

Mùi ở Cuộc chiến thượng lưu gợi nhắc tới mùi của người nghèo trong Ký sinh trùng. Bằng sự từng trải và ngôn ngữ điện ảnh dị biệt, Bong Joon Ho đã đưa mùi hương trở thành một chi tiết đắt giá len lỏi xuyên suốt bộ phim, để rồi trở thành chất xúc tác cho tấn bi kịch sau cùng.

Ông Park nhắc tới thứ mùi lạ toát ra từ người ông Kim - tài xế của mình - với vợ trong lúc ân ái trên ghế sô pha. Cậu con trai nhỏ nhà họ Park - Da Song - cũng quả quyết rằng ông Kim tài xế, bà giúp việc lẫn cô giáo dạy mỹ thuật Jessica có chung một "thứ mùi".

Có nhiều cách diễn giải về thứ mùi mà gia đình nhà Park nhận thấy từ gia đình nhà Kim.

Cuoc chien thuong luu,  Ky sinh trung anh 4

Mùi trong Ký sinh trùng là đặc trưng của tầng lớp lao động tay chân, là mùi của cái nghèo vây hãm những kiếp người như gia đình nhà Kim.

Các thành viên trong gia đình nhà Kim cố che giấu mối quan hệ ruột thịt, giả vờ như chỉ là người quen để duy trì công việc phục vụ cho gia đình nhà Park. Ki Taek là tài xế, Chung Sook (vợ Ki Taek) làm giúp việc, cậu con trai Ki Woo là gia sư tiếng Anh, còn cô con gái Ki Jung là giáo viên mỹ thuật. Song, dù nỗ lực giấu giếm đến cỡ nào, họ cũng không thể rũ bỏ thứ mùi thân thuộc giữa những người có quan hệ máu mủ.

Sống chung một nhà, ăn chung một mâm, giặt chung quần áo, gia đình nhà Kim khó tránh có một mùi hương giống nhau. Cũng có thể, họ bị mùi ẩm mốc, hôi hám của tầng hầm bám vào cơ thể. Và cũng rất có khả năng, cậu bé Da Song nhạy cảm đã “ngửi” thấy mùi lừa đảo ở gia đình nhà Kim. Thành viên nào cũng đang diễn trò, đang ngụy trang để bấu víu vào nhà Park - nơi gửi gắm giấc mộng đổi đời.

Nhưng sâu xa hơn, mùi khiến ông Park phải nhăn mặt, bà Park phải bịt mũi khi tiếp xúc gần với ông Kim là mùi thuộc về tầng lớp lao động chân tay, phải chạy vạy từng bữa cơm và nương náu trong những căn hầm hoặc bán hầm chật chội. Đó là mùi của cái nghèo, của những mảnh đời sống khốn khổ.

Cuoc chien thuong luu,  Ky sinh trung anh 5

Mùi là chất xúc tác dẫn đến tấn bi kịch sau cùng ở Ký sinh trùng.

Chính thứ mùi xuất hiện trong lời nói và hành động xa lánh của nhà Park đã khiến ông Kim nhận thức sâu sắc về sự bần tiện, rẻ rúng của gia đình mình, của tầng lớp mình. Nó dường như là minh chứng cho thấy khoảng cách xa vời vợi giữa kẻ tay trắng như ông Kim và giới siêu giàu như ông Park. Nó đánh một đòn chí mạng vào tính sĩ diện và sự tự ti vì cái nghèo, cái khổ sâu trong tâm can ông Kim, để rồi bộc phát thành cú đâm hạ gục ông Park ở cuối phim.

Nếu như ở Cuộc chiến thượng lưu, mùi chỉ là một nét chấm phá cho bức tranh xung đột giàu - nghèo thì trong Ký sinh trùng, mùi giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, mang tính quyết định tới diễn biến tâm lý nhân vật và kết cục của tác phẩm.

Xuất phát từ thực tế

Tòa nhà cao tầng ở Cuộc chiến thượng lưu, căn hầm ám mùi ẩm mốc ở Ký sinh trùng đều phơi bày mặt trái của sự tăng trưởng kinh tế tại Hàn Quốc đó là phân hóa giàu nghèo cực đoan trong xã hội.

Cuoc chien thuong luu,  Ky sinh trung anh 6
Ký sinh trùng đã tái hiện một cách ám ảnh cuộc sống của những người cùng khổ trong xã hội phân hóa giàu nghèo cực đoan.

Theo New York Times, câu chuyện hư cấu của Ký sinh trùng phản ánh rõ nét cuộc sống của nhóm người thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội trong những căn bán hầm bẩn thỉu, ngay giữa thành phố hoa lệ, hào nhoáng. Ngược lại, người giàu thường tìm tới những nơi cao ráo, sáng sủa, tránh xa sự ồn ào và mùi ẩm thấp.

Trong cuộc trò chuyện với New York Times, một người đàn ông nghèo tạm gọi là Kim bộc bạch: “Những người sống ở chung cư có xu hướng chọn căn hộ ngày càng cao hơn để tránh ngửi thấy mùi hôi thối dưới này (đường phố và căn hầm). Có lẽ, họ coi thường chúng tôi”.

Kim Nam Sik - đại diện của một đại lý bất động sản ở quận Seongbuk (thủ đô Seoul) nhận định: “Sự giàu có được đo bằng mức sống của bạn. Nhà càng nằm ở tầng cao thì chứng tỏ bạn càng giàu có”.

Quận Seongbuk, cũng như Gangnam, là “đất lành” được các gia đình siêu giàu chọn lựa. Nơi ấy tập hợp loạt biệt thự triệu USD, bao quanh là những bức tường khổng lồ có gắn camera an ninh và hàng rào thép gai.

Cuoc chien thuong luu,  Ky sinh trung anh 7

Cuộc chiến thượng lưu gặp gỡ Ký sinh trùng khi cùng nói lên thực tế nhức nhối đang diễn ra tại Hàn Quốc.

Cuộc chiến thượng lưu, ở một góc độ nào đó, đã gặp gỡ với Ký sinh trùng. Tác phẩm truyền hình này nói lên thực tế mà chính người đại diện họ Kim kia chia sẻ: "Càng giàu có, người ta càng có xu hướng ở tầng cao", như cách mà các gia đình tài phiệt cố gắng sở hữu căn hộ xa hoa trong tòa nhà 100 tầng Hera Palace.

Nếu Ký sinh trùng là tiếng thở dài cay đắng, day dứt ẩn mình sau tiếng cười giễu nhại trào lộng về sự phân hóa giàu nghèo tàn khốc trong xã hội, thì Cuộc chiến thượng lưu là bi kịch của những con người phải vùng vẫy trong vũng lầy tham vọng tiền bạc và nỗi ám ảnh địa vị.

Cả hai bộ phim đều phác họa bức tranh xã hội phân tầng rõ rệt giữa người - người, đều khắc sâu mối quan hệ nhân quả giữa sở hữu và mất mát, đổi đời và tha hóa, sai lầm và trả giá.

Cú bẻ lái không ngờ tới ở tập 16 'Penthouse'

Trong tập 16 "Penthouse", Oh Yoon Hee (Eugene đóng) thừa nhận cô chính là người đã giết gia sư Min Seol A vì muốn giành suất học bổng cho con gái.

Nguyên Hạnh

Bạn có thể quan tâm