“Lệnh yêu cầu (của Nhà Trắng) sẽ bị đình chỉ cho tới khi tòa án này có quyết định mới”, tòa kháng cáo liên bang đặt tại thành phố New Orleans, bang Louisiana tuyên bố ngày 6/11, AFP đưa tin. Tòa cũng yêu cầu chính quyền ông Biden có phản hồi trước 17h ngày 8/11 (giờ địa phương).
Tòa liên bang tại New Orleans có động thái trên sau khi cho rằng các bên khiếu kiện - gồm 5 bang nghiêng về đảng Cộng hòa là Texas, Louisiana, South Carolina, Utah và Mississippi, cùng một số tập đoàn tư nhân, tổ chức tôn giáo - “đưa ra được căn cứ cho thấy lệnh bắt buộc tiêm chủng có vấn đề với quy định pháp luật và hiến pháp”.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Pfizer tại Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Nếu lệnh đình chỉ này được giữ nguyên, đây sẽ là trở ngại bất ngờ đối với một trong những bước đi có tác động sâu rộng nhất của ông Biden nhằm đảm bảo người lao động Mỹ sẽ tiêm chủng trước mùa đông, thời điểm Covid-19 dự kiến tái bùng phát.
Trước đó, ngày 4/11, ông Biden đặt ra hạn chót tiêm chủng đầy đủ vào ngày 4/1/2022 đối với nhân viên tại các công ty lớn. Theo Nhà Trắng, quy định này sẽ có tác động tới hơn 60% lực lượng lao động ở Mỹ.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott - một đảng viên Cộng hòa, người từng phản đối lệnh đeo khẩu trang và tiêm chủng - hoan nghênh quyết định của tòa án trên Twitter.
“Các buổi điều trần khẩn cấp sẽ sớm diễn ra. Chúng ta sẽ có cơ hội ra trước tòa để chặn đứng hành động lạm dụng quyền lực của ông Biden”, ông Abbott nói.
Lệnh bắt buộc tiêm chủng đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Mỹ, nhưng quy định này thường do chính quyền cấp thành phố hoặc tiểu bang đưa ra. Vấn đề gây tranh cãi ở đây là liệu việc tổng thống Mỹ ra quy định có hiệu lực khắp cả nước như vậy có hợp hiến hay không.
Đầu tháng 11, khoảng 58% người dân Mỹ đã được tiêm đầy đủ, tăng so với mức 50% vào tháng 8, thời điểm các lệnh bắt buộc tiêm chủng dần được ban bố.