TAND tỉnh Cao Bằng đã có thông báo thụ lý vụ Yêu cầu bồi thường trách nhiệm Nhà nước trong tố tụng hình sự liên quan tới việc cụ Nguyễn Thị May (83 tuổi, ở TP Cao Bằng) cùng 2 con khởi kiện VKS Quân sự Quân khu 1.
Theo đơn khởi kiện, cụ yêu cầu VKS trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai về việc bị bắt oan cho mình cùng 2 con là bà Trần Thị Nga (56 tuổi) và ông Trần Ngọc Hùng (51 tuổi, đều ở TP Cao Bằng) trong vụ án Giết người xảy ra tại TP Cao Bằng ngày 8/2/1988.
Ngoài ra, gia đình yêu cầu VKS bồi thường các chi phí như tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thu nhập, chi phí kêu oan, thuê luật sư... Tổng số tiền gia đình yêu cầu là 15 tỷ đồng.
Cụ May cùng con trai. Ảnh: H.L. |
Như thông tin Zing đã đăng tải hồi tháng 2, cụ May cùng 2 con là những người liên quan tới kỳ án giết người xảy ra vào rạng sáng 8/2/1988 tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Theo hồ sơ vụ án, tối 7/2/1988, quân nhân Lê Danh Tân tới nhà cụ May ở thị xã Cao Bằng (nay là TP Cao Bằng) để ngủ qua đêm. Anh Tân là bạn chiến đấu với cháu cụ May nên được xem như người thân trong gia đình.
Khoảng 4h hôm sau, gia đình cụ May bị đánh thức bởi nhiều tiếng động lạ phía ngoài. Ra kiểm tra, người phụ nữ nghe tiếng anh Tân kêu cứu từ phía hố phân lợn. Quân nhân này được gia đình cụ May cùng hàng xóm đưa đi cấp cứu song không qua khỏi do vết thương nặng.
Kết quả khám nghiệm cho thấy anh Tân bị đánh trọng thương ở vùng đầu rồi bị đẩy xuống hố phân lợn.
Theo cụ May, gia đình đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chính cụ cùng con trai là Trần Ngọc Hùng bị bắt tạm giam với cáo buộc giết người. Hai tháng sau, tới lượt bà Trần Thị Nga cũng vướng lao lý.
Trong thời gian tạm giam, ông Hùng đã nhận mình là hung thủ giết anh Tân. Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận thấy lời khai này có nhiều mâu thuẫn. Thực nhiệm hiện trường, ông Hùng đã không tái hiện được hành vi giết người như đã khai nhận. Và hành động đó không đúng với cơ chế hình thành vết thương trên người anh Tân.
Sau khi không có đủ căn cứ kết tội, cơ quan điều tra lần lượt trả tự do cho bà Nga, cụ May và ông Hùng. Thời gian những người này bị tạm giam lần lượt là 2 tháng, 9 tháng và 2 năm.
Theo lời kể, khi hết tạm giam, mẹ con cụ May chỉ nhận được giấy ra trại. Họ không nhận được bất cứ văn bản minh oan nào từ các cơ quan có thẩm quyền.
Gia đình làm việc cùng luật sư nhằm tìm ra phương án giải quyết vụ việc. Ảnh: H.L. |
Zing đã tìm gặp đại diện VKSQS Quân khu 1 sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc. Trao đổi với phóng viên, trung tá Bàn Tuấn Bắc (Kiểm sát viên trung cấp VKSQS Quân khu 1) khẳng định đơn vị đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ vụ án và Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ May, ông Hùng và bà Nga.
Trong quyết định đình chỉ điều tra bị can có ghi: "Quyết định này giao cho Trần Ngọc Hùng; Nguyễn Thị May và Trần Thị Nga mỗi người một bản để đảm bảo mọi quyền lợi và nghĩa vụ của công dân". Ngoài ra, các văn bản này đã được thông báo cho VKSND tỉnh Cao Bằng, UBND phường Tân An, UBND thị xã Cao Bằng và Phòng nhà đất thị xã Cao Bằng (nơi cụ May công tác) biết để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm công dân với họ.
Nói về yêu cầu bồi thường của gia đình, đại diện VKSQS Quân khu 1 cho rằng yêu cầu này không có căn cứ giải quyết do vụ việc đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường. Ông Bắc cũng cho rằng suốt 30 năm qua, 3 mẹ con cụ May đã được hưởng mọi quyền, lợi ích cơ bản của công dân và nhận được quyết định từ đơn vị. Nếu không có các quyết định đó, chính quyền địa phương không thể có căn cứ để khôi phục quyền công dân cho họ.
Đại diện VKSQS Quân khu 1 cũng cho biết sẽ không tổ chức xin lỗi công khai 3 mẹ con cụ May. "Các cá nhân đó phải nhận được quyết định của VKS rồi thì họ mới được hưởng những quyền lợi đó cho tới bây giờ. Vì vậy, VKS sẽ không tiến hành xin lỗi công khai do quyền, lợi ích của họ không bị ảnh hưởng trong suốt 30 năm qua".
Tuy nhiên, luật sư Hà Công Tâm (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cụ May) cho biết do cơ quan tiến hành tố tụng bắt tạm giam nhưng sau đó không chứng minh được hành vi phạm tội của mẹ con cụ May nên gia đình họ được quyền yêu cầu bồi thường.