Cuộc điều tra được tiến hành theo yêu cầu của các quốc gia thành viên. Số lượng các quốc gia gửi yêu cầu ở mức cao chưa từng có, Reuters đưa tin.
"Các cuộc điều tra tích cực sẽ chính thức bắt đầu ở Ukraine sau khi nhận được yêu cầu của 39 quốc gia thành viên", công tố viên Karim Khan viết trên Twitter.
Quang cảnh bên ngoài của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan, ngày 31/3/2021. Ảnh: Reuters. |
Khi các quốc gia thành viên gửi yêu cầu, cuộc điều tra sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn vì công tố viên không cần phải xin sự chấp thuận từ tòa án ở The Hague, tiết kiệm được thời gian hàng tháng trời.
Trước đó, hôm 28/2, công tố viên cho biết ông sẽ yêu cầu tòa án phê chuẩn việc điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Văn phòng công tố sẽ bắt đầu thu thập bằng chứng về "bất kỳ cáo buộc nào trong quá khứ và hiện tại về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hoặc tội ác diệt chủng được thực hiện trên bất kỳ phần lãnh thổ nào của Ukraine, bởi bất kỳ phía nào", ông Khan cho biết trong một tuyên bố.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 và các cuộc giao tranh diễn ra ở miền Đông Ukraine giữa phe ly khai thân Nga và lực lượng chính phủ, Ukraine đã chấp nhận quyền tài phán của ICC đối với các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh được thực hiện trên lãnh thổ của mình từ cuối năm 2013 trở đi.
Tháng 12/2020, văn phòng công tố tuyên bố họ có lý do để tin rằng tội ác chiến tranh và các tội ác khác đã được thực hiện trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, nhưng họ không đệ trình yêu cầu mở một cuộc điều tra toàn diện.
Nga không phải là thành viên của ICC và từ chối quyền tài phán của tòa.
ICC có thể điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine bất kể quốc tịch của các nghi phạm.