Trong phán quyết đưa ra ngày 15/6, Tòa án Hiến pháp Đức cho rằng bình luận của bà Merkel hồi tháng 2/2020 gây tổn hại tới quyền của đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) trong việc "tham gia vào cuộc cạnh tranh chính trị một cách công bằng".
Tòa án Hiến pháp cho rằng bình luận của bà Merkel đã xâm phạm "nguyên tắc trung lập cơ bản" mà mọi quan chức trong bộ máy nhà nước phải tuân thủ.
Người phát ngôn của bà Merkel cho hay cựu thủ tướng "tôn trọng quyết định của Tòa án Hiến pháp".
Cựu Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Reuters. |
Vụ việc bắt nguồn từ cuộc bầu cử tại bang Thuringia đầu năm 2020. Khi đó, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đã hợp tác với đảng AfD để giúp một chính trị gia ít tiếng tăm là Thomas Kemmerich thắng cử.
Việc CDU hợp tác với AfD đã phá vỡ nguyên tắc bất thành văn trong chính giới Đức từ sau Thế chiến 2, về việc các đảng phái chính trị lớn sẽ không bắt tay với phe cực hữu. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo một bang được bầu nhờ lá phiếu của phe cực hữu.
Sau khi vụ việc vỡ lở, bà Merkel khi đó là đương kim thủ tướng gọi hành động của CDU là "không thể tha thứ", đồng thời kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử của ông Kemmerich. Trước đó, bà Merkel đã rời khỏi vị trí lãnh đạo CDU từ 2018.
"Chiến thắng của Kemmerich phá vỡ niềm tin cơ bản của CDU cũng như của tôi, rằng chúng ta không nên tìm cách giành sự ủng hộ của đa số nhờ sự trợ giúp của AfD. Đây là một ngày tồi tệ cho nền dân chủ", bà Merkel nói khi đó.
Tòa án Hiến pháp Đức cho rằng phát biểu của bà Merkel "gây ảnh hưởng một chiều tới cuộc cạnh tranh giữa các đảng chính trị", và không phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định cũng như danh tiếng của chính phủ Đức trước công luận thế giới.
Sau bê bối bắt tay cùng AfD cũng như sự chỉ trích của bà Merkel, lãnh đạo đảng CDU khi đó là Annegret Kramp-Karrenbauer phải từ chức. Bà Kramp-Karrenbauer trước đó được coi là người sẽ kế tục bà Merkel. Bê bối này đã làm đổ vỡ kế hoạch của cựu Thủ tướng Merkel dành cho đảng CDU sau khi bà về hưu.