Tổ hợp 'cao - xà - lá' lớn nhất thủ đô một thời giờ ra sao?
Thứ tư, 20/6/2018 08:04 (GMT+7)
08:04 20/6/2018
Người dân thủ đô thường dùng từ khu "cao - xà - lá" để nói về tổ hợp công nghiệp lớn nhất một thời, niềm tự hào của Hà Nội là nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá.
Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), bên cạnh tuyến đường Nguyễn Trãi, vẫn còn tổ hợp 3 nhà máy mà người dân thủ đô hay dùng từ "cao - xà - lá" để gọi tên. "Cao - xà - lá" nghĩa là cao su - xà phòng - thuốc lá. Nơi đây từng được mệnh danh là tổ hợp công nghiệp sầm uất bậc nhất thủ đô những năm 70-90.
Từ cao su được dùng để nói về Nhà máy cao su Sao Vàng nổi tiếng một thời. Hiện tại nhà máy này được đổi tên thành Công ty Cổ phần cao su Sao Vàng, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương.
Nhà máy cao su Sao Vàng thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ôtô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Đây được coi là nhà máy ra đời sớm nhất ngành công nghiệp cao su Việt Nam
Thương hiệu này đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Hiện tại nhà máy vẫn sản xuất bình thường với công nghệ cũ từ nhiều năm trước.
Nhà máy cao su Sao Vàng nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có động thái di dời một cách cụ thể.
Nằm cạnh Nhà máy cao su Sao Vàng là Nhà máy xà phòng Hà Nội. Hiện nhà máy này đã di dời ra khỏi nội đô, để lại một khu đất rộng lớn, nằm cạnh đường Nguyễn Trãi.
Nhà máy Xà phòng Hà Nội là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem) được xây dựng từ năm 1958. Nhà máy chuyên sản xuất chất tẩy rửa tổng hợp như xà phòng, nước rửa bát, nước giặt, xà bông, kem đánh răng, xà phòng thơm...
Nhà máy còn lại trong tổ hợp này là Nhà máy thuốc lá Thăng Long, cũng là một thương hiệu gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam. Mỗi năm nhà máy này cho ra thị trường 1 tỷ bao thuốc lá.
Nhà máy thuốc lá Thăng Long thành lập năm 1957 và đến nay vẫn hoạt động bình thường. Tổ hợp "cao - xà - lá" cùng với các nhà máy cơ khí, xe đạp, rượu cồn... biến khu vực Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Nguyễn Tuân thành vùng công nghiệp lớn của thủ đô xưa. Nơi đây còn kéo theo một lượng lớn người lao động, công nhân đến làm việc. Nhiều khu tập thể cũng được xây dựng.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng khu đất của tổ hợp "cao - xà - lá" phía Nam Hà Nội này đã về tay Vingroup để xây dựng một tổ hợp chung cư cao tầng có tên "Vinhomes Smart City" với hàng nghìn căn hộ.
Khi các nhà máy, xí nghiệp được di dời ra ngoại thành, tổng diện tích đất vàng để lại trong nội đô Hà Nội là 346.000 m2, hơn 40% diện tích đã biến thành các chung cư cao tầng.
Theo thống kê, có khoảng 40% diện tích đất mà các nhà máy di dời khỏi trung tâm Hà Nội biến thành chung cư. Trong đó, nhiều lô đất vàng bị bỏ lại vẫn bỏ hoang giữa nội đô.
Mua lại vốn, tham gia đầu tư dự án BT, hay tham gia cổ phần hóa… là cách làm của nhiều đại gia để sở hữu những khu đất vàng, đất kim cương giá trị hàng nghìn tỷ đồng.