Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tờ 5.000 đồng rách và tuổi thơ khều trộm tiền trong lợn đất

Nhằm lúc bố đi làm, mẹ đi chợ, tôi xóc con lợn lên để tiền dồn hết về cuối. Xong đâu đấy tôi bắt đầu khều ở cái khe hình chữ nhật be bé ở mông con lợn, hy vọng lấy được tiền.

Làm sao cho heo mau lớn… / Em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày…

Nhớ lại, cứ vào năm học mới đứa trẻ con nào trong xóm Đường Tàu của tôi cũng được mua cho một con lợn đất màu xanh, đỏ, hoặc vàng, kèm lời hứa chắc chắn của người lớn, một (hay vài ba con) mười sẽ được thưởng chừng nào đó tiền. Với nhà nghèo thì một hai nghìn; nhà khá hơn thì mười, hai mươi nghìn; riêng nhà tôi thì được năm nghìn, quãng giữa. Và tiền làm vốn ban đầu cho lợn không chết đói ở đợt ăn kế tiếp của tôi là hai mươi nghìn.

Tôi hình dung ngày kia, tiền trong bụng lợn sẽ tự nhân lên 

Sáng, trước lúc đi học bê con lợn ra hiên cho tắm nắng xong lại bê vào. Chưa kể còn khoản bập bập môi vờ cho ăn, xong xuýt xoa tuồng như con lợn lớn phổng lên trông thấy. Trưa, đi học về, chỗ tôi sục vào thứ hai sau mâm cơm úp lồng bàn ở bếp là con lợn nằm trên mấy chồng sách giáo khoa trong buồng. Tôi cứ hình dung ra một ngày trong bụng nó sẽ tự động nhân lên gấp hai gấp ba, gấp tỉ tỉ lần, đập ra tha hồ tiêu pha, thích gì mua nấy, truyện tranh có truyện tranh, robot có robot, ôtô có ôtô.

Lon dat xua anh 1
Lợn đất như người bạn chứng kiến sự nỗ lực học tập của tôi.

Đến tối học tôi cũng để nó bên bàn, như một người bạn chứng kiến sự nỗ lực vươn lên từng ngày. Nhưng… sức học của tôi thì vẫn lẹt đẹt như thế. Môn tiếng Anh tôi chịu không hiểu thế nào là xin chào, tạm biệt, chào buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Tôi nghĩ, tại sao người nước ngoài họ lách cách thế không biết, chào nhau mà cũng lằng nhằng. Xong nào đâu có Tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa tôi cũng kém tắm toàn tập. Có mỗi môn Văn kha khá thì chẳng bao giờ được điểm mười. Con lợn của tôi cứ còi cọc mãi với hai mươi nghìn đồng ăn hôm đầu tiên. Dù thỉnh thoảng bố đi làm về vẫn cho tôi năm, ba nghìn đút vào, nhưng lèo tèo thế có thấm vào đâu…

Cùng đám lợn nuôi với tôi đã có chị em cái Vân Anh nhà bán bánh cuốn được đập lợn rồi. Chị em nó váy áo xúng xính ra đường mặt vênh vênh thấy ghét. Rồi đến thằng Dũng bít tất nữa, nó đập lợn mua được cả tá robot con con cỡ hai ba đốt ngón tay, kèm cả kiếm, súng, khiên. Thằng này chúng tôi gọi nó là bít tất là gọi chệch đi từ biết tuốt. Chơi có hết đâu thế mà dứt khoát nó không cho tôi cùng đám bạn trong xóm không có đồ chơi mới chơi cùng. Tức dồn tức, nhưng thú thật là hai chị em nhà cái Vân Anh và thằng Dũng học khá thật, năm nào cũng học sinh giỏi. Điểm mười với chúng nó dễ như nhặt lá rụng ngoài đường. Còn tôi…

Trong lúc tôi đang buồn chưa tìm được cách nào cải thiện đời sống cho con lợn đất của mình thì đùng cái Tết đến. Tết là có tiền mừng tuổi. Đúng, phải tăng cường đi tất cả các nhà họ hàng, hàng xóm. Bạn bè của bố mẹ đến chúc Tết là phải xuất hiện ngay, chào to, dõng dạc, kiểu gì chẳng được lì xì.

Và, đúng như dự đoán, sau Tết lợn của tôi được ăn một số tiền kha khá, có cả vài đồng năm mươi nghìn xanh lét. Nhưng niềm vui ấy vẫn chưa phải là niềm vui trọn vẹn, dù có năn nỉ hết nước hết cái bố mẹ vẫn không cho tôi đập lợn. “Tự dưng đập lợn làm gì?”. Bố hỏi lại, tôi lí sự: “Nhưng đấy là tiền của con”. “Thế từ mai cậu ôm con lợn ra đường sống đừng về nhà nữa. Ăn uống, tắm giặt phải tự túc lấy. Quần áo, sách vở cũng thế”. “Nhưng…”. Nước mắt nước mũi ướt nhoèn, rõ ràng con lợn đất thuộc quyền sở hữu của tôi, thế mà tôi lại không có quyền đập nó để làm điều mình thích, để mua đồ chơi mình muốn.

Các món đồ chơi xanh đỏ quanh cổng trường ngày ngày dập dìu mời gọi. Truyện tranh ra thêm mấy bộ mới về bóng đá rất hay. Hàng kem cũng mới nhập về kem chocolate, kem cốm từ Hà Nội, chắc ngọt thơm lắm, chẹp chẹp… Mà rõ ràng con lợn đất là của tôi. Nó béo nú ra thế kia cơ mà, ở trong nhiều tiền phải biết. Bây giờ vấn đề của tôi với con lợn không phải là cho nó ăn gì nữa, mà là làm sao lấy được tiền trong nó ra… để mua một chiếc kem bé xíu thôi, chiếc kem mẹ tôi không cho tiền mua vì tôi đang viêm họng.

Khều trộm tiền trong lợn và câu chuyện niềm tin

Nhằm lúc bố đi làm, mẹ đi chợ, lấy que đóm vẫn dùng châm lửa hút thuốc lào của bố, tôi xóc con lợn lên, hi vọng tiền sẽ dồn hết về cuối. Xong đâu đấy tôi bắt đầu khều ở cái khe hình chữ nhật be bé ở mông bên trái con lợn đỏ của mình. Hi vọng sẽ là một đồng tiền kha khá, mười nghìn chẳng hạn. Với mười nghìn tôi có thể ăn kem, thuê truyện tranh tẹt trong ba bốn ngày. Tiền đã được gẩy lên một góc, nhẹ nhàng tôi dùng đóm kéo lên thêm, chút nữa, chút nữa, được rồi, tôi cầm tờ tiền kéo mạnh lên. Roạt...

Tờ tiền rách với một nửa già còn nằm trong con lợn, là một đồng năm nghìn. Phù, tôi để góc tiền rách ra bên cạnh để chốc nữa nhét vào lại. Đẩy tờ tiền rách xuống sâu bên dưới, tôi lại tiếp tục tìm kiếm một tờ tiền mới. Lần này cẩn thận hơn, từng tí, từng tí một, là một đồng năm mươi nghìn xanh lét. Cho đến khi lấy được đồng tiền ra khỏi con lợn tôi mới thở phào. Chỗ nhét tiền bị bong sơn, tôi lấy phấn đỏ trát đầy vào hi vọng ngụy trang qua mắt được bố mẹ.

Lập tức, tôi ra quán đồ chơi mua bộ robot to hơn của thằng Dũng bít tất; vào quán ăn no kem; thuê gần hai chục cuốn truyện tranh lặc lè đem về. Số tiền vẫn còn dư hơn mười nghìn, về nhà lập cập tôi đem giấu vào quyển vở Toán. Lạ cái kem tôi ăn không ngon như vẫn tưởng, đồ chơi bày ra chơi lúc đã chán, truyện bóng đá đọc không hay như nghĩ. Cạnh đó là nỗi sợ hãi ngấm ngầm ập đến. Tôi sợ bố mẹ biết mình đã khều trộm tiền trong lợn. Ý nghĩ nó là con lợn của tôi giờ không thể nào thắng được sự sợ hãi về việc mình đã làm.

Lon dat xua anh 2
Tôi và con lợn đất đã xác quyết với nhau một tình bạn.

Tôi không kịp cất đống robot trước khi mẹ đi chợ về. Mẹ hỏi đồ chơi ở đâu? Tôi lúng búng đáp bạn cho mượn. Cùng lúc bố về, nhìn thấy đống đồ chơi tung tóe giữa nhà, truyện tranh cả chồng trong góc; vào buồng, nhìn thấy chỗ đút tiền của con lợn đất nham nhở, hiểu tất cả, ra bố hỏi: “Bố mẹ có để con túng thiếu gì không? Bố mẹ đã tin con. Con lợn đất đã tin con”. Đúng thật, tôi và con lợn đất đã xác quyết với nhau một tình bạn, thế mà…

Cho đến mãi sau này, khi làm bất cứ điều gì tôi đều tự hỏi mình có chạm đến niềm tin của ai dành cho mình không. Nếu có, thường tôi sẽ cân nhắc. Còn chuyện con lợn đất đến đấy thôi, bố mẹ cho tôi giữ lại tất cả đồ chơi cùng số tiền hơn mười nghìn còn dư. Tôi tự hứa sẽ nuôi con lợn một cách nghiêm túc, và đã làm thế cho đến khi đập nó ra vào cuối năm học. Còn tờ năm nghìn rách tôi lấy băng dính dán lại, giữ, cho đến tận bây giờ.


Nhà văn Đinh Phương

Bạn có thể quan tâm