Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo nhớ lại cách đây mấy năm, giá một chiếc tivi 55 inch của Asanzo thấp hơn Samsung khoảng 10 triệu đồng. Nhưng đến nay, khoảng cách này được rút lại chỉ còn vài triệu đồng.
Số tiền này một mặt là điểm đáng cân nhắc của những gia đình không mấy khá giả, nhưng mặt khác lại khiến các thương hiệu mất phần nào lợi nhuận.
Giá tivi giảm từng ngày
Cách đây vài năm, gia đình anh Quý Tâm (32 tuổi, Hà Tĩnh) chưa từng nghĩ đến việc sở hữu một chiếc tivi 55 inch, bởi giá bán khi đó hầu như đều trên 20 triệu đồng.
Tuy nhiên mới đây, khi tìm mua tivi cho căn nhà mới xây, anh nhận thấy giá sụt giảm khá nhiều, chưa kể là mức khuyến mại 10-50% ở hầu hết siêu thị, cửa hàng điện máy. Chỉ từ 10 triệu đồng, anh đã có thể sở hữu một chiếc tivi 55 inch chất lượng 4K của những thương hiệu lớn như Samsung, Sony, LG.
"Tất nhiên còn tùy công nghệ và tính năng, nhưng nhìn chung tivi 55 inch đều dưới 20 triệu đồng, tivi 65 inch cũng khoảng 17-30 triệu đồng. Những mức giá này gần như tương đương với TCL, Asanzo hay Casper", anh Tâm đánh giá.
Giá bán tivi được điều chỉnh giảm qua từng ngày, kèm theo nhiều ưu đãi khác. Ảnh: Lan Anh. |
Thậm chí, Khánh Linh, nhân viên một siêu thị điện máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM) còn khẳng định các mẫu tivi đang được giảm giá từng ngày.
"Mẫu tivi đang bán chạy nhất của Samsung có giá niêm yết gần 20 triệu đồng. Ngày 1/12 tôi vừa bán cho một khách hàng giá 17 triệu, sang ngày 2/12 đã giảm tiếp còn 15,9 triệu đồng", Khánh Linh cho biết.
Theo nhân viên này, hàng loạt khuyến mại đã được áp dụng từ đầu năm đến nay, thay vì chỉ mùa bóng đá hay cận Tết như các năm trước. Mặc dù vậy, sức mua cũng không phải quá tốt.
Tivi không còn là ngành hàng chủ chốt
Chia sẻ với Zing về vấn đề này, ông Phạm Văn Tam cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Do tác động của đại dịch Covid-19, các dòng tivi không được tiêu thụ tốt ở các thị trường quốc tế. Tồn kho cao, trong khi áp lực phải tung sản phẩm mới mỗi 6 tháng khiến các hãng tuồn hàng về Việt Nam và liên tục đưa ra ưu đãi.
Trong khi đó, ở thị trường nội địa, các giải bóng đá lớn không được tổ chức, còn các công trình xây dựng bất động sản nhà ở, du lịch cũng gặp khó khăn. Do đó, nhu cầu lắp đặt, thay mới tivi không cao.
"Chưa kể, tivi không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa hiện nay. Kể cả bố mẹ tôi cũng bắt đầu ít xem tivi, chuyển sang điện thoại thông minh. Mỗi thành viên trong gia đình có thể sở hữu 1 chiếc điện thoại riêng để xem mọi chương trình tùy thích, nhưng không thể có 1 chiếc tivi riêng được. Vậy mới thấy tivi đã thua từ chính cuộc cạnh tranh với điện thoại chứ không cần gì nội bộ ngành", ông Phạm Văn Tam nói thêm.
Đồ họa: Hà My |
Ông ước tính, mỗi năm Asanzo bán ra khoảng 100.000 chiếc tivi trải dài từ 20-100 inch, nhưng năm nay chắc chắn sản lượng thấp hơn nhiều.
Do đó, ông cho rằng tivi không còn là ngành hàng chủ chốt của các doanh nghiệp điện tử. Một số thương hiệu quốc tế lớn như Toshiba, Sharp, Panasonic đã không còn quá mặn mà với sản phẩm này.
Với những nhãn hàng khác, ông Tam đánh giá các hãng chỉ liên tục đưa ra sản phẩm mới để duy trì thị phần, chủ yếu đã tập trung cho các mảng mới. Đơn cử tại Asanzo, doanh nghiệp dịch chuyển sang nhiều mũi nhọn khác như điện lạnh, lọc nước, lọc không khí, thậm chí là nông sản.
Thậm chí, thương hiệu Vsmart từ khi ra mắt 5 dòng tivi đầu tiên vào cuối năm 2019 đến nay chưa có thêm sản phẩm nào. Trong khi đó, mảng điện thoại liên tục ra mắt mẫu mới và nâng cấp tính năng, các thông tin về hiệu quả kinh doanh cũng được truyền thông thường xuyên nhắc đến.
"Trong khi điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, tủ đông có biên lợi nhuận cao, chi phí bảo hành chỉ chiếm khoảng 1-2%, thì ngành tivi gần như đã bão hòa. Một mặt là các hãng 'đạp nhau' đến mức không còn lợi nhuận, mặt khác đặc thù sản phẩm có tấm màn dễ hư hỏng ở thời tiết ẩm thấp nên chi phí bảo hành chiếm đến 10%", ông cho biết.
Hầu hết sản phẩm tivi được bày bán tại siêu thị điện máy này đều được khuyến mại từ 10-50%. Ảnh: Lan Anh. |
Hiện tại, ông đánh giá cạnh tranh trên thị trường tivi chỉ nằm ở vấn đề giá cả và hậu mãi, bởi công nghệ đã đạt đến trình độ cao và gần như tương đương giữa các hãng.
Là một doanh nghiệp nhỏ, đứng thứ 5-6 về thị phần, Asanzo đang tìm cách cắt giảm chi phí vận hành thông qua tinh gọn bộ máy nhân sự, đặc biệt ở khâu sản xuất và bán hàng. Do đó, giá thành có thể giảm mà tỷ suất lợi nhuận không thay đổi nhiều.
Trong cuộc chiến với các ông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng bản thân có lợi thế của một đơn vị nhỏ, dễ dàng linh động ứng biến theo thị trường. Đồng thời, mỗi hãng có một phân khúc khách hàng khác nhau. Nếu Samsung, Sony và LG chiếm ưu thế ở các dòng tivi cao cấp, thì Asanzo và TCL lại đang phục vụ tốt cho đối tượng bình dân, trung cấp.
Tuy vậy, trong bối cảnh các nhà máy sản xuất linh kiện trên toàn cầu tạm dừng hoạt động khi tồn kho của thương hiệu lớn còn nhiều, doanh nghiệp của ông lại phải nhập khẩu nguyên liệu với giá cao, thậm chí có thời điểm không tìm được nguồn nguyên liệu.
"Tình thế hiện nay gây ra một nghịch lý: Các thương hiệu lớn giảm giá rất sâu, còn chúng tôi lại buộc phải tăng giá. Tình trạng này diễn ra từ khoảng 2 tháng trước, tôi nghĩ sẽ còn kéo dài đến hết năm sau nếu các tập đoàn kia không sớm giải quyết được tồn kho của họ", ông cho biết.