TÌNH YÊU CỔ TÍCH GIỮA SÀI GÒN
Có những câu chuyện tình có thật, ẩn nấp đâu đó phía sau thời đại “yêu vội, sống vàng” ngày nay...
Buổi chiều, Sài Gòn oi ả với cái nắng rát da rát thịt, ngay sau đó là cơn mưa rào bất chợt. Lạc giữa dòng xe ùn ùn hối hả trên con đường Tô Hiến Thành (quận 10), người ta thấy thấp thoáng một chiếc xe ba bánh bán hàng rong nhẹ lăn.
Đó là lúc ông Phạm Văn Hợp và bà Cao Thị Trì (tên thường gọi là bà Năm) bắt đầu một ngày làm việc, rong ruổi đi bán gỏi khô bò khắp các ngõ hẻm ở các quận 10, 11 và Tân Bình.
Thoạt nhìn thấy bà chở ông trên xe, người ta tưởng lầm đây là một cặp cha - con vì ông trông rất già, lưng còng mọp, nhỏ thó ngồi phía sau xe. Hỏi ra mới biết, họ là vợ chồng.
Hai mảnh đời lỡ làng vô tình gặp nhau
“Năm nay tui 39 tuổi!”, ông Hợp đùa tếu táo nói ngược con số khi được hỏi về số tuổi thật. Ở cái tuổi chỉ còn vài năm nữa là tròn trăm, mắt đã mờ, tai bị lãng, cụ già 93 tuổi vẫn đủ minh mẫn để kể lại về ngày đầu gặp bà Năm ở quán nhậu trên đường Trương Định cách đây 23 năm.
“Hồi đó tôi đi đổ cơm heo, cơm thừa tại các nhà hàng, quán ăn rồi gặp bả đang rửa chén phía sau. Tự nhiên thấy bà ấy làm siêng quá, rồi để ý, rồi thương hồi nào không hay”, ông Hợp chia sẻ. Bà Năm ngồi bên cạnh góp chuyện: “Thấy ổng già quá mà còn ráng đi làm, cũng thấy thương thương”.
Lúc đó, ông Hợp đã 70 tuổi, trong khi bà Năm chỉ vừa bước sang tuổi 38. Cái tình cảm tréo ngoe, “thấy thương thương” vậy mà cuối cùng cũng nên duyên vợ chồng.
Cuộc đời đã cho cả ông và bà nếm trải lỡ làng trước khi đến với nhau. Chồng cũ bỏ đi, để lại bà Năm bơ vơ với ba đứa con không cha. Vào Sài Gòn tìm, bà sững sờ khi biết chồng đã theo người khác và trong lúc tuyệt vọng nhất, bà đã định tìm đến cái chết cùng ba đứa con ở cầu Bình Triệu. Được người đi đường khuyên can, thương con, bà Năm suy nghĩ lại để rồi từ đó bươn chải bất kỳ công việc nào có thể làm để nuôi con nơi xứ người.
Vợ cũ của ông Hợp thì không may mất sớm, để lại ông một mình không ai chăm sóc. Nhưng cũng chính cuộc đời đã cho ông bà có duyên gặp nhau, chắp nối hai mảnh đời dang dở để họ cùng nhau bước đi tiếp.
Hồi dẫn ông Hợp về nhà, mẹ bà Năm buột miệng: “Sao mày còn trẻ mà đi lấy ổng già quá vậy?” Ngay cả anh em, bạn bè cũng hỏi: “Bộ ổng nhiều tiền lắm hay sao mà mày lấy ổng?” hoặc “Bộ mướn ổng đi bán có nhiều tiền lắm hả?”
Mỗi lần nghe hỏi như vậy, bà Năm đều rơm rớm nước mắt. Đó không phải là những giọt nước mắt vì tủi thân, mà bà khóc vì thương ông, thương chính cái tình cảm ông bà dành cho nhau là sự thật. Mỗi lần như vậy, ông lại an ủi: “Thôi người ta nói gì thì kệ người ta, miễn vợ chồng mình biết với nhau là được rồi!”. Chính câu nói đó đã làm bà Năm vững vàng để bước tiếp cùng chồng.
Lúc mới về sống với nhau, dù đã ngoài 70 nhưng ông Hợp vẫn rất chăm chỉ làm việc, lo lắng cho vợ, con. Bà Năm đã thương càng thương ông nhiều hơn. Đến khi mắt ông yếu, bà dành hết chút tiền tiết kiệm của mình đưa ông đi mổ với lời hứa: “Ông cứ mổ đi, sáng mắt thì tui nhờ, còn không thì tui chịu, tui tình nguyện làm đôi mắt cho ông đến hết cuộc đời còn lại”.
Sau phẫu thuật, mắt ông Hợp quả thật có sáng lại nhưng không được lâu vì tuổi đã cao. Sức khoẻ ông ngày càng yếu đi, nhưng ông nhất quyết không để vợ đi bán một mình vì “bả đi một mình buồn lắm”.
Vậy là hàng ngày, ông lại ngồi sau xe để bà chở đi bán gỏi khắp các ngõ ngách từ 15h đến 22h đêm.
Nương tựa nhau trên đường đời mưu sinh
Đến với nhau trong hoàn cảnh cùng nghèo và còn phải nuôi con nên ông bà vẫn phải đi bán gỏi khô bò mưu sinh mỗi ngày ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi. Các nhà hàng, quán nhậu trong khu vực cư xá Lữ Gia, cư xá Bình Thới (quận 11) hẳn sẽ không xa lạ với tiếng đập kéo “leng keng” của bà Năm mỗi buổi chiều tối, khi nhìn ra lại thấy ông Hợp ngồi trên xe, ánh mắt dõi theo vợ như chất chứa rất nhiều tình cảm.
Nhiều người, một phần vì yêu thích đĩa gỏi khô bò rất chất lượng của bà Năm, một phần vì biết hoàn cảnh của ông bà nên rất thương và ủng hộ thường xuyên. Mỗi đĩa gỏi có giá chỉ 20.000 đồng, do chính tay bà đi chợ mỗi buổi sáng sớm. Đu đủ bà tự bào, giấm bà tự nuôi để làm gia vị.
Những lúc mệt, ông bà lại tấp xe vào lề, ngồi ngay bên vệ đường nghỉ, đưa cho nhau những ly nước mát lành. Vợ chồng cứ thế nương tựa nhau trên đường đời, ông mệt thì bà phụ đẩy xe, bà mệt thì ông bảo dừng lại nghỉ. Vượt qua quãng đường 7-8 km mỗi ngày, đến tận khuya họ mới về nhà.
Chấp nhận thiệt thòi để cho nhau
“Tôi phải sống đến khi bà trả hết nợ thì tôi mới yên lòng”, ông Hợp nói với bà Năm về khoản nợ 200 triệu vay ngân hàng sửa nhà. Đó là động lực để hai ông bà tiếp tục mưu sinh mỗi ngày, để mong sao con cái có cuộc sống yên ổn trong tương lai.
Chuyện “con bà”, “con tôi” tuy khiến hai người cãi nhau nhưng chỉ duy nhất một lần. Sau lần đó, ông bà chỉ tự bảo đã thương nhau thì con nào cũng là con mình, đều phải thương như nhau.
Mỗi ngày, bà Năm lo cho ông Hợp ăn ba bữa, trong khi bà chỉ ăn một, hai bữa. Hỏi tại sao ăn ít vậy, bà chỉ nhẹ nhàng trả lời “thấy ổng ăn ngon là tôi vui rồi”. Chẳng những vậy, ông muốn ăn gì bà cũng chiều, ông muốn đi đâu bà đồng ý, vì bà chỉ nghĩ đơn giản, những ngày ở với ông sẽ không còn được bao nhiêu...
Có lẽ vì được vợ chăm sóc tận tình nên gương mặt ông Hợp lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười tươi. Ông nói đùa: “Mấy ông cỡ tuổi tôi không có được nụ cười này đâu. Đó thật sự là nụ cười của hạnh phúc".
“Tôi mà chết trước ông là ông khổ. Còn ông mà chết trước tôi là ông sướng đó!”, bà cười hiền, đáp lại.