Chiều 28/7, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Y tế và các đơn vị liên quan về việc xử lý bãi rác Đông Thạnh. Báo cáo về kết quả khám sức khoẻ cho 1.930 người dân sống trong khu vực bãi rác, Sở Y tế cho biết, đa số có sức khoẻ lại 2 và loại 3.
“Một số người dân chủ yếu mắc các bệnh mãn tính, không lây ở các cụ cao tuổi như xương khớp, viêm đa khớp, gan nhiễm mỡ, có thể gặp ở cộng đồng dân cư khác. Các bệnh lý khác như viêm mũi, dị ứng, xoang, họng không cao bất thường, chỉ chiếm 8%. Trong số những người khám sức khoẻ, phát hiện có 9 ca ung thư. Sở cũng giao Bệnh viện Ung bướu xác định rõ hơn mối quan hệ giữa bệnh ung thư với môi trường sống”, đại diện Sở Y tế nói.
Báo cáo của Sở Y tế và Bệnh viện Ung bưới TP HCM cho thấy, tình trạng ung thư của người dân xung quanh bãi rác Đông Thạnh không bất thường. Ảnh: H.Hương. |
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM khẳng định, tình hình ung thư xung quanh bãi rác không có gì bất thường. Số liệu ghi nhận tại xã Đông Thạnh, Nhị Bình (huyện Hóc Môn) vẫn thấp hơn so với số liệu trung bình ghi nhận trên toàn TP.
Tuy nhiên, kết quả quan trắc chất lượng nước ngầm tại khu vực xung quanh bãi rác Đông Thạnh cho thấy, cả 4/4 mẫu không đảm bảo. Một số mẫu nước chứa chất gây ung thư hoặc gây nên tình trạng ngộ độc chì mãn tính.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đề nghị Sở Tài nguyên môi trường và Sở Y tế làm việc với nhau để xác định các vị trí quan trắc cần thiết. Theo ông Khoa, điều quan trọng là sau khi có được kết quả quan trắc thì phải có cơ chế xử lý. “Nếu phát hiện ra ô nhiễm ở đất, không khí, nước thì cơ chế xử lý sự cố môi trường sẽ vận hành như thế nào để tránh bị động”. Phó chủ tịch TP cũng yêu cầu hai sở phải hoàn thành quy chế trong hai tuần.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng đề xuất tăng mức bồi thường ô nhiễm cho người dân. “Mức bồi thường 25.000 đồng/người được áp dụng từ năm 2003 đến nay đã không còn phù hợp”, bà Mỹ nói. Về kiến nghị này, ông Lê Văn Khoa đề nghị Sở tài nguyên Môi trường làm việc với Sở Tài chính để đưa ra mức bồi thường hợp lý cho người dân. Theo thoả thuận, mức bồi thường mới sẽ được áp dụng từ tháng 8/2016.
Bí thư Đinh La Thăng đã đi khảo sát và chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm tại bãi rác. Ảnh: H.Hương. |
Đối với các nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước, TP cũng chỉ đạo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco cung cấp nước sạch cho người dân sống xung quanh bãi rác Đông Thạnh. Những nơi chưa có hệ thống cung cấp nước thì Sawaco phải đưa các bồn chứa nước sạch miễn phí, tránh tùnh trạng người dân dùng nước ngầm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định, việc chôn lập rác thải phù hợp với điều kiện và công nghệ hơn 10 năm trước. TP đã quyết định đóng cửa bãi rác, nhưng sẽ phải tiếp tục xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường sống.
Theo đó, TP sẽ chuyển nơi xử lý rác thải nguy hại về bãi rác Phước Hiệp trong vòng 12 tháng. Ông Lê Văn Khoa cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đánh giá, lựa chọn công nghệ xử lý rác từ 3 đề án đã được các công ty đề xuất. Bên cạnh đó, Sở cũng phải nghiên cứu lắp đặt các máy quan trắc môi trường để đánh giá chất lượng không khí, nước, và đất.
Trước đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Thạnh là vấn đề nhức nhối được cử tri phản ánh với Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ông Thăng cũng đã chỉ đạo Sở Y tế khám sức khoẻ miễn phí cho người dân, giao các Sở ngành đưa ra giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại bãi rác và tính phương án đóng cửa, di dời bãi rác Đông Thạnh, đảm bảo cuộc sống cho người dân.