Nhiều nhà bán lẻ hiểu được nhu cầu đó nên chuẩn bị lượng hàng smartphone giá thấp khá lớn cho mùa kinh doanh cuối năm.
Giá smartphone ngày càng giảm mạnh, thu hút người tiêu dùng. Trong ảnh: một dòng smartphone có màn hình 4 inch, bộ xử lý lõi kép, tốc độ 1.3GHz nhưng giá không vượt quá 2 triệu đồng. Ảnh: Minh Phúc. |
Dạo chợ hàng rẻ
Với những người có thu nhập trung bình trở lên, ít người dùng những chiếc smartphone có mức giá từ 2 triệu đồng trở xuống vì chê là hàng... “cùi bắp”. Nhưng với những người có thu nhập thấp hoặc phụ thuộc như công nhân, lao động tự do, học sinh, sinh viên, nếu muốn trải nghiệm những tính năng trên một chiếc smartphone cũng có nhiều cơ hội lựa chọn những sản phẩm phù hợp với túi tiền.
Dạo một vòng các siêu thị bán hàng điện máy, số lượng nhóm smartphone có mức giá trên khá nhiều với nhiều thương hiệu lớn nhỏ khác nhau. Rẻ nhất hiện nay trong nhóm smartphone là mẫu Hisense Jupiter khi có giá thấp bất ngờ - 890.000 đồng. Kế đến là Mobiistar Touch S07 khi có giá bán là 1,09 triệu đồng. Gionee Pioneer 3G - 1,19 triệu đồng. Q-Mobile Fly 01 - 1,29 triệu đồng. Mobell Nova A - 1,49 triệu đồng. LG Optimus L1 II E410 và ZTE V807 có cùng mức giá 1,59 triệu đồng.
Trong phân khúc giá này, còn có khoảng sáu mẫu smartphone có mức giá gần 2 triệu đồng, như Mobiistar Touch Bean 402M - 1,85 triệu đồng, Lenovo 369i, Mobell Nova E, Q-Smart S21 và Samsung Galaxy Y đồng giá 1,89 triệu đồng. Dẫn đầu về giá trong phân khúc này là mẫu Gionee Pioneer P2 khi giá bán là 1,99 triệu đồng.
Chưa có con số thống kê số lượng tiêu thụ chính xác của phân khúc này nhưng theo nhiều nhà bán lẻ, tỷ lệ phân khúc này chiếm đến 15% số lượng tiêu thụ của nhóm smartphone nói chung, chủ yếu tập trung ở thị trường các tỉnh hoặc các quận/huyện ngoại thành của TP.HCM, Cần Thơ...
Nếu chịu khó dạo các cửa hàng kinh doanh điện thoại khu vực Hùng Vương, 3/2... thuộc quận 10 (TP.HCM) có thể săn tìm những dòng smartphone có màn hình to, từ 4 inch trở lên với mức giá không quá 1,5 triệu đồng, tốc độ xử lý cao hơn.
Biết cách chọn, có 'hàng' ngon
Khi quyết định mua smartphone giá thấp, điều đầu tiên phải xác định số tiền tối đa là 2 triệu đồng. Khó mà tin được khi giá của smartphone mà lại rẻ hơn hàng “cỏ” (từ lóng chỉ dòng điện thoại phổ thông) như dòng Hisense Jupiter khi giá bán hiện nay chỉ 890.000 đồng.
Xét về cấu hình, dòng máy này nói riêng và những mẫu nằm trong phân khúc giá thấp đủ sức để chạy những ứng dụng cần thiết với người sử dụng như game, bản đồ, lướt web, nhận và gửi email... Màn hình phổ biến của phân khúc này là 3,5 inch, bộ xử lý một nhân, tốc độ xử lý từ 800MHz cho đến 1GHz, 256 - 512MB RAM, dung lượng ổ cứng dao động từ 100MB đến 4GB, camera có độ phân giải 2 - 5 megapixel, 2 SIM - 2 sóng, hệ điều hành Android 2.3 - 4.2.2...
Nhưng với tầm giá từ 1,5 triệu đồng trở lên, cấu hình có thay đổi đáng kể, từ cấu trúc bộ xử lý, dung lượng RAM, độ phân giải camera, dung lượng bộ nhớ trong, kích thước màn hình lớn hơn. Như ZTE V807 có màn hình 4 inch, hệ điều hành Android 4.1, camera là 3.15 megapixel, bộ xử lý lõi kép tốc độ 1GHz. Có giá cao nhất trong phân khúc này nên Gionee Pioneer P2 có cấu hình khá: bộ xử lý lõi kép tốc độ 1,3GHz, dung lượng ổ cứng – 4GB, 512MB RAM, camera 5 “chấm”, màn hình 4 inch...
Nhóm khách hàng chính của phân khúc smartphone giá thấp là lao động có thu nhập thấp, nên khi chọn mua phải cân nhắc nhiều tham số. Với mục đích sử dụng smartphone hiện nay, người dùng cần chú ý những điểm sau: chọn kích thước màn hình, thử độ phân giải và độ nhạy cảm ứng của màn hình, sau đó xem xét độ phân giải của camera càng cao càng tốt và chất lượng hình ảnh sau khi chụp hoặc quay, dung lượng pin lớn đủ sức hoạt động trong vòng 24 tiếng, sau đó mới chú ý đến bộ xử lý, dung lượng ổ cứng gắn trong và thẻ nhớ, sau đó mới là thương hiệu, chế độ bảo hành sản phẩm và các chế độ hậu mãi khác...
Dù giá rẻ nhưng khi mua nên chọn những nhà bán lẻ lớn, sẽ có cam kết chế độ bảo hành. Còn nếu mua ở những cửa hàng nhỏ, giá thấp hơn nhưng thời gian bảo hành chỉ từ 3 – 6 tháng, chất lượng “trầy trật” vì đây là nhóm hàng nhập mớ vào thị trường, sau đó chạy phần mềm tiếng Việt, dán nhãn hiệu, rồi bán...