Tại thị trường điện ảnh Việt và cả trên thế giới nhiều năm qua, việc các hiện tượng mạng xuất hiện trong các dự án phim là điều không hiếm. Song theo chuyên gia, bên cạnh những thuận lợi, việc mời hot TikToker, YouTuber đóng phim cũng đặt ra nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.
Trong đó, bài toán quan trọng nhất thuộc về đạo diễn, đòi hỏi họ phải tìm hiểu, casting kỹ lưỡng, chọn ngôi sao mạng phù hợp, có kỹ năng diễn xuất. Nếu không, chính các nhà làm phim sẽ phải chịu hệ lụy từ những tranh cãi xoay quanh các TikToker tai tiếng.
Đạo diễn Việt chọn hiện tượng mạng
“70.000 nghìn tiền xăng của Lê Tuấn Khang đã đổi lại một vai diễn điện ảnh”; “Lê Tuấn Khang chính thức có vai trong Lật mặt 8”; “TikToker Lê Tuấn Khang đóng phim của Lý Hải”.... là những cụm từ khóa phổ biến, chiếm lĩnh mạng xã hội 24 giờ qua.
Đạo diễn Lý Hải cho rằng từ trước đến nay, anh không chú trọng chọn “ngôi sao phòng vé” hay những gương mặt đã nổi tiếng trước đó. Các diễn viên đều trải qua các vòng casting và được chọn vì hợp nhân vật. Thậm chí trước khi Lê Tuấn Khang đến tham gia casting, Lý Hải còn không biết TikToker này là ai.
Đáng chú ý, dàn cast của Lật mặt 8, ngoài Lê Tuấn Khang, còn một số gương mặt diễn viên mới là nhà sáng tạo nội dung mạng, trong đó có Đoàn Thế Vinh, Tín Nguyễn. Vào năm 2023, ngôi sao mạng với 5 triệu lượt theo dõi, cũng góp mặt trong phần 7 của thương hiệu Lật mặt. Thời điểm đó, chia sẻ với Tri Thức - Znews, Tín Nguyễn tiết lộ thời điểm khi phim chưa ra mắt, nhiều khán giả chê bai, thậm chí tuyên bố không xem phim bởi một TikToker như cô cũng tham gia.
Hot TikToker Tín Nguyễn, Lê Tuấn Khang đóng phim điện ảnh. |
Bên cạnh Lý Hải, nhiều dự án của các đạo diễn Việt cũng có sự xuất hiện của các ngôi sao mạng. Gần nhất, Phạm Thoại từng tham gia trong một cảnh phim của Cô dâu hào môn (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Hay vào đầu năm nay, bộ phim Mai của Trấn Thành cũng có sự góp mặt của Ngọc Nguyễn, biệt danh là "thánh livestream". Song phần lớn các hot TikToker này đều đảm nhận vai phụ hoặc cảnh nhỏ trong dự án điện ảnh.
Hoặc ở mảng truyền hình, các đơn vị sản xuất cũng đã bắt đầu casting những gương mặt được chú ý trên mạng. Gần nhất có thể kể đến trường hợp của Lê Bống (Lê Xuân Anh) ở phim Lỡ hẹn với ngày xanh.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV Việt Nam cho biết việc các nhà sáng tạo nội dung với lượng lớn người theo dõi trên mạng tham gia các bộ phim, phần nào giúp quảng bá dự án đến với đông khán giả, nhất là khách hàng trẻ. Điều quan trọng là những hiện tượng mạng này phải được chọn lựa kỹ ở khâu casting và có thực lực diễn xuất.
Chung quan điểm, nhà sản xuất Cao Tùng nhận định việc đạo diễn tìm đến với các hot TikToker, YouTuber..., là thực tế diễn ra ở thị trường phim nhiều năm qua, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của nhiều nền tảng mạng xã hội. Các nhà làm phim, phát hành hưởng lợi lớn về khâu quảng bá, truyền thông cũng như mở rộng tệp khán giả.
Song lựa chọn này như con dao hai lưỡi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nhiều trường hợp, khán giả dễ hiểu nhầm rằng đây là một bộ phim có sự tham gia đóng chính của nhiều hiện tượng mạng, chưa được đào tạo bài bản hay có kinh nghiệm về diễn xuất trước đó.
"Nhìn ở góc độ tiếp thị, marketing, đây là một tiếp cận hoàn toàn bình thường. Khi làm phim, các đạo diễn đang truyền thông đến với nhiều nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau và tìm cách lôi kéo họ đến rạp. Tuy nhiên, việc hợp tác với các ngôi sao mạng cần được chọn lọc kỹ, tránh những nhân vật ồn ào, tai tiếng để không ảnh hưởng tới dự án. Đồng thời, nhà làm phim phải tính toán, cân đối việc xuất hiện giữa nhóm diễn viên thực lực và các ngôi sao mạng", ông Cao Tùng nói.
Tranh luận
Việc influencer (người nổi tiếng trên mạng xã hội) lấn sân điện ảnh không phải hiện tượng xa lạ trên thế giới, đặc biệt ở những thị trường có quy mô lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ... Nhiều nền tảng như YouTube, TikTok hay Instagram trở thành bệ phóng giúp hàng loạt gương mặt có tầm ảnh hưởng thu hút sự chú ý của các nhà làm phim, dễ dàng nhận được lời mời tham gia diễn xuất.
Addison Rae là một trong những TikToker hàng đầu tại Mỹ đã lấn sân sang con đường diễn viên. Ảnh: People. |
Addison Rae - ngôi sao TikTok với gần trăm triệu lượt theo dõi - từng góp mặt trong He’s All That (2021), một dự án do Netflix đầu tư. Nhờ lượng fan khổng lồ của Addison, bộ phim nhanh chóng dẫn đầu nền tảng này tại nhiều quốc gia ngay khi ra mắt, thu hút gần 43 triệu giờ xem ở tuần chào sân, theo FlixPatrol.
Hay Andrew Bachelor, được biết đến nhiều hơn trên mạng xã hội với tên King Bach, cũng lấn sân diễn xuất từ năm 2015 với We Are Your Friends. Kể từ đó, anh chàng đều đặn dắt túi vài dự án phim mỗi năm, cho tới nay đã có nhiều dự án gây tiếng vang như Fifty Shades of Black, When We First Met, Greenland hay Family Switch...
Tại Trung Quốc, Lamu Yangzi, với hàng triệu lượt theo dõi trên Douyin, cũng được mời tham gia nhiều phim điện ảnh, truyền hình. Trong số đó, không ít dự án được đón nhận tích cực, phải kể tới như The Legendary Life of Queen Lau, Successor hay A Year Without a Job...
Theo Screen Daily, việc mời influencer tham gia phim phần lớn xuất phát từ chiến lược kiếm tiền của các nhà sản xuất.
Với lượng người theo dõi lớn, sự hiện diện của influencer góp phần đảm bảo sự chú ý của công chúng với dự án mà họ tham gia. Một influencer với hàng triệu người theo dõi không chỉ mang lại lượng khán giả tiềm năng, mà còn giúp tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trước và sau khi phim ra mắt. Các bài đăng trên mạng xã hội của họ thậm chí mang lại hiệu quả không kém cạnh các chiến dịch quảng bá truyền thống.
Chưa kể, những ngôi sao trên mạng xã hội thường rất giỏi trong việc “tự quảng bá”. Từ đó, các nhà sản xuất có thể tận dụng sức lan tỏa từ họ để giảm bớt gánh nặng chi phí marketing. Cuối cùng, lượng fan hùng hậu có thể dễ dàng được “chuyển đổi” thành doanh thu phòng vé hoặc lượt xem trực tuyến, biến influencer trở thành “vũ khí” hữu dụng của các nhà sản xuất trên mặt trận thương mại.
Đạo diễn Jon M. Chu, cha đẻ Crazy Rich Asians, thừa nhận các influencer sở hữu lượng người theo dõi lớn, phần nào đó giúp đảm bảo thành công phòng vé của phim. “Chúng tôi cần họ để quảng bá tác phẩm tới những đối tượng khán giả khó tiếp cận qua các phương tiện truyền thống”, anh nói.
Dẫu vậy, việc mời người nổi tiếng trên mạng xã hội đóng phim cũng vướng không ít tranh cãi từ cả khán giả, giới phê bình lẫn những người trong nghề. Addison Rae giúp He’s All That thu hút nhiều sự quan tâm, song bản thân cô nhận không ít “gạch đá” với màn thể hiện non nớt, vụng về trên màn ảnh. Trên trang Rotten Tomatoes, He’s All That chỉ đạt số điểm 29% từ giới phê bình.
Biên kịch lừng danh Aaron Sorkin thẳng thắn chỉ trích: “Đưa influencer lên màn ảnh rộng mà không qua đào tạo là hủy hoại giá trị của nghề diễn”. Đạo diễn nổi tiếng người Ấn Anurag Kashyap từng công khai lên án việc nhiều nhà làm phim đang ưu ái chọn influencer thay vì diễn viên chuyên nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, không phải bất kỳ bộ phim nào có sự tham gia của người nổi tiếng đều đạt thành tích tốt tại phòng vé. Đơn cử, Baywatch dù có Logan Paul vẫn chỉ kiếm được 178 triệu USD, con số gây thất vọng so với kinh phí sản xuất gần 70 triệu USD.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.