Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tinh thần ủng hộ doanh nghiệp bằng một nửa như bóng đá đã quý'

Huy chương vàng của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là thành công tuyệt vời đồng thời cũng cho chúng ta nhiều bài học.

Trong giây phút vỡ òa với 90 triệu con tim Việt, bà lại trầm ngâm nhớ tới phận "tự sinh tự diệt" của doanh nghiệp tư nhân. Hơn một lần, trong cuộc trò chuyện, vị chuyên gia nhiều năm trong tổ tư vấn của Thủ tướng đã phải cảm thán "mong tinh thần ủng hộ doanh nghiệp bằng một nửa bóng đá đã quý rồi".

Hàn Quốc hóa rồng, Việt Nam có thể làm nhanh hơn

- Tấm huy chương vàng lịch sử của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games đã khiến cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Trong giây phút ấy, bà có suy nghĩ gì?

- Chiến thắng của tuyển Việt Nam tại SEA Games 30 là thành công tuyệt vời. Hiện tại, các cầu thủ Việt không chỉ kỹ thuật tốt hơn mà sức khỏe, tâm lý cũng vững vàng hơn rất nhiều. Nhất là tinh thần dân tộc, vì màu cờ sắc áo, và tinh thần đồng đội thực sự khác hẳn trước. Đây là kết quả của sự đầu tư từ gốc một cách bài bản.

Nhưng, chiến thắng này cũng cho chúng ta nhiều bài học. Từ bóng đá, chúng ta thấy được bài học cho sự phát triển chung, đó là phải tin vào những người trẻ và phải có huấn luyện viên giỏi, tức là người dẫn dắt và để họ toàn quyền làm. Người cầm trịch như ông Park rất hiểu Việt Nam, hiểu tâm lý người Việt, đánh giá chuẩn xác năng lực của từng cầu thủ và biết khơi dậy tinh thần dân tộc, biết sử dụng và phát huy tốt nhất tài năng của các học trò.

Tôi cũng chỉ mong lãnh đạo Việt Nam, những người đứng đầu các đơn vị biết khơi dậy tinh thần dân tộc Việt, niềm tự hào hoặc ít nhất là sự tự ái, tự trọng của người Việt và biết dùng người để tất cả cùng cố gắng vươn lên.

doanh nghiep Viet anh 1

Bà Phạm Chi Lan cho rằng tinh thần ủng hộ doanh nghiệp bằng một nửa như bóng đá đã quý.

- Bà từng than thở việc người giàu bị kỳ thị, doanh nghiệp chẳng muốn lớn lên. Phải chăng, một phần nguyên nhân cũng vì ta chưa thể khơi dậy tinh thần dân tộc Việt như bà vừa nói?

- Tôi vẫn nói là làm sao đưa tinh thần ủng hộ bóng đá vào ủng hộ doanh nghiệp. Chỉ cần ủng hộ doanh nghiệp bằng một nửa ủng hộ bóng đá thôi cũng đã quý rồi. Với bóng đá, từ trận nhỏ tới trận lớn, chúng ta cùng ủng hộ, hò reo thì với doanh nghiệp, rất nhiều người thờ ơ, nghi ngờ, để doanh nghiệp tự sinh tự diệt. Chúng ta vẫn chưa quan tâm, chưa trân trọng doanh nghiệp tư nhân.

- Nhân nói về sự nghi ngờ, mới đây, hãng tin tức nổi tiếng Bloomberg dẫn phỏng vấn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng nói về việc VinFast sẽ xuất ôtô sang thị trường Mỹ. Một số ý kiến cho rằng, vị tỷ phú USD của Việt Nam đang "nổ". Bà nghĩ gì về điều này?

- Từ khi ra đời, VinFast đã bị nghi ngờ nhưng với tôi, tôi hoan nghênh khát vọng của doanh nhân Việt và người Việt nói chung. Việt Nam muốn phát triển rất cần khát vọng lớn, cần những đầu óc dám nghĩ lớn, làm lớn. Nếu chúng ta cứ làm theo đường mòn lối cũ với lối nghĩ Việt Nam chỉ nên "cắm cổ" gia công hàng dệt may, da giày thì không bao giờ nên chuyện. Kể cả hàng điện tử, bây giờ ta cứ nói xuất siêu nhưng thực chất Việt Nam chỉ có lao động giá rẻ, làm khâu gia công đơn giản.

Bài học các nước là phải có những người dám nghĩ lớn và được ủng hộ để làm lớn. Những doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng của Hàn Quốc như Hyundai, Kia và Daewoo ban đầu cũng chỉ được Chính phủ ủng hộ chủ yếu về ý tưởng, về khát vọng. Có ai nghĩ được họ sẽ trở thành doanh nghiệp xuất khẩu ôtô lớn ra toàn thế giới nhưng họ làm được.

Nếu Hàn Quốc có được ôtô xuất khẩu đi các nước, cùng cạnh tranh sòng phẳng với các nước Mỹ, châu Âu thì tôi nghĩ Việt Nam cũng có quyền nghĩ tới chứ, tại sao không?

Giấc mơ vươn ra thị trường Mỹ là điều thực sự tôi mong sẽ có ngày mình làm được. Nếu như Hàn Quốc mất chỉ khoảng ba thập niên để hóa rồng, thì Việt Nam sau khi đã có hơn ba thập niên cải cách đang bước vào thời đại mới cần đổi mới mạnh hơn nữa và tận dụng thời cơ trong kỷ nguyên công nghệ này để có thể tăng tốc thực hiện giấc mơ đó.

Đừng trách móc người dùng?

- Tinh thần ủng hộ hàng nội địa của người dùng những nước như Hàn Quốc rất tốt. Nhưng người Việt hay bị nhắc tới tính xấu là "ném đá", chê bai. Tinh thần đồng hành liệu có phải là vấn đề đáng lo để doanh nghiệp nội vươn ra thế giới không, thưa bà?

- Đúng là Việt Nam hơi khác Hàn Quốc ở tinh thần ủng hộ lẫn nhau. Một trong các bài học thành công của Hàn Quốc là ngay từ đầu, nước này chủ trương không vội vã kêu gọi đầu tư nước ngoài mà phát triển doanh nghiệp nội.

Việt Nam thì khác, ngay sau đổi mới, việc đầu tiên của chúng ta là thu hút đầu tư nước ngoài. Sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, mãi tới năm 1999, Việt Nam mới có Luật Doanh nghiệp để tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân. Tức là, khu vực tư nhân Việt Nam phải đi sau khu vực nước ngoài ít nhất là 12 năm về thể chế để phát triển ngay trên nước mình. Tư duy trọng đầu tư nước ngoài tới tận bây giờ vẫn thịnh hành ở Việt Nam.

- Doanh nghiệp từ lâu cũng thiết tha rằng, không cần Nhà nước hỗ trợ đặc biệt gì mà chỉ cần sự công bằng, coi các doanh nghiệp tư nhân là "tài sản quốc gia". Vì sao tới tận bây giờ, vẫn còn những phàn nàn như vậy, thưa bà?

- Mặc dù hiện tại lãnh đạo cao nhất đang nhấn rất nhiều tới nội lực, các bộ ngành và nhất là địa phương vẫn trọng đầu tư nước ngoài trong khi doanh nghiệp nội không có những ưu đãi, hoan nghênh tương tự. Chính cách làm này đã dẫn tới thái độ ứng xử chung của xã hội.

Ta trách móc người dùng sính ngoại nhưng nghĩ cho cùng thì đó là môi trường chung, dẫn tới cách ứng xử toàn xã hội. Nếu từ lãnh đạo đã có tinh thần "trọng nội" thì mọi thứ đã khác.

 - Bà có niềm tin sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vingroup có thể vươn ra thế giới, giúp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác nếu được ủng hộ với tinh thần khác?

- Với Vingroup, ngay từ thời gian đầu, tập đoàn đã có cách làm lớn. Từ nhiều năm trước, những thương hiệu của Vingroup như Vinpearl, Vincom đã được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là cách làm bài bản để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của thế giới.

Đặc biệt, tại thời điểm này, Vingroup đang phát triển và biết tiến thoái khi cần. Vingroup chấp nhận rời bỏ miếng bánh hời như hệ thống bán lẻ để tập trung vào phát triển vào công nghệ, công nghiệp. 

VinFast lập kỷ lục xây dựng thành công nhà máy sản xuất ôtô trong 21 tháng. Hãng xe Việt cũng đầu tư ngay từ đầu những dây chuyền hiện đại, chọn những hãng cung cấp thiết bị tốt nhất thì tại sao không thể nghĩ tới những thứ xa hơn.

Tôi vẫn nhớ, sau hiệp 1 trận Việt Nam đá với Thái Lan lượt cuối bảng B SEA Games 30 vừa rồi, khi Việt Nam bị dẫn 2 bàn, trong giờ nghỉ, thầy Park đã nói với các học trò: Hãy chứng tỏ cho mọi người thấy tinh thần Việt Nam như thế nào. Với khí thế đó, các cầu thủ Việt Nam đã chơi hết mình và xoay chuyển được tình thế.

Tôi tin, cùng với sự ủng hộ của xã hội, đông đảo doanh nghiệp Việt như Vingroup cũng sẽ chứng tỏ được cho cả thế giới thấy tinh thần người Việt chúng ta.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm