Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tinh thần 'Thép đã tôi thế đấy' của người Nga

Ở giữa cái nơi mà “hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm”, vẫn có những người lính ở dưới hầm kể cho nhau nghe về anh chàng Pavel bị bại liệt trong “Thép đã tôi thế đấy”.

Mẹ tôi kể lại rằng, hồi đi học mẹ được học tiếng Nga chứ không phải tiếng Anh, giáo viên tiếng Nga khi ấy lại chính là hiệu trưởng trường cấp 3 của tôi sau này. Mỗi lần mẹ đi đến trường họp phụ huynh cho tôi mà gặp cô hiệu trưởng thì y như rằng hai người phụ nữ ấy sẽ tíu tít kể lại những chuyện ngày xưa.

Tôi nhớ hồi nhỏ mẹ cũng dạy tôi vài câu tiếng Nga như "xin chào" và "tạm biệt". Nhưng tôi không bao giờ nhớ nổi. Thay vào đó, tôi lại nhớ những câu chuyện Nga mẹ kể cho tôi được lấy từ trong sách mẹ đọc, câu chuyện về anh chàng Gregori của Sông Đông êm đềm phải bỏ lại tình yêu ở quê nhà để đi lính, về cậu bé Alexie Thời thơ ấu sống với ông bà suốt ngày bị đánh phạt vì tội nghịch ngợm. Tôi còn nài nỉ mẹ kể đi kể lại truyện về người thầy Đuy-sen giải cứu cô học trò nhỏ khỏi lũ người độc ác và vô lại trong cuốn sách yêu thích nhất của mẹ - Người thầy đầu tiên

Ky uc van hoc Nga anh 1
Cuốn sách in đậm trong tâm trí một thế hệ yêu văn học Nga.

Những trang giấy ngả vàng với con chữ tròn trịa, những cái tên với dấu gạch nối dài miên man, kèm theo cái mùi sách ẩm mốc luôn hiện hữu trong tâm trí của tôi khi nhớ về những đêm nằm cạnh mẹ.

Ở thời đại của mẹ khi ấy, văn học Nga hiện hữu mạnh mẽ đến mức đi đâu cũng sẽ thấy những tác phẩm quen thuộc như Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình, Tội ác và hình phạt hay Thép đã tôi thế đấy. Khi ấy, hàng loạt học sinh, sinh viên sang Liên xô du học, rồi trở về mang theo cả nền văn học của Nga vào Việt Nam. 

Sau này khi có cơ hội đọc lại những cuốn sách kinh điển ấy, tôi mới phát hiện ra câu chuyện mà mẹ kể đã được rút ngắn như thế nào. Sông Đông êm đềm có đến 2 tập truyện dày cộp mà mẹ kể trong vài đêm đã hết. Và tôi nhận ra, hoặc vì mẹ tôi không có cơ hội để đọc bản đầy đủ, hoặc để phù hợp với cái nhìn ngây ngô của một đứa trẻ, mẹ đã cắt bỏ đi rất nhiều đoạn không cần thiết. Nhưng với tôi, đó vẫn là những câu chuyện rất đầy đủ và trọn vẹn.

Có lẽ không chỉ riêng mẹ mà cả thế hệ của mẹ khi ấy đều sống trong văn học Nga - Liên xô. Giống như Đặng Thùy Trâm đã kể lại trong cuốn nhật ký của mình, rằng giữa cái nơi mà “hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm”, vẫn có những người lính như chị ở dưới hầm kể cho nhau nghe về anh chàng Pavel bị bại liệt trong Thép đã tôi thế đấy.

Chiến tranh ở đó và ở đây chẳng khác nhau là bao, nhưng khi đọc được về một nhân vật tràn đầy lý tưởng như thế, những người lính của chúng ta cảm thấy được truyền lửa, truyền cảm hứng.

Văn học Nga những năm giao giữa thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 được ưu ái gọi với cái tên “thế kỷ bạc”. Tôi đọc được trong nhiều bài báo rằng những tác phẩm đến từ xứ sở bạch dương đã tạo nên nhiều trào lưu ở Việt Nam.

Sau khi đọc xong Thép đã tôi thế đấy, nhiều thanh niên đã viết đơn tình nguyện ra mặt trận, hay những bài thơ tình lãng mạn đã làm trỗi dậy tình yêu trong trẻo, thuần khiết ở tầng lớp sinh viên. Mẹ tôi hồi đó khi được nghe những vần thơ dịch từ nước Nga xa xôi cũng chăm chỉ chép lại vào cuốn sổ tay luôn mang theo người. 

Ky uc van hoc Nga anh 2
Ngay nay, các tác phẩm văn chương kinh điển Nga được thiết kế, in ấn đẹp mắt.

Có một lần khi đến thăm những gian hàng sách cũ trong hội sách, tôi gặp một bác lớn tuổi chỉ chăm chăm đi tìm cuốn Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky mà phải là bản hồi xưa bác từng đọc.

Tôi hỏi bác, bây giờ đâu có thiếu những bản sách mới mà sao bác không mua, cứ phải lấy cuốn cũ làm gì. Bác nói rằng không phải là nội dung cuốn sách, vì bác đã thuộc lòng câu chuyện Anh em nhà Karamazov lâu rồi, mà chính cái cuốn sách cũ ấy mới gợi lại cho bác nhiều cảm xúc như ngày xưa bác được đọc. 

Hình như không phải sách đã đổi thay, mà là tôi đang thay đổi, nước Nga và cả thế giới cũng thay đổi. Bây giờ dù đã đọc rất nhiều bản sách mới được trình bày đẹp đẽ và giữ nguyên tên gốc của các nhân vật và địa danh, nhưng tôi không còn tìm lại được cái cảm giác ngày xưa khi sờ vào những trang giấy ố vàng nằm nghe mẹ kể chuyện nữa.

Nước Nga của hiện tại tươi đẹp, nền văn hóa đa dạng, không còn cái màu sắc u tối đói nghèo của mấy mươi năm về trước. Nước Nga cởi mở hơn, đón chào những đoàn khách du lịch đến xem bóng đá với nụ cười trên môi. Giờ đây họ khiến cả thế giới ngả mũ không chỉ bởi nền văn học đồ sộ mà bên cạnh đó là sự chuyên nghiệp và tận tâm trong bất cứ công việc nào. 

Nền văn học của Nga chắc chắn cũng có nhiều sự chuyển biến với những tài năng mới của nền cận đại và hiện đại. Nhưng trong tâm trí độc giả Việt, không có gì có thể thay thế được giá trị vững bền của các tác phẩm kinh điển trong giai đoạn hoàng kim sôi động nhất. Nó âm vang mãi trong lòng mỗi người giống như những lời ca vui tươi mẹ dạy tôi thuở nhỏ:

“Tiếng cười vui luôn bên ta
Tiếng cười sẽ luôn luôn ngân xa
Tiếng cười là bạn đường tháng năm không thể nào xóa nhòa”

Thu Hoài

Bạn có thể quan tâm