Đúng 7h30 hàng ngày, tình nguyện viên Nguyễn Hồ Hoàng Hải (17 tuổi) lại có mặt ở một siêu thị trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp.
Thay vì xếp hàng chờ tới lượt mua sắm như nhiều người, cậu nhanh nhẹn đeo kính chắn giọt bắn, khẩu trang và găng tay, tới khu vực cửa ra vào và chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Hoàng Hải (17 tuổi) đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ người dân mua sắm tại siêu thị với mong muốn giúp bà con có đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm sử dụng trong những ngày giãn cách xã hội. |
Hơn một tháng trước, Hoàng Hải đăng ký hỗ trợ tại một siêu thị trong khu vực mình sống theo điều động từ Thành đoàn TP.HCM, giúp người dân mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm trong khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16.
"Công việc tưởng như đơn giản mà không hề dễ dàng đâu! Dù gặp một vài khó khăn, mình tự nhủ 'Mệt chỉ là cảm giác'", cậu nói.
100 đơn hàng mỗi ngày
Chia sẻ với Zing, Hoàng Hải cho biết sau khi hỗ trợ ở nhiều vị trí như trực chốt phong tỏa, khu cách ly; điều phối lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng cộng đồng, cậu tiếp tục gia nhập nhóm tình nguyện viên trực tại các siêu thị trên địa bàn thành phố.
Nhằm giúp người dân mua sắm an toàn, thuận lợi mùa dịch, thành viên nhóm sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn khách tới siêu thị xếp hàng, xuất trình phiếu, khai báo y tế và thực hiện quy tắc 5K khi mua hàng.
"Giờ người dân cần có phiếu theo ngày, giờ và vào siêu thị theo lượt. Để tránh gây ùn tắc, không đảm bảo giãn cách, tình nguyện viên như tụi mình sẽ hỗ trợ, nhắc nhở các cô chú, anh chị kiên nhẫn, mua hàng tuần tự", Hoàng Hải nói.
Các tình nguyện viên sẽ nhận đơn từ phía nhân viên siêu thị, xếp vật phẩm vào giỏ theo đúng danh sách mua hàng. |
Bên cạnh đó, nhóm thanh niên tình nguyện ở siêu thị cũng nhận nhiệm vụ lấy đồ cho các đơn hàng trực tuyến. Sau khi nhận đơn từ nhân viên siêu thị, họ sẽ sắp xếp sản phẩm có mặt trong danh mục vào giỏ hàng, đợi chuyển tới tay người mua.
Tùy từng ngày mà số tình nguyện viên đăng ký hỗ trợ có thể dao động từ 3-10 người, chia thành 3 ca làm việc: 7h30-17h (ca toàn thời gian), 7h30-12h30 hoặc 12h30-17h (ca bán thời gian).
Những ngày cao điểm, mỗi ca trực có thể chuẩn bị tới 100 đơn đặt hàng.
"Do mỗi gia đình chỉ được phát phiếu 2 lần/tuần, mua hàng online cũng khó khăn nên mỗi lần đặt đều chọn khá nhiều loại thực phẩm khác nhau. Mình cố gắng làm việc mau lẹ, xử lý mỗi đơn trong vòng 30 phút để tránh ùn ứ, khiến người dân phải chờ lâu mới nhận được đồ".
Minh Thư tự đúc rút kinh nghiệm sắp xếp hàng hóa hợp lý, nhanh chóng để có thể xử lý 1-2 đơn hàng trong vòng một giờ đồng hồ. |
Sau nửa tháng thử sức với vị trí tình nguyện viên trực tại một siêu thị ở quận 3, Vũ Minh Thư (16 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng rút ra nhiều kinh nghiệm.
Cô cho biết việc hỗ trợ bà con mua sắm tuy "dễ thở" hơn các vị trí khác nhưng yêu cầu phải nhanh nhẹn và khéo léo.
Để tiết kiệm thời gian, cô thường nhận liền 2 đơn từ nhân viên siêu thị, chia xe đẩy thành chỗ cho 2 lần mua sắm, đặt tại đầu các kệ hàng rồi chủ động chạy đi lấy đồ.
Kinh nghiệm này được cá nhân Minh Thư đúc rút trong quá trình làm việc, vừa chừa ra lối đi lại, vừa thuận tiện cho nhân viên xếp hàng hóa.
"Mình hiểu rằng người dân sẽ yên tâm ở nhà tránh dịch hơn nếu họ có đầy đủ lương thực, đồ dùng cần thiết. Vì vậy, mình muốn hoàn thành càng nhiều đơn hàng càng tốt, với mong muốn bà con sớm nhận được nhu yếu phẩm", cô cười, nói.
Loay hoay tìm kệ hàng, phân biệt rau củ
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, Châu Ngọc Nhân Ái (19 tuổi, người Bến Tre) không kịp về quê tránh dịch, mắc kẹt lại KTX ĐH Văn Lang. Không uổng phí thời gian, cô quyết định đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ cho một siêu thị ở gần trường học.
Dù vậy, Nhân Ái giữ kín chuyện đi tình nguyện mùa dịch với gia đình vì biết cả nhà sẽ lo lắng, phản đối nếu hay tin. Trước đó, từ ngày 6/6 tới giữa tháng 7, nữ sinh từng tham gia trực chốt phong tỏa, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và nhập liệu theo điều động từ Thành đoàn TP.HCM.
Với Nhân Ái, công việc hỗ trợ người dân mua hàng không đơn giản như tưởng tượng. Ngoài việc phải tiếp xúc với đám đông, cô cũng phải liên tục di chuyển, sắp xếp hàng hóa, điện thoại cho từng khách hàng nếu siêu thị thiếu món đồ họ cần.
"Nhu cầu mua sắm tăng cao nên đôi lúc cũng xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, hoặc sót đơn hàng. Hồi đầu, mỗi lần gọi điện cho khách để báo hết hàng hoặc xin lỗi vì thiếu sót là mình lo lắm! Đa số đều thông cảm, thấu hiểu cho tụi mình, nhưng nếu gặp khách hàng kỹ tính thì khó tránh khỏi vài lời trách móc", Nhân Ái nói.
Vốn không có nhiều kinh nghiệm đi chợ, Quốc Trọng mất vài ngày đầu để làm quen với vị trí kệ hàng, phân biệt các loại rau củ để xếp đơn cho khách đặt online. |
Không thạo chuyện chợ búa, Nguyễn Lâm Quốc Trọng (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mất vài ngày làm quen với công việc hỗ trợ ở siêu thị.
"Hồi đầu, mình chưa quen lối đi trong siêu thị nên mất thời gian để tìm quầy hàng; rồi còn khó phân biệt bầu, bí và các loại rau khác. Thỉnh thoảng, mình cũng bị sót mất 1-2 món trong đơn và được nhân viên siêu thị nhắc nhở bổ sung", Quốc Trọng chia sẻ.
Trả lời Zing, anh cho biết do tình hình dịch bệnh phức tạp, phía siêu thị cũng cắt giảm số tình nguyện viên hỗ trợ xuống còn 3-4 người mỗi ca trực. Nhân lực mỏng đi trong khi nhu cầu vật phẩm, hàng hóa vẫn cao, các bạn phải làm việc hết công suất mỗi ngày.
"Mình hiểu rằng nếu thiếu nhu yếu phẩm những ngày này thì nhà nào cũng lo lắng không yên. Vì thế, nhiệm vụ hỗ trợ tuyến sau này cũng quan trọng không kém, giúp người dân yên tâm ở nhà để tuyến đầu nỗ lực dập dịch. Mình chỉ mong dịch Covid-19 sớm qua đi và cuộc sống trở lại bình thường", anh bày tỏ.