Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong 10 tháng qua (tính từ 16/12/2021 đến ngày 15/9), ngành hàng không trong nước đã xảy ra một tai nạn và 83 sự cố (5 sự cố uy hiếp an toàn cao và 78 sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn).
Trong đó, có một tai nạn do lỗi học viên bay, 42 sự cố do vấn đề kỹ thuật máy bay, 13 sự cố do tổ lái, 18 sự cố do chim va đập, 3 sự cố do thời tiết...
Chuyến bay VN7184 của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng vì động cơ bị hóc khí. Ảnh: Flightradar24. |
Một số sự cố phát sinh từ động cơ máy bay đã được Cục Hàng không lập tổ điều tra và đưa ra kết luận.
Cụ thể, ngày 27/7, chuyến bay VN7184 (máy bay A321) của Vietnam Airlines hành trình Đà Nẵng - Nội Bài xảy ra sự cố mức C. Khi máy bay đang cất cánh, tổ lái phát hiện cảnh báo động cơ số 2 bị hóc khí (STALL).
Khi phát hiện cảnh báo, tổ lái đã quyết định quay lại hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng để kiểm tra kỹ thuật. Thời điểm trên, một số nhân chứng cho biết có khói phát ra từ động cơ. May mắn, chuyến bay hạ cánh an toàn, không có hành khách bị thương.
Sau khi xảy ra sự cố, Vietnam Airlines đã kiểm tra tình trạng động cơ số 2 và phát hiện hư hại tại một số lá máy nén của tầng máy nén cao áp.
Trước đó, ngày 2/4, một chuyến bay trong quá trình hạ cánh tại sân bay Phù Cát đã xảy ra cảnh báo cháy động cơ số 2.
Cục Hàng không kết luận nguyên nhân trực tiếp do van trích khí cao áp bị mất dây bảo hiểm và vòng đệm kim loại hoạt động trong thời gian dài kèm điều kiện khí nóng đã trở thành dị vật, làm kẹt van khởi động khí, khiến cho khí nóng cao áp thoát ra ngoài liên tục trong suốt chuyến bay. Sự cố này đã kích hoạt hệ thống cảnh báo cháy động cơ số 2.
So với 10 tháng đầu năm 2021, số sự cố mức C tăng 25% và số sự cố mức D tăng 151%. Việc sự cố hàng không gia tăng có một phần nguyên nhân từ việc tần suất bay năm 2022 tăng mạnh, không còn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.