Tình đổi chác của người mẫu không chuyên Sài Gòn
Trong số các cô người mẫu tóc mà chúng tôi tiếp xúc phần lớn là học sinh, sinh viên đang theo học ở những ngôi trường danh giá ở Sài Gòn.
Phút trải lòng của các người mẫu về tháng ngày đeo đuổi ước mơ được làm người nổi tiếng mới thấy cái họ muốn đạt thì hư ảo, chỉ thấy họ đã mất nhiều thứ, trong đó có chữ trinh đáng giá ngàn vàng.
Người mẫu là học sinh, sinh viên tại một studio. |
Thu Trang, cô người mẫu từng xuất hiện trên tạp chí thời trang quảng cáo cho một salon tóc khá nổi tiếng nằm trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 mở đầu câu chuyện bằng giọng chua chát: “Muốn đạt được ước mơ của mình phải chấp nhận đổi chác, ở đây hoàn toàn không có sự may mắn. Có khi chấp nhận mất “cái ngàn vàng” nhưng tên tuổi của mình vẫn còn lẹt đẹt, trong khi đó đường học vấn dở dang, cánh cửa tương lai gần như khép chặt”.
Những cuộc đổi chác
Theo dân trong nghề, chưa bao giờ nhu cầu sử dụng người mẫu không chuyên vào mục đích quảng bá tên tuổi cho các loại hình kinh doanh dịch vụ, quảng bá sản phẩm, thương hiệu… ngày càng nhiều như thời gian gần đây, đặc biệt là làm mẫu tóc. Tuy nhiên, những cô người mẫu được trời phú vẻ đẹp tuyệt mỹ, sở hữu 3 vòng chuẩn không cần chỉnh chưa hẳn được các nhà tạo mẫu chú ý. Theo đó, cô nào sẵn sàng vào vai người tình một đêm với nhà nhiếp ảnh, nhà tạo mẫu tóc thì có thể xuất hiện trên trang bìa tạp chí.
Mục đích của việc chụp ảnh các mẫu tóc là để đăng trên một vài tạp chí chuyên về lĩnh vực tóc và thời trang đang ăn khách nhất hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà tạo mẫu tóc muốn đăng thông tin, hình ảnh về các kiểu tóc của mình phải bỏ ra một số tiền khá lớn và tự lo việc thuê người mẫu, chụp ảnh, stylist… Chuẩn bị vào mùa cưới, ngay từ đầu tháng 6, các nhà tạo mẫu lại bắt đầu săn người mẫu tóc cưới, để thay thế những gương mặt nhàm chán của năm cũ. Nắm bắt tâm lý “muốn trở thành người nổi tiếng” của một bộ phận giới trẻ nữ với giấc mơ hão huyền, nhiều người mẫu không chuyên đã trở thành công cụ đổi chác.
Hoàng, tay máy mới vào nghề chuyên chụp ảnh thuê cho một số salon tóc có tiếng ở Sài Gòn cho biết, để có người mẫu, thông qua các mối quan hệ, đăng tuyển trên các diễn đàn, các nhà tạo mẫu tóc chuẩn bị hàng trăm người để tuyển chọn. Tiêu chí chọn người mẫu tóc khá đơn giản: Khuôn mặt ưa nhìn, diễn tự nhiên và đặc biệt là có thể qua đêm khi cần. Hôm tôi đến studio của Hoàng, 5 cô người mẫu là học sinh, sinh viên đang ngồi đợi đến giờ casting.
Nguyễn Thúy Vy, học lớp 10 trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, chẳng chút giấu giếm khi tôi hỏi chuyện: “Em đến đây qua lời giới thiệu của người chị bạn. Em từng ước mơ ảnh của mình xuất hiện trên tạp chí. Em sẽ quyết tâm”. Tôi đặt vấn đề: “Không ít các cô gái trẻ không thực hiện được ước mơ của mình vì những cuộc mua bán, đổi chác, rồi bị trượt dài trên cám dỗ”. Vy nhoẻn miệng cười, ý quở trách nếp nghĩ lạc hậu của tôi: “Cái ngàn vàng” có là gì với thời buổi hiện nay đâu anh”.
Theo Hoàng, người mẫu không chuyên hiện nay không ít, họ chấp nhận không lấy tiền, chỉ cần gương mặt của họ được đăng tải, nhưng thường những cô này chẳng ai ưng. “Dù sao, cái mác sinh viên, học sinh vẫn là số một” - Hoàng khẳng định. Sau hơn 2 giờ casting, hai cô người mẫu tên Tâm Đan và Bảo Hòa được lọt vào mắt của cả ekip, song đến khi diễn thì lại chán làm ekip cụt hứng.
Một lý do khiến các cô diễn không tập trung là cách ăn mặc quá mát mẻ theo yêu cầu của stylist trước hàng chục cặp mắt của đàn ông, thanh niên. Dù mục đích chính là quảng bá kiểu tóc nhưng trong mỗi sêri ảnh, bắt buộc phải có vài tấm lấy toàn thân, ăn mặc mát mẻ để lộ ra những chỗ quyến rũ, gợi cảm nhất.
Theo yêu cầu của stylist, Hòa phải mặc chiếc áo, nói đúng hơn là chiếc khăn mỏng dính tựa vải mùng túm lấy hai đầu quàng qua cổ. Hòa ngượng ngùng bước ra từ sau tấm màn màu hồng, giọng ngượng ngùng: “Em không quen mặc thế này, có thể đổi cái khác được không?”. Hoàng trấn an: “Em đừng ngại, làm công việc này phải như vậy, hơn nữa chỉ chụp lấy kiểu tóc”. Anh chàng stylist õng à õng ẹo đưa tay ra hiệu cho những người không có nhiệm vụ ra ngoài.
Lúc này, Hòa có phần tự tin hơn. Tuy nhiên, chỉ sau vài cái bấm máy, càng lúc Hòa càng đơ như cây cơ. Tay nhiếp ảnh lắc đầu, thở dài bỏ nhỏ vào tai: “Kiểu này tới sáng chưa có một kiểu ưng ý”. Còn anh chàng stylist thì mắt cứ dán vào chiếc đồng hồ, nói mãi một câu nghe phát bực: “Mấy má diễn thế là chết con”.
Sao chưa sáng đã...
“Ngửa cổ ra nữa, tay trái áp vào ngực nâng lên. Đúng rồi, giữ tư thế đó, cười tươi chút nữa”, Hoàng vừa nhắc nhở nhẹ nhàng vừa pha trò làm không khí dễ chịu hơn. Hòa cũng cười tươi khi diễn, cả ekip đều rạng rỡ. Sau nửa giờ bấm máy, Hoàng lệnh phụ máy lấy chiếc thẻ nhớ chép ảnh ra máy tính. Ngồi trước máy, Bảo Hòa tỏ ra thích chí với những kiểu ảnh vừa chụp được.
Sau khi làm xong việc, phụ máy tên Sang mở chiếc máy ảnh bán chuyên nghiệp khoe với tôi: “Thấy được không, “hàng dữ” đó”. Thì ra, lúc người mẫu đang thay đồ phía sau tấm rèm, Sang ngồi ở một góc, vén màn lia ống kính vào những chỗ gợi cảm nhất mà người mẫu không hề hay biết.
Sau hơn 15 phút giải lao, hai người mẫu trở lại chiếc bàn trang điểm để thay đổi kiểu tóc chuẩn bị cho những kiểu ảnh mà theo stylist là vừa lạ vừa đẹp, chưa từng xuất hiện ở bất cứ trang báo, tạp chí nào. Stylist vỗ tay hiệu cho người mẫu tập trung để lát nữa làm theo. Anh ta nằm xuống sàn, tay trái để hờ lên ngực, khi lăn qua lăn lại mắt nhìn thẳng về góc máy, năm ngón tay đặt gần chỗ kín… Anh ta bật dậy nhắc lại lần nữa: “Chú ý là mắt hơi lẳng lơ, người mềm ra, lấy đầu và mông làm điểm tựa hạ bụng xuống, nâng phần ngực lên”.
Đan lè lưỡi, nhún vai khi chuẩn bị diễn. Đan diễn máu hơn đến tay máy cũng say theo, miệng tía lia: “Chuyên nghiệp lắm, giữ nét mặt như thế, xoay người, ngước mặt cao chút nữa”. Chốc chốc, tay máy nhẹ nhàng nhắc nhở người mẫu: “Này, tay mềm mại hơn chút nữa, mắt thể hiện sự thèm thuồng, khao khát”.
Vân Anh - sinh viên ngành du lịch trường ĐH Văn Hiến đến với nghề người mẫu nghiệp dư từ năm 2008. Lúc ấy em còn học lớp 11. Ban đầu mẹ Vân Anh một mực cấm đoán, nhưng một lần mẹ được chứng kiến cảnh con làm người mẫu tóc, chụp hình đàng hoàng ở studio, rồi thấy ảnh của con liên tục xuất hiện trên tạp chí, bà đã thay đổi suy nghĩ.
“Không ít người chê bai những ai làm công việc này khi chỉ nhìn nó ở một khía cạnh khác. Họ xem việc làm mẫu chụp ảnh như thế là xấu, đó cũng là điều đáng buồn. Quan trọng là bản thân người mẫu biết từ chối cái xấu”,Vân Anh nói. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để được như thế, Vân Anh đã chấp nhận mất “đời con gái”.
Hoàng kể: “Em Hoàng Hoa là hoa khôi của một trường THPT ở quận 11, người mẫu tóc từng được các nhà tạo mẫu săn đón với mức thù lao tương đương với người mẫu chuyên nghiệp. Hoa chịu ăn mặc khêu gợi, muốn hở cỡ nào, thậm chí sexy Hoa cũng chiều miễn là ảnh của mình được đăng. Có nhan sắc, năng khiếu diễn, Hoa theo đuổi ước mơ trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Hoa được một đại gia trong giới bất động sản bỏ tiền lăng xê, thậm chí bỏ tiền mua sô diễn để có cơ hội tiến thân. Nhưng cũng chính vì sự kiêu hãnh và giấc mơ “sao” ấy mà Hoa không giữ được mình và phải giã từ với nghề khi không còn chỗ dựa”.
Nhắc đến Hoàng Hoa, dân trong nghề hầu như ai cũng biết. Tay kéo vàng sáng giá nhiều năm liền đảm nhận khâu thời trang tóc trong một chương trình thời trang lớn cho biết: “Ở giai đoạn đỉnh cao, một bộ sưu tập tóc dạ hội, tóc teen do Hoa làm mẫu với tiền thù lao lên đến 30 triệu đồng là chuyện bình thường”. Mấy ai biết, Hoa từ chối không đi du học Mỹ để rồi hiện nay sống bằng nghề massage.
Giấc mơ “sao” lắm mộng, không ít người mẫu nghiệp dư gặp hết tai nạn này đến tai ương khác. Phương Linh, cô gái trẻ vừa lĩnh tháng lương đầu tiên tại một tập đoàn lớn của Đài Loan tại Việt Nam phải muối mặt trước bạn bè, người thân vì những bức ảnh chụp trong những tư thế quằn quại bị tung lên mạng. Chuyện này không phải là hiếm, nhiều tay máy cố tình làm thế để trả thù cá nhân.
Khương, tay máy nhiều năm trong nghề cũng thừa nhận: “Với các em rau mầm, rau sạch, hàng chùa dại gì không xơi. Mình có trong tay bộ ảnh, nếu cần thiết nó sẽ là công cụ để mình kiếm tình một đêm, kiếm tiền rủng rỉnh”. “Bộ không sợ đi tù mọt gông?”, tôi cắc cớ. Khương tự tin, giọng thách thức: “Có con mắm nào dại mà đi thưa kiện? Thưa đi, xấu ai biết liền”.
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Theo Lao Động