Tình cảnh bi đát ở Afghanistan 10 năm sau cuộc chiến
Tuần này đánh dấu 10 năm sự kiện Mỹ và NATO phát động cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ Afghanistan. 10 năm sau cuộc chiến, cuộc sống của người dân đã thay đổi rất nhiều nhưng theo chiều hướng tiêu cực.
>>Đánh bom đẫm máu tại Afghanistan, 11 trẻ em thiệt mạng
>>Đối đầu Mỹ, Pakistan muốn gì ở Afghanistan?
>>Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Afghanistan bị ám sát
Asif Khan ngồi trên tấm chăn màu trắng nhờ nhờ trong một rạp chiếu phim bị bỏ hoang trong nước mắt của tuyệt vọng. Ông không thể nào tìm được việc làm cho cậu con trai cả nếu không có tiền hối lộ, ngay cả khi anh này “biết dùng máy tính”. Ông cũng không thể kiếm đủ tiền mua quần áo, sách vở, bút cặp cho 9 cô con gái nheo nhóc đi học. Đại gia đình đó hiện đang sống lay lắt bên trong rạp chiếu phim bỏ hoang với mái trần trơ lõi thép, co ro trong gió lạnh vì những ô cửa sổ vỡ kính.
Người dân Afghanistan lao đao vì chiến sự. |
Gia cảnh khốn khó lúc này của Asif Khan là điều ông chưa bao giờ ngờ tới khi trở lại quê hương từ Pakistan năm 2001. Chế độ Taliban sụp đổ, gia đình ông quay về với hi vọng một cuộc sống tươi đẹp hơn, no ấm hơn. Thế nhưng giờ đây, ngay cả hi vọng của Asif Khan cũng không còn nữa.
10 năm sau cuộc chiến của Mỹ và NATO ở Afghanistan, một bức tranh ảm đạm bao phủ khắp đất nước đối với người dân, quan chức chính phủ, binh sĩ, tàn quân Taliban cũng như những phần tử khủng bố hiện tại, trái ngược hoàn toàn với đánh giá của các vị tướng Mỹ trên đất Afghanistan.
Cuộc chiến không hoàn toàn tiêu cực. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, nhiều trường học đã được mở khắp đất nước với hơn 6 triệu học sinh được cắp sách tới trường. Dưới chế độ Taliban, trẻ em gái không được phép tới lớp. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh với nhiều tờ báo, tạp chí và 10 kênh truyền hình hoạt động cùng lúc.
Nhưng đối với người dân Afghanistan, đó là một bước tiến nhỏ sau hai bước lùi dài. Afghanistan đã thất bại trong hai nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh và thành lập một chính phủ đoàn kết. Bạo lực gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây với những cuộc tấn công ngày càng trắng trợn và lan rộng. Ngoài ra, tình trạng tham nhũng đã trở thành quốc nạn gây cản trở những nỗ lực xây dựng một chính phủ hoạt động hiệu quả ở Afghanistan.
Rangina Hanidi, con gái tỉnh trưởng tỉnh Kanhahar Haider Hamidi chia sẻ: “Bạn biết đấy, bây giờ chúng tôi không biết tin vào ai và nên sợ hãi điều gì nữa. Chúng tôi sợ tất cả mọi người. Mỗi tuyến phố đều có luật lệ và những kẻ cai trị riêng. Tôi cảm thấy nguy hiểm khi đi ra khỏi nhà. Thành thật mà nói, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình khi ra ngoài đó.”
Chỉ vài tháng sau khi AP đăng tải những lo lắng của cô gái, cha cô đã mãi mãi không trở về vì một kẻ đánh bom liều chết.
Khủng bố chưa phải là tất cả. Người dân Afghanistan còn bị đè nén bởi các quan chức bảo thủ cực đoan, những già làng ở các bộ lạc hoặc thậm chí cả hàng xóm nếu vi phạm những hủ tục của quốc gia này. Ehsanullah Khan phải sống trong sự sợ hãi và dè bỉu của hàng xóm và chính quyền bởi đã cho con gái đi học. Cuối cùng, cả gia đình ông phải bán xới ra đi trước những lời dọa giết liên tục được gửi đến, khiến mọi người sống trong hoang mang sợ hãi.
Binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan. |
Chưa hết, theo số liệu của Liên Hợp Quốc, số các vụ tấn công trong quý đầu năm nay đã tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, năm 2010 là năm đẫm máu nhất của binh sĩ nước ngoài làm nhiệm vụ tại Afghanistan, với hơn 700 người thiệt mạng.
Những tháng gần đây, ngay cả Đại sứ quán Mỹ và trụ sở CIA tại thủ đô Kabul cũng đã trở thành mục tiêu của các vụ đánh bom, cho thấy sự bất ổn ngày một gia tăng nhanh chóng. Những nhân vật cấp cao của chính phủ và cảnh sát Afghanistan thường xuyên trở thành mục tiêu ám sát của các tổ chức cực đoan.
Dù rất cố gắng nhưng những cuộc đàm phán hòa bình luôn đổ bể, ngay cả người đứng đầu Ủy ban đàm phán Hòa bình cũng bị sát hại bởi một kẻ đánh bom liều chết. Vụ việc cho thấy sự thiếu khả quan trong việc giải quyết tình hình ở Afghanistan trên bàn đàm phán.
Chính quyền ngày càng tỏ ra bất lực đối với vấn đề đảm bảo an ninh, trong khi Mỹ sắp sửa rút toàn bộ binh sĩ đồn trú về nước, đẩy Afghanistan vào tình cảnh bị thả nổi trong biển bạo lực. Hơn ai hết, dân thường chính là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ tình trạng trên.
Một thập kỉ sau khi chiến sự nổ ra, cuộc sống của người dân có thêm chút tự do nhưng tính mạng của họ luôn bị đe dọa, cộng với đói nghèo triền miên bởi giao tranh và khủng bố. Chưa lúc nào cuộc sống của người dân Afghanistan lại bi đát như hiện nay, 10 năm sau cuộc chiến của Mỹ và NATO.
Hồng Duy
Theo Bưu điện Việt Nam