Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ mới được công bố cho thấy các thông tin hữu dụng nhất với giới hoạch định chính sách của Washington không đến từ hoạt động gián điệp, mà chủ yếu dựa vào các báo cáo công khai, các kênh thông tin ngoại giao, hay đánh giá của các chuyên gia, gọi chung là tình báo nguồn mở, theo AP.
Sự tụt hậu của tình báo Mỹ
Báo cáo được Ủy ban Tình báo Hạ viện tiến hành dựa vào các tài liệu mật thu thập giai đoạn 2019-2020. Ủy ban kết luận những thông tin dựa trên hoạt động tình báo đặc thù không mang lại nhiều giá trị, hoặc ít có giá trị hơn so với từ các nguồn khác.
Kết luận trên trùng khớp với các cảnh báo của giới quan chức, cựu quan chức tình báo Mỹ đưa ra trước đó, rằng bộ máy gián điệp trị giá 90 tỷ USD của Washington đang ngày càng tụt hậu khi không quan tâm đúng mức tới các nguồn thông tin tình báo nguồn mở, nếu so với các đối thủ như Trung Quốc.
Điều này không phủ nhận tầm quan trọng của hoạt động tình báo truyền thống. Các cơ quan tình báo có khả năng xâm nhập các mạng lưới thông tin liên lạc toàn cầu, cài cắm đầu mối liên lạc. Thành tích đáng chú ý nhất gần đây là việc tình báo Mỹ giúp Washington sớm phát hiện các diễn biến ở biên giới Nga - Ukraine từ cuối năm 2021.
Hoạt động quân sự của Nga ở biên giới Ukraine là thành tích hiếm hoi gần đây của tình báo Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, cộng đồng tình báo Mỹ bị chỉ trích đã thất bại khi không thu thập được các dữ liệu đáng tin cậy trong giai đoạn đầu Covid-19 bùng phát, khiến Washington không kịp triển khai các biện pháp ứng phó cần thiết. Các nỗ lực xác định nguồn gốc dịch bệnh sau đó cũng thất bại, theo Reuters.
Nhiều chuyên gia lo ngại Mỹ không đầu tư đủ nguồn lực để phân tích dữ liệu công khai có sẵn hoặc tận dụng công nghệ tiên tiến có thể mang lại thông tin nội bộ quan trọng.
Ảnh vệ tinh thương mại, mạng xã hội, dữ liệu trực tuyến đã giúp các công ty tư nhân và giới chuyên gia độc lập phơi bày bí mật của nhiều quan chức chính phủ. Các đối thủ của Mỹ, như Trung Quốc, hiện nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ của người Mỹ. Việc Washington cấm TikTok phần nào phản ánh quan ngại này.
"Nguồn mở thực sự là yếu tố quyết định liệu cộng đồng tình báo có khả năng bảo vệ đất nước hay không. Nước Mỹ đang không chuẩn bị phòng thủ trước loại vũ khí mà đối phương đang dự trữ", Kristin Wood, cựu quan chức cấp cao CIA, nói.
Các cơ quan tình báo Mỹ đối mặt nhiều trở ngại khi sử dụng các nguồn thông tin mở, một số thuộc khía cạnh kỹ thuật. Ví dụ, các quan chức làm việc trên mạng máy tính mật thường khó truy cập mạng không mật hoặc nguồn dữ liệu mở. Ngoài ra, có các lo ngại về quyền tự do dân sự, quyền tự do cơ bản.
Nhưng một số chuyên gia hoài nghi các cơ quan tình báo có vẻ mắc kẹt với quan điểm lỗi thời rằng thông tin mật có giá trị hơn thông tin nguồn mở.
Hạ nghị sĩ Jim Himes, thành viên lâu năm của Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng cần có sự thay đổi về văn hóa làm việc trong các cơ quan như CIA, nơi các đặc vụ "đánh cắp bí mật vì thú vui" thay vì phân tích các trang mạng xã hội vốn có thể mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong cuộc kiểm tra do Cơ quan Tình báo Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành, một nhóm đặc vụ tranh tài với một chương trình máy tính nhằm phát hiện các trận địa tên lửa phòng không của Trung Quốc dựa trên ảnh vệ tinh. Hai bên đều phát hiện 90% số trận địa, nhưng chương trình máy tính hoàn thành trong 42 phút, còn nhóm đặc vụ con người cần thời gian gấp 80 lần.
Nỗ lực đổi mới
Hiện nay, giới lập pháp cũng như quan chức tình báo theo dõi rất sát các báo cáo sử dụng ảnh vệ tinh, bài đăng trực tuyến và các nguồn thông tin mở khác.
"Có sẵn rất nhiều nguồn thông tin mở mà cộng đồng tình báo Mỹ có thể sử dụng. Điều cần làm là tìm cách tận dụng hệ sinh thái ấy", Frederick Kagan, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách AEI, nhận định.
Các cơ quan tình báo Mỹ đều có các chương trình thông tin nguồn mở. Tuy nhiên, giới chức tình báo cấp cao thừa nhận các chương trình này không hoạt động thống nhất.
"Chúng ta không quan tâm đủ tới các đơn vị khác, không học những gì các đơn vị tình báo khác học được. Chúng ta cũng không tận dụng chuyên môn và thông tin từ chuyên gia bên ngoài, điều đáng lý có thể mang lại lợi ích", Arvil Haines, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, nói.
Tinh báo Mỹ bị chỉ trích đã thất bại trong giai đoạn đầu Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters. |
Trung tâm Nguồn mở của CIA là đơn vị kế thừa Cơ quan Thông tin Phát thanh Nước ngoài - chuyên môn của đơn vị này là giám sát các chương trình phát thanh và chuyển cho đơn vị phân tích, theo Fortune.
Công việc này đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua. Từ chỗ phải đi quãng đường dài để nhận băng phát sóng tại những nơi xa xôi, hoặc nơi người Mỹ không thể tiếp cận, các đặc vụ giờ có thể làm việc qua các kênh trực tuyến hoặc tự động. Những người nghe băng và phiên âm giờ bị thay thế bằng máy móc.
Giới chức tình báo thừa nhận cần nỗ lực hơn nữa tăng cường tận dụng thông tin nguồn mở cho hoạt động tình báo.
Trung tâm Nguồn mở của CIA từng trải qua 3 năm liên tiếp bị cắt giảm ngân sách, tình hình đã được cải thiện vào năm ngoái. CIA cũng đã bổ nhiệm lãnh đạo mới cho cơ quan này, đồng thời thành lập một trung tâm chuyên về công nghệ từ 2021.
"Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của các nguồn thông tin mở trong bối cảnh dữ liệu sẵn có ngày càng nhiều. CIA đang nỗ lực bắt kịp xu hướng và vượt lên trước các đối thủ", CIA cho biết.
Tuy vậy, cộng đồng tình báo Mỹ chưa thống nhất có cần tạo ra một cơ quan mới chuyên xử lý thông tin nguồn mở hay không.
Những người ủng hộ cho rằng bước đi này là cần thiết, cơ quan mới thành lập sẽ tập trung ứng dụng những công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm hữu dụng để thu thập, phân tích, xử lý thông tin nguồn mở.
Ngược lại, phe phản đối quan ngại việc thành lập một cơ quan mới sẽ làm phình to một cách không cần thiết bộ máy tình báo, hao tổn nguồn lực dành cho các cơ quan hiện nay.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.