Guardian đưa tin cơ quan tình báo MI6 có thể đã sắp xếp cho cuộc đào tẩu của phó đại sứ Triều Tiên tại Anh Thae Yong-ho cùng gia đình trốn tới Hàn Quốc.
Theo tờ báo này, MI6 có thể đã tìm hiểu thông tin tình báo từ ông Thae, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Triều Tiên từng bỏ trốn sang Hàn Quốc, trước khi để ông đi.
Hàn Quốc hôm qua cũng chính thức xác nhận phó đại sứ Triều Tiên ở London Thae Yong Ho sau khi đào tẩu đã tới sống ở Seoul. Vụ việc là cú sốc lớn đối với chính quyền Triều Tiên khi đây là quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Bình Nhưỡng đào tẩu trong gần 2 thập kỷ qua.
Lần cuối một quan chức ngoại giao cao cấp Triều Tiên bỏ trốn là ông Jang Seung Gil, đại sứ tại Ai Cập, đào tẩu sang Mỹ vào năm 1997 cùng với em trai, một nhà ngoại giao Triều Tiên tại Paris.
Cho đến nay, việc ông Thae đào tẩu khi nào và bằng cách gì vẫn chưa được làm rõ. Jeong Joon Hee, người phát ngôn chính phủ Hàn Quốc, thông báo hôm 18/8 rằng ông Thae đã tới Hàn Quốc cùng vợ và gia đình sau khi cảm thấy vỡ mộng với chính quyền ngày càng bị cô lập của Kim Jong Un.
Ông Jeong không nói chi tiết có bao nhiêu thành viên gia đình đi cùng ông Thae hay việc liệu ông còn người thân ở Triều Tiên và đối mặt với nguy cơ bị trả đũa hay không. Cũng không có thông tin giải thích về cách thức ông Thae tới Hàn Quốc từ London như thế nào.
Lung lay niềm tin ở Triều Tiên?
Nhà ngoại giao 55 tuổi cũng được cho là "khao khát sự tự do và dân chủ của Hàn Quốc" và rằng ông "muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn". Hiện Triều Tiên chưa có phản ứng về vụ việc.
Ông Jeong Joon Hee, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/AP. |
"Vụ đào tẩu của ông Thae là dấu hiệu cho thấy một bộ phận giới tinh hoa cốt lõi ở miền Bắc đang mất hy vọng vào sự điều hành của ông Kim Jong Un, cũng như cho thấy sự gắn kết trong nội bộ tầng lớp lãnh đạo Triều Tiên đang ngày càng lỏng lẻo", người phát ngôn Hàn Quốc nói.
Hàn Quốc cũng từng đưa ra quan điểm tương tự vào tháng 4 khi 13 người Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng ở Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) bỏ trốn sang Hàn Quốc. Trong vụ này thì Bình Nhưỡng cáo buộc tình báo Hàn Quốc "bắt cóc" công dân của mình.
Theo BBC, ông Thae dự kiến sẽ phải trở về Triều Tiên trong mùa hè này cùng với vợ và con trai. Theo phóng viên Steve Evans của BBC, thì ông Thae có vẻ rất thích cuộc sống ở London. Ông thích chơi tennis tại một câu lạc bộ địa phương, thích ăn cà-ri ở nhà hàng Ấn Độ gần đó. Năm ngoái ông từng đưa anh trai của Kim Jong Un tới dự một buổi biểu diễn của Eric Clapton.
Xuất thân danh giá
"Ông ta trở nên rất 'Anh' rồi," Steve Evans viết. "Ông thấy thoải mái như quê nhà ở đó. Ông rất giống một người trung lưu, rất bảo thủ, rất sang trọng. Nhưng ông chưa hề lộ bất cứ dấu hiệu không trung thành nào."
Theo truyền thông Hàn Quốc, ông Thae, 55 tuổi, và vợ, bà Oh Hae-son, xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất ở Triều Tiên. Ông Thae là con trai ông Thae Byong-ryol, người đồng chí chiến đấu kháng Nhật của nhà sáng lập Triều Tiên, ông Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong Un. Bà Oh là người thân của một nhà cựu lãnh đạo du kích khác là Oh Baek-ryong.
Người thân của những du kích thời kỳ đầu thường có vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền Triều Tiên. Bản thân ông Thae và con trai đều được học ở nước ngoài. Ông Thae đã ở London 10 năm nay, quãng thời gian dài bất thường cho một nhà ngoại giao Triều Tiên.
Những nhà ngoại giao Triều Tiên thường phải sống trong tình trạng bị giám sát gắt gao. Theo những người từng đào tẩu, họ thường được lệnh phải giám sát lẫn nhau rất chặt chẽ. Chính quyền Triều Tiên cũng thường kiểm soát giữ một số người thân của các gia đình này trong nước như là con tin để hạn chế tình trạng bỏ trốn.
Ở London, ông Thae là một trong sáu cán bộ làm việc. Đây là vị trí quan trọng trong tổng thể chiến lược ngoại giao của Bình Nhưỡng. Công việc của ông vừa là giám sát những người Triều Tiên sống ở London và phản bác các chỉ trích của chính phủ Anh về tình trạng nhân quyền của Triều Tiên.
Làn sóng ngoại giao bỏ trốn
Trước vụ của phó đại sứ Thae Yong Ho, một số trường hợp tương tự đã xảy ra, ngoài vụ của đại sứ tại Ai Cập Jang Seung Gil. Một bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Triều Tiên tại CHDC Congo đã bỏ trốn sang Hàn Quốc vào năm 1991.
Tiếp đó vào năm 1996 là vụ Hyon Song Il, một nhân viên ngoại giao tại Zambia, bỏ sang Hàn Quốc sau khi vợ anh ta đã đến trước đó. Năm 2000, một nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao Triều Tiên tại Bangkok, Thái Lan cũng cùng gia đình tìm đường sang Hàn.
Dù chính phủ Hàn Quốc tuyên bố vụ việc cho thấy làn sóng dân Triều Tiên chán nản với chính quyền, giới quan sát vẫn khá dè dặt với nhận định này.
Cheong Seong Chang, một chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, nhận định rằng những trường hợp bỏ trốn đơn lẻ như phó đại sứ Thae không nên xem là biểu hiện của sự mất ổn định tại Triều Tiên. Nhà nghiên cứu cũng cho rằng, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ của ông Kim Jong Un đang bị thách thức một cách có tổ chức.
Cuộc chiến truyền thông của Hàn Quốc
Trái lại, việc Seoul vội vàng công bố và bình luận về sự đào tẩu của một quan chức cấp cao Triều Tiên, như họ đã từng làm trong vụ bỏ trốn của 13 nhân viên nhà hàng, "lại thể hiện sự bất thường", nhà báo từng đoạt giải Pulitzer Choe Sang Hun viết trên The New York Times.
Theo số liệu thống kê, số lượng người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc giảm từ 2.706 xuống 1.275 người vào năm ngoái khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh thắt chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc, "trạm dừng chân" đầu tiên của hầu hết người bỏ trốn. Tuy nhiên, con số này đã tăng trở lại với 749 người tìm đến Hàn trong vòng 6 tháng đầu năm nay, ông Jeong Joon Hee cho hay. Theo người phát ngôn Hàn Quốc, những người bỏ trốn "đa dạng hơn về thành phần, xuất thân", bao gồm cả giới tinh hoa.
Choe nhận định, dưới thời Tổng thống Park Geun Hee, chính phủ Hàn Quốc đã và đang dành nhiều nỗ lực cho việc thuyết phục các nước khác cắt đứt quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Do đó, những tuyên bố gần đây của Seoul liên quan đến các vụ đào tẩu cho thấy họ đang cố tình "châm ngòi" cho một "cuộc chiến tuyên truyền" nhằm vào đất nước láng giềng. Hàn Quốc muốn gửi đi thông điệp rằng tầng lớp tinh hoa Triều Tiên ở nước ngoài thà "dứt áo ra đi" hơn là "ở lại chịu áp bức" khi lệnh trừng phạt quốc tế khiến việc thực thi nhiệm vụ của họ tại nước sở tại ngày càng trở nên khó khăn hơn.