Theo Guardian, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi đó, ông Hammarskjold cùng 13 người khác thiệt mạng khi chiếc máy bay chở họ gặp nạn gần thành phố Ndola, thuộc về đất nước khi đó được gọi là North Rhodesia và bây giờ là Zambia. Đã có những giả thiết cho rằng chiếc máy bay bị bắn hạ một cách có chủ ý.
Một bộ phim tài liệu ra đời năm nay, có tên Cold Case Hammarskjold, tiếp tục xoáy sâu vào chủ đề này và đã giành giải thưởng tại Liên hoan phim Quốc tế Sundance 2019.
Giờ đây, một báo cáo từ Mohamed Chande Othman, cựu bộ trưởng Tư pháp Tanzania, người được Liên Hợp Quốc chỉ định xem xét mọi thông tin mới liên quan đến vụ tai nạn năm 1961, cho thấy cơ quan tình báo Anh MI6 có liên quan mật thiết đến vụ việc.
MI6 điều hành một mạng lưới tình báo dày đặc trên khắp châu Phi trong thập niên 1960 và đã được yêu cầu chia sẻ bất cứ thông tin nào về vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn chiếc máy bay chở theo ông Dag Hammerskjold. Ảnh: AP. |
"Anh và Mỹ gần như chắc chắn nắm giữ thông tin quan trọng không được tiết lộ", ông Othman tuyên bố, nói thêm rằng Anh phải mất tới 15 tháng để trả lời yêu cầu cung cấp thông tin.
Ông Othman nói thêm: "Mặc dù Vương quốc Anh được xác định là rất có khả năng nắm giữ thông tin liên quan và mặc dù tô đã chỉ ra những khu vực cụ thể nơi có thể tìm thấy thông tin đó, nhưng không có tài liệu mới hoặc thông tin nào khác được nhận và không có phản hồi nào với các truy vấn chi tiết mà tôi nhắc tới".
Năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã yêu cầu 14 quốc gia - trong đó có Anh, Nam Phi, Mỹ và Nga - mỗi nước chỉ định một quan chức độc lập để đánh giá các tài liệu lưu trữ tình báo và an ninh quốc phòng của họ.
Chính phủ Anh hoàn thành yêu cầu này trong vòng 1 tháng và điều đó khiến ông Othman nghi vấn. "Tôi không nghĩ 1 tháng là đủ để đánh giá một cách toàn diện vấn đề này và bao quát tất cả những câu hỏi được yêu cầu".
Báo cáo của ông Othman thúc giục Anh và các nước khác có thông tin cần tham gia nhiều hơn vào cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc.
Trong ngày định mệnh 17/9/1961, Tổng thư ký Hammarskjold đang trên đường bay tới gặp thủ lĩnh tỉnh Katanga Moise Tshombe, cố gắng ngăn tỉnh này không tách khỏi Congo. Congo, nước có trữ lượng uranium lớn nhất thế giới, khi đó đang nhận nhiều sự trợ giúp và hàng hóa từ Liên Xô.
Ông Hammarskjold và các trợ lý nhận ra sẽ không thể có được một thỏa thuận hòa bình do sự xung đột lợi ích của các nước phương Tây và lính đánh thuê ở Katanga đang ngăn cản điều này, ông quyết định đưa binh sĩ Liên Hợp Quốc vào đây trong chiến dịch Morthor.