Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết tính đến 7h ngày 5/11, mưa lũ làm 10 người chết (Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 2 người, Đắk Lắk 1 người, Bình Định 1 người, Phú Yên 3 người). Mưa lũ cũng khiến 5 người mất tích (Quảng Bình 1 người, Phú Yên 3 người, Kon Tum 1 người).
Ngoài ra, mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên làm gần 10.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước. Hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị ngập, hư hỏng. Hơn 31.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều tuyến đê bị hư hỏng, tuyến đường hiện vẫn đang bị ngập, giao thông chia cắt.
Mưa lũ gây ngập sâu, cô lập nhiều khu dân cư ở huyên Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Minh Hoàng. |
Sáng 5/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lũ hạ lưu sông Ba (Phú Yên), sông Dinh (Khánh Hòa), sông Srêpôk (Đắk Lắk) tiếp tục lên. Các sông khác từ Bình Định đến Ninh Thuận tiếp tục xuống.
Tối và đêm 5/11, lũ trên các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có khả năng lên cao. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, Đắk Lắk vẫn tiếp diễn
Cơ quan khí tượng cũng cho hay lúc 10h ngày 5/11, áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (40-50 km/h) giật cấp 7-8.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NHCMF. |
Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km. Đến 16h ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu. Sau đó, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Ảnh hưởng của áp thấp, Nam Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến khoảng 50-100 mm, có nơi trên 150 mm) và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Chiều 4/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Bình Định đến Kiên Giang, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ.
Trao đổi với Zing.vn trưa 5/11, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết, mưa lũ lớn gây thiệt hại nặng ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa và TP Tuy Hòa.
" Thống kê đến trưa nay, mưa lũ lớn khiến 7 người chết và 1 người mất tích. Cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu, cống bị lũ gây thiệt hại nặng. Ngoài ra, người dân nuôi tôm hùm, ốc hương ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An bị mưa lũ gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng", ông Thế nói.
Trong khi đó UBND huyện Phú Quý (Bình Thuận) cho biết thực hiện công điện khẩn của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển bắt đầu từ 22h ngày 4/11.