Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa hoàn thành chuyến công tác tới Hong Kong và Tân Cương. Hai chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Đại hội XX đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị diễn ra.
Các chuyên gia nhận định chuyến công tác tại Hong Kong và Tân Cương là cơ hội để nhà lãnh đạo thúc đẩy những thành tựu đạt được trong quản trị hai khu vực tiềm ẩn nhiều sóng gió thời gian qua, đồng thời phần nào hé lộ dàn lãnh đạo nhiệm kỳ tới của Trung Quốc, theo Nikkei Asia.
Chuyến đi đáng chú ý
Hong Kong từng là tâm điểm phong trào biểu tình nổ ra trong năm 2019-2020, dẫn đến sự ra đời của luật an ninh quốc gia nổi tiếng. Với Tân Cương, vấn đề là quan hệ giữa Bắc Kinh và cộng đồng thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Các diễn biến ở Hong Kong và Tân Cương đã dẫn đến tranh cãi với phương Tây, nhưng dư luận quốc tế lúc này không phải mối quan tâm của Bắc Kinh. Mục tiêu mà Bắc Kinh hướng đến trong chuyến thăm vừa qua là hội nghị sắp diễn ra tại Bắc Đới Hà.
Bắc Đới Hà là cuộc họp kín tổ chức thường niên tại khu nghỉ dưỡng cùng tên tại tỉnh Hà Bắc. Đây là sự kiện quy tụ các lãnh đạo cấp cao đương nhiệm cũng như về hưu của đảng Cộng sản Trung Quốc để thảo luận những vấn đề quan trọng, ví dụ cơ cấu đội ngũ lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Tân Cương hôm 13/7. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay đặc biệt nhạy cảm bởi nó diễn ra ngay trước Đại hội XX của đảng Cộng sản Trung Quốc. Có những nhận định cho rằng tại Đại hội lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được lựa chọn tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ.
Và việc lấy Hong Kong và Tân Cương để minh họa cho thành tựu trong quản trị đất nước đã nói lên nhiều điều.
Để chuẩn bị cho Đại hội XX, kế hoạch ban đầu của Bắc Kinh là nêu đậm thành công trong kiềm chế đại dịch Covid-19.
Thực tế, dù Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã có thời gian dài kiềm chế dịch bệnh thành công nếu so với các nước phương Tây đối thủ. Thành công ban đầu này đến từ chính sách Zero Covid-19 mạnh tay của Chủ tịch Tập Cận Bình, trọng tâm chính sách là xét nghiệm diện rộng và phong tỏa quyết liệt.
Nhưng tình thế đảo chiều khi siêu đô thị Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, bị phong tỏa suốt nhiều tuần do Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tới người dân và giới doanh nghiệp.
Trong mắt nhiều người, cuộc chiến chống Covid-19 đã không còn là thành tựu đáng nói đến.
Kinh tế Trung Quốc dù vẫn tăng trưởng nhưng đã giảm tốc đáng kể, nguyên nhân từ chính sách Zero Covid-19. Nhưng ngay cả trước khi Thượng Hải bị phong tỏa, nền kinh tế đất nước tỷ dân đã mất đi động lực tăng trưởng sau khi chính phủ Trung Quốc mạnh tay trấn áp các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản, giáo dục.
Thời gian gần đây, giới chức Trung Quốc đã không còn nói nhiều về khẩu hiệu "toàn diện khá giả" nữa. Đây là lý do Hong Kong và Tân Cương được sử dụng như một thành tựu trong giữ ổn định xã hội.
Các ứng viên tiềm năng vào Bộ Chính trị
Trong chuyến đi tới Hong Kong và Tân Cương của ông Tập, các nhà quan sát chú ý tới đội ngũ quan chức tháp tùng.
"Nói ngắn gọn, những người được lựa chọn đi cùng ông Tập tới Hong Kong và Tân Cương nhiều khả năng sẽ nằm trong đội ngũ lãnh đạo mới", Nikkei Asia bình luận.
Một trong những gương mặt đáng chú ý là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm Hong Kong năm 2017, ông được tháp tùng bởi Dương Khiết Trì, quan chức đứng đầu bộ máy ngoại giao đất nước. Vài tháng sau, ông Dương Khiết Trì được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất của Trung Quốc.
Một số chuyên gia dự đoán ông Vương sẽ bước theo con đường của ông Dương. Trở ngại lớn nhất của Ngoại trưởng Vương Nghị là tuổi tác. Theo điều lệ đảng, quan chức từ 68 tuổi trở lên sẽ phải về hưu. Nếu quy định này được áp dụng chặt, rất khó để ông Vương vào Bộ Chính trị.
Trong chuyến đi năm 2017, một số quan chức khác tháp tùng ông Tập cũng được thăng chức. Lật Chiến Thư - khi đó là chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng và Vương Hỗ Ninh - khi đó là chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương đảng được bầu vào Ban thường vụ Bộ chính trị.
Nếu công thức này lặp lại, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng Đinh Tiết Tường, năm nay 59 tuổi, được dự đoán sẽ được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Một quan chức đáng chú ý khác là Vương Tiểu Hồng, năm nay 65 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an hôm 24/6. Ông Vương từng làm việc dưới ông Tập tại Phúc Kiến, được cho là một trong những quan chức thân cận nhất với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Hai quan chức khác được coi là ứng viên cho các vị trí trong Bộ Chính trị gồm Pan Yue, 62 tuổi, Chủ nhiệm Ủy ban Sự vụ Dân tộc Quốc gia, và Hà Lập Phong, 67 tuổi, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Tại Tân Cương, một gương mặt luôn theo sát ông Tập là Mã Hưng Thụy, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương. Năm nay 62 tuổi, ông Mã là một trong các gương mặt được nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng.
Trước khi về Tân Cương, ông Mã từng là Bí thư Thành ủy Thâm Quyến và Chủ tịch tỉnh Quảng Đông. Nhờ kinh nghiệm tại Thâm Quyến, ông Mã được đánh giá cao trong chính sách liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bắc Kinh bổ nhiệm ông Mã làm lãnh đạo Tân Cương với hy vọng quan chức này có thể thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế khu tự trị cực tây. Nhiều khả năng ông Mã cũng sẽ có một ghế trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới.