Giáo sư Monica Gandhi, nhà miễn dịch học tại Đại học California, San Francisco (UCSF), cho biết: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn hoàn toàn khác. Virus sẽ luôn tồn tại cùng chúng ta, nhưng tôi hy vọng biến chủng này sẽ tạo ra được khả năng miễn dịch đủ lớn để dập tắt đại dịch”.
Biến chủng Omicron được phát hiện ở Nam Phi chỉ hơn một tháng trước và các chuyên gia trong thời gian qua liên tục cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về tác động của nó.
Tuy nhiên, những dữ liệu mới từ tuần trước đã cho thấy chủng virus này dường như thật sự gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, nhờ đột biến trong bản thân virus, và nhờ khả năng miễn dịch của cộng đồng đối với SARS-CoV-2 ngày càng rộng rãi, theo Bloomberg.
Omicron ít gây tổn thương phổi hơn
Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy bệnh nhân nhập viện trong làn sóng dịch mới nhất do Omicron gây ra có nguy cơ mắc bệnh nặng ít hơn 73% so với bệnh nhân của chủng Delta.
Phân tích mẫu máu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Durban, Nam Phi, để tìm hiểu về Omcrion. Ảnh: New York Times. |
Phó giáo sư Wendy Burgers, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Cape Town, cho biết: “Dữ liệu hiện tại khá chắc chắn về việc số ca mắc mới không kéo theo số ca nhập viện tăng cao”.
Ngay từ khi Omicron bắt đầu lây lan, phần lớn báo động về biến chủng này xoay quanh số lượng lớn đột biến của nó. Nhiều đột biến trong số đó nằm trên các protein gai - chịu trách nhiệm giúp virus xâm nhập tế bào vật chủ.
Dữ liệu ban đầu cho thấy các đột biến này giúp virus không chỉ dễ dàng lây nhiễm cho người chưa tiêm chủng, mà còn có thể tránh được kháng thể được tạo ra từ vaccine hoặc từ việc đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên, cách thức mà virus hoạt động sau khi vượt qua được hàng phòng thủ đầu tiên đó vẫn chưa thực sự sáng tỏ.
Một số trong số các yếu tố dường như đã làm độc lực của Omicron yếu hơn so với các chủng trước đó là khả năng gây tổn thương phổi của virus. SARS-CoV-2 khi lây nhiễm thường bắt đầu bám ở mũi và dần lan xuống cổ họng, gây ra các triệu chứng nhẹ. Khi virus lan xuống phổi cũng là lúc các triệu chứng nặng xảy ra.
Tuy nhiên, 5 nghiên cứu riêng biệt được công bố trong tuần qua cho thấy biến chủng Omicron không lây nhiễm sang phổi dễ dàng như các chủng trước đó.
Trong nghiên cứu của một nhóm lớn gồm các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ, kết quả thí nghiệm trên chuột và hamster cho thấy các con vật nhiễm Omicron ít bị tổn thương phổi hơn so với cá thể nhiễm các chủng trước.
Một nghiên cứu ở Bỉ cho kết quả tương tự ở chuột đồng Syria - vốn được biết đến là loài là bị bệnh đặc biệt nghiêm trọng khi nhiễm các biến chủng trước.
Tại Hong Kong, các nhà khoa học đã nghiên cứu mẫu mô phổi từ bệnh nhân, được thu thập trong quá trình phẫu thuật. Họ phát hiện ra rằng Omicron phát triển chậm hơn trong các mẫu đó so với biến chủng khác.
Giáo sư Burgers cho biết sự thay đổi về độc lực này có thể liên quan đến sự thay đổi giải phẫu của virus.
Nhân viên y tế đóng gói mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Cape Town, Nam Phi, vào ngày 2/12/2021. Ảnh: Bloomberg. |
Bà nói: “Virus từng sử dụng hai con đường khác nhau để đi vào tế bào, và bây giờ do những thay đổi đối với protein gai, virus chỉ ưu tiên một trong hai con đường đó. Nó dường như thích hoạt động ở các cơ quan hô hấp phía trên (mũi và họng) hơn”.
Giáo sư Burgers cho biết điều này có thể có nghĩa là Omicron ít nguy hiểm hơn, nhưng cũng có khả năng lây truyền cao do virus nhân lên thường xuyên hơn ở hệ hô hấp trên, từ đó nó có thể dễ dàng lây lan.
Dù Omicron có thể né tránh sự tấn công của kháng thể (có được nhờ tiêm phòng hoặc sau khi khỏi bệnh), các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng nó ít thành công hơn khi gặp tuyến phòng thủ thứ 2 là tế bào T và tế bào B.
Trong một nghiên cứu gần đây, giáo sư Burgers và các đồng nghiệp đã thí nghiệm trên tế bào bạch cầu của bệnh nhân Covid-19. Kết quả cho thấy tế bào T vẫn bảo vệ tốt trước biến chủng Omicron, ở mức 70% đến 80% so với các biến chủng khác.
Điều này có nghĩa là đối với những người đã tiêm phòng hoặc bị nhiễm Covid-19 trong 6 tháng qua, tế bào T của họ có thể nhận ra Omicron và chống lại nó tương đối nhanh chóng.
Dấu hiệu đại dịch sắp kết thúc
Phó giáo sư Jessica Justman, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, cho biết: “Khi các loại dữ liệu khác nhau chỉ về cùng một kết quả, kết quả này rất có thể sẽ ổn định”.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng độc lực của Omicron giảm không đồng nghĩa với việc số ca nhập viện và tử vong sẽ không biến động.
Các nghiên cứu mới trên động vật cho thấy Omicron có thể ít gây hại cho phổi hơn so với các biến chủng trước đó. Ảnh: RTE. |
Khi số ca bệnh tăng vọt, lượng người nhập viện và không qua khỏi vẫn sẽ tăng, nhưng tốc độ và mức độ tăng sẽ thấp hơn rất nhiều so với trước đây, giáo sư Justman nói.
Giáo sư Gandhi của UCSF đồng quan điểm và nói rằng dù số ca bệnh có thể đạt kỷ lục, bà hy vọng tính chất dễ lây truyền và gây bệnh ít nghiêm trọng của Omicron có thể đặt dấu chấm hết cho đại dịch.
Bà chỉ ra một nghiên cứu khác - được thực hiện vào tuần trước từ Hong Kong - cho thấy những người đã tiêm chủng nhưng vẫn nhiễm Omicron cũng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại các chủng khác của virus.
"Tôi hy vọng biến chủng này tạo ra khả năng miễn dịch mạnh mẽ trong cộng đồng. Đây là hy vọng cho kết thúc của đại dịch”, bà nói.