Ngày 5/10, một video tin tức lọt top 12 thịnh hành của YouTube Việt Nam với 1,4 triệu lượt xem. Video có tiêu đề "Nóng: Công an đã bắt được cô dâu bùng 150 mâm cỗ ở Điện Biên", thời lượng 8,5 phút. Nội dung của video đọc lại 3 bài báo của 2 trang tin điện tử.
Bên cạnh đó, hình ảnh trong video cũng copy từ một số bài báo, sử dụng hiệu ứng chuyển cảnh để lặp đi lặp lại. Tuy vậy, yếu tố để video trên được xem là tin giả nằm ở ảnh bìa và tiêu đề.
Video sử dụng tiêu đề và ảnh sai thông tin nhằm thu hút lượt xem. |
Theo đó, bức ảnh một người phụ nữ đang ngồi tại cơ quan điều tra cùng hai chiến sĩ công an thực chất là của một vụ án khác. Người phụ nữ mặc áo nâu trong ảnh bìa là bị can Nguyễn Thị Thu trong vụ bắt cóc bé trai 2 tuổi tại Bắc Ninh hồi tháng 8.
Đồng thời, kênh YouTube này còn sử dụng tiêu đề sai sự thật nhằm thu hút lược xem. Cụ thể, video trên dùng từ "Công an đã bắt được cô dâu" cho tiêu đề thay vì "đã tìm ra cô dâu" như trong bài báo gốc.
Ngoài video trên, kênh YouTube này còn đăng tải hàng loạt tin tức với tiêu đề và ảnh bìa sai sự thật. Trong đó, video NSUT Tuấn Phương nguy kịch được đặt lại tiêu đề gây sốc cùng ảnh bìa là cảnh viếng lễ tang của một nghệ sĩ khác.
Theo Social Blade, bằng cách đọc lại nội dung báo chí cộng với thay đổi ảnh bìa, tiêu đề, kênh YouTube Tin****** đã đạt được hơn 700.000 lượt đăng ký. Hiện kênh này đã có hơn 2.000 video với 200 triệu lượt xem. Ước tính, mỗi tháng kênh này kiếm được từ 2.000-32.000 USD từ việc hiển thị quảng cáo cho YouTube.
Bên cạnh việc cố ý trình bày tin tức sai sự thật nhằm thu hút lượt xem, video trên còn vi phạm nghiêm trọng tác quyền báo chí. Đây được xem là vấn đề nóng trong thời gian qua khi Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu đã thông qua luật bản quyền mới dành cho các thông tin từ báo chí.
Hàng loạt video tin tức được tạo ra từ công thức: đọc lại thông tin, thay đổi tiêu đề và ảnh bìa. |
Đây được xem là động thái mạnh tay của châu Âu nhằm đảm bảo các nền tảng mạng xã hội chịu trách nhiệm về những nội dung mà người dùng chia sẻ, đồng thời cố gắng trả lại hàng tỷ USD doanh thu mà Facebook và YouTube kiếm được mỗi năm cho những người thực sự tạo ra nội dung đó.
Trong phần chính sách của mình, YouTube liệt kê những thứ được cho là bản quyền. Trong đó "tác phẩm viết, chẳng hạn như các bài giảng, bài báo, sách và bản soạn nhạc đều được YouTube bảo vệ".
Tuy nhiên, ở một mục khác YouTube lại cho rằng "báo cáo tin tức được coi là một kiểu sử dụng hợp lý". Điều này có nghĩa ở loại hình điểm báo, việc sử dụng nguồn của báo khác là được phép. Thêm nữa YouTube thường chỉ phát hiện vi phạm khi nhận được báo cáo về bản quyền. Việc kiểm soát vi phạm này chỉ được giải quyết khi nạn nhân bấm nút báo cáo video.