Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tín dụng vẫn tăng thấp

Tính đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế với đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4 năm nay mới tương đương 1/3 so với năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà.

Chiều 25/4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay.

Tại hội nghị, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế trong nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài.

Trong đó, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao, một số ngân hàng tại Mỹ phá sản và sự kiện khách hàng rút tiền ồ ạt tại SCB đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, từ đó ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán chưa phát huy hiệu quả vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, dẫn tới áp lực cung ứng vốn vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, đặc biệt là việc cung ứng vốn cho các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng…

Trong bối cảnh này, Phó thống đốc cho biết tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%).

Theo lãnh đạo NHNN, ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp thì còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.

TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 4 THÁNG ĐẦU HÀNG NĂM CỦA CÁC TCTD
Nguồn: NHNN; Tổng hợp.
Nhãn20162017201820192020202120222023 (đến 20/4)
Tăng trưởng so với cuối năm trước % 4.065.665.094.461.414.177.242.57

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, Phó thống đốc Tú cũng cho biết sau vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại SCB, các ngân hàng thương mại khác cũng “giật mình” và phải điều chỉnh lại quản lý dòng tiền, đảm bảo thanh khoản tốt hơn, đồng thời xem xét lại hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và hệ thống. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng.

Phó thống đốc cho biết trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, toàn nền kinh tế, từ đầu năm, NHNN đã sử dụng hầu hết công cụ, dư địa có thể để can thiệp nhằm ổn định thị trường.

Tuy nhiên đến nay, với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp.

Với riêng lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo NHNN cho biết thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị trực thuộc triển khai.

Ngày 24/4, NHNN đã có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phải kiểm soát soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường.

NHNN yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông, cho vay chéo... và cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.

Khách vay ngân hàng gặp khó khăn được giãn nợ một năm

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm