Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tín dụng nông thôn: Vẫn xa nông dân

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định mở van tín dụng đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó đặc biệt khuyến khích tín dụng cho nông nghiệp.

Tín dụng nông thôn: Vẫn xa nông dân

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định mở van tín dụng đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó đặc biệt khuyến khích tín dụng cho nông nghiệp.

>> Ngân hàng làm cao với khách vay tiêu dùng
>> Tín dụng tăng trưởng âm chưa đáng lo

Chính sách đã mở, tuy nhiên, thực hiện các khoản vay này không phải là điều dễ dàng khi khách hàng là các hộ nông dân hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn.

Vẫn cần các giải pháp tháo gỡ tín dụng khu vực nông thôn

Thực tế sau 3 năm triển khai Nghị định 41 về các chính sách ưu đãi tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo đánh giá của nhiều địa phương, những khoản vay nhỏ theo hình thức tín chấp của Nghị định 41 thường chỉ đủ để người nông dân đắp đổi qua ngày chứ không đủ để họ tiến lên mở rộng sản xuất. Còn đối với các khoản vay lớn thì năng lực của nông dân lại chưa đủ để thuyết phục được ngân hàng.

Tại huyện Hải Hậu, Nam Định, cả chục năm nay kỹ thuật và công nghệ làm muối của diêm dân vẫn không có gì thay đổi. Với doanh nghiệp Vạn Ninh của ông Nguyễn Văn Ninh, tài sản công ty chỉ có một vài cỗ máy cũ kỹ được đầu tư từ hơn 10 năm trước. Ông Ninh cho biết không phải là ông không muốn nâng cấp dây chuyền sản xuất nhưng muốn đầu tư thì phải đi vay ngân hàng.

Thực tế, nếu đem toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đi thế chấp thì cũng chỉ được ngân hàng cho vay với hạn mức 1,3 tỷ đồng, không đủ để thu mua muối của diêm dân chứ chưa nói đến việc đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất: "Dù đắt dù rẻ, nông dân ở đây đã sản xuất ra bao nhiêu là chúng tôi phải thu mua hết. Ví dụ một ngày họ sản xuất khoảng 70 tấn muối, tương đương 60 triệu đồng, một tháng là khoảng gần 2 tỷ. Thế nhưng hạn mức tín dụng như năm ngoái của chúng tôi chỉ được 1,3 tỷ" - ông Ninh, Giám đốc công ty TNHH Vạn Ninh cho biết.

Thiếu vốn là điệp khúc nghe được ở khắp các vùng nông thôn, kể cả đối với những mô hình trang trại quy mô lớn và đang có những hướng kinh doanh sáng sủa. Ví dụ như mô hình chăn nuôi của anh Vũ Trọng Nghĩa tại xã Hải Đông, huyện Hải Hậu. Từ nhiều năm nay đây được đánh giá là một trong những mô hình chăn nuôi công nghệ cao và có quy mô lớn nhất ở Nam Định. Nhưng dù trang trại đang có thu nhập mỗi năm nhiều tỷ đồng và chưa bao giờ chậm trả lãi ngân hàng, anh Nghĩa vẫn không thể tiếp cận với những khoản vay có hạn mức lớn hơn 1 tỷ để có thể tiếp tục mở rộng sản xuất.

Theo anh Nghĩa, sở dĩ có hiện tượng này là do "tài sản đảm bảo để các tổ chức tín dụng cho vay vốn thường là thiếu. Thứ hai là khi nhà nước giao đất thường chỉ giao với thời hạn quá ngắn, ngân hàng cũng không thể yên tâm để đầu tư. Thứ 3 là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thường không cao. Nếu sản xuất không theo quy trình khoa học thì rủi ro lại lớn nên ngân hàng càng không dám mạo hiểm".

Nông dân khát vốn nhưng lãnh đạo của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu thì cho rằng ngân hàng cho vay phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn. Điều dễ hiểu là trong bối cảnh hàng loạt các doanh nghiệp đình đốn và phá sản như hiện nay thì niềm tin của ngân hàng vào doanh nghiệp cũng đã không còn như trước.

Bản thân ông Nguyễn Văn Úy, Phó Giám đốc chi nhánh Hải Hậu, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định "Người dân kêu ngân hàng, nhưng chúng tôi chỉ dám đầu tư cho những đơn vị có năng lực sản xuất. Ngân hàng cho vay đồng vốn phải có hiệu quả".

Từ góc nhìn vĩ mô tiến sỹ Trần Đình Thiên đề xuất: nhà nước nên đứng ra để thẩm định và bảo lãnh những mô hình kinh doanh có tiềm năng phát triển. Nhưng ông Thiên cũng lưu ý rằng đây là một công việc không đơn giản và dễ nảy sinh tiêu cực. "Nhà nước không có quá nhiều tiềm lực nên phải xem xét không thể biến thành cơ chế xin cho. Để công minh thì đòi hỏi cả thời gian, trách nhiệm... Do vậy, giải pháp mang lại lợi ích thật, nhưng thực hiện đến đâu lại tùy thuộc vào năng lực của người thực hiện.

Những khoản vay nhỏ có thể giúp được người nông dân vượt qua những khó khăn trước mắt nhưng lại không thể tạo ra sức bật để giúp họ có thể thực sự vươn lên làm giàu. Những khoản vay lớn để thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hiện đại thì không phải người nông dân nào cũng tiếp cận được. Nghị định 41 về ưu đãi tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn đã đem lại những chuyển biến bước đầu, tuy nhiên để bộ mặt nông thôn thực sự thay đổi thì sẽ cần đến một chính sách tín dụng ưu đãi hơn nữa từ phía nhà nước.

Theo VTV

 

Theo VTV

Bạn có thể quan tâm