Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TIME chọn ‘chiến binh’ chống dịch Ebola là nhân vật của năm

Tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ vừa bình chọn những người trực tiếp chiến đấu với dịch sốt xuất huyết Ebola là Nhân vật của năm 2014.

Những chiến binh chống sốt xuất huyết Ebola trở thành nhân vật của năm 2014. Ảnh: TIME

"Nhân vật của năm 2014" là những người đang đánh cược mạng sống để ngăn chặn sự hoành hành của dịch sốt xuất huyết Ebola ở châu Phi. Tuy cuộc chiến không có tiếng súng, nhưng nó vẫn cần lòng dũng cảm và trí tuệ của những người sẵn sàng hy sinh để cứu mạng những người khác.

Họ lao vào cuộc chiến với quần áo bảo hộ và thuốc sát trùng cùng những lời cầu nguyện. Trong nhiều thập kỷ qua, virus Ebola ám ảnh những ngôi làng nông thôn châu Phi. Nó giống như một con quái vật từ các câu chuyện thần thoại. Cứ vài năm, nó lại trỗi dậy và cướp mạng sống của con người rồi biến mất.

Tuy nhiên, đại dịch Ebola trong năm 2014 vượt xa khả năng tưởng tượng của những người dân nghèo châu Phi. Sự tái xuất của nó khiến cả thế giới bàng hoàng. Cảnh tượng nó tạo ra giống một bộ phim thảm họa của Hollywood, nơi người ta tuyệt vọng chờ cái chết trong sự ghẻ lạnh của những người xung quanh.

Vượt ra ngoài những làng mạc, Ebola trở thành đại dịch toàn cầu. Khả năng di chuyển dễ dàng của con người khiến mầm bệnh lây lan nhanh chóng giữa các quốc gia hay thậm chí giữa các châu lục. Từ những khu ổ chuột đông đúc ở Liberia, Guinea và Sierra Leone Ebola, nó lan tới Nigeria và Mali, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ bất chấp các nỗ lực kiểm soát dịch.

Sơ dĩ thế giới chưa phải đối mặt với đại dịch Ebola tồi tệ nhất lịch sử bởi sự quả cảm của những con người đang xả thân để chống đại dịch. Những dụng cụ thô sơ cùng trái tim của những người quả cảm đã góp công lớn trong nỗ lực ngăn dịch bệnh lây lan. Khi chính phủ các nước sở tại bất lực, những bác sĩ tình nguyện từ các tổ chức quốc tế đã vào vùng dịch, sát cánh cùng đội ngũ nhân viên y tế địa phương.

Người ta đưa ra nhiều câu trả lời để giải thích nguyên nhân khiến họ quên mạng sống của bản thân để vào vùng nguy hiểm. Một số người cho rằng động lực của họ là Chúa, song nhiều người khác cho rằng đó là tình cảm với quê hương đất nước. Nhiều người nữa cho rằng họ là những người thích lao vào những nơi nguy hiểm nhất. Iris Martor, một y tá người Liberia bình luận: “Nếu một ai đó từ Mỹ hay từ Uganda tới đây để giúp chúng tôi, tại sao tôi lại không thực hiện hành động tương tự?”. 

Foday Gallah, một tài xế lái xe cứu thương từng nhiễm Ebola nhưng khỏi bệnh cho biết khả năng miễn dịch trong máu anh là món quà thiêng liêng. 

“Tôi muốn hiến máu để nhiều người có cơ hội sống. Tôi sẽ chiến đấu với Ebola bằng tất cả sức lực”, Gallah khẳng định.

Salome Karwah, nữ y tá của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), là người duy nhất trong gia đình sống sót sau khi nhiễm Ebola. Nói về những người nhiễm bệnh, Karwah cho biết họ phải chịu nỗi đau mà chưa ai từng trải qua trong đời.

“Người bệnh sẽ nghe những điều đau đớn như rìu bổ vào đầu khi người ta nói về tình trạng sức khỏe và tương lai của họ”, Karwah giải thích.

Với những đứa trẻ mất cả gia đình, chẳng ai dám ôm ấp, an ủi chúng, bởi hành động ấy có thể khiến họ nhiễm virus. “Bạn phải đối mặt với cái chết trong khi người thân không hiện diện xung quanh bạn. Những người xung quanh bạn mặc bộ quần áo giống trang phục bảo hộ của phi hành gia”, bác sĩ Joanne Liu, chủ tịch MSF, phát biểu.

Virus Ebola được coi là phép thử liều cao đối với khả năng chống lại đại dịch của nhân loại. Tuy nhiên, những hành động mà chúng ta thực hiện vẫn chưa đủ mạnh. Nạn tham nhũng ở châu Phi hay sự tự mãn ở phương Tây và cả sự ganh tị giữa các quốc gia khiến Ebola có cơ hội đe dọa toàn nhân loại. Người dân từ Monrovia tới Manhattan đều mất lòng tin sâu sắc. Mỗi tuần, người ta lại đối mặt với những thử thách mới.

Cái chết của Thomas Eric Duncan, bệnh nhân Ebola đầu tiên mà nhà chức trách phát hiện trên đất Mỹ, là đòn đánh mạnh vào niềm tin của nhân loại về khả năng cô lập Ebola. Ngay tại Mỹ, hai y tá tiếp xúc với Duncan đã nhiễm bệnh, thổi bùng sự sợ hãi trên khắp thế giới. Người Mỹ thực hiện hàng loạt động thái cứng rắn nhằm cô lập những người có khả năng phơi nhiễm.

Tại Tây Ban Nha, người ta giết con chó của một cha xứ chết vì Ebola khi truyền đạo ở châu Phi nhằm ngăn khả năng lây bệnh. Cộng hòa Macedonia đã cô lập cả một khách sạn khi phát hiện một du khách người Anh ốm và tử vong. Tuy nhiên, người này âm tính với Ebola.

Ebola là một cuộc chiến và cũng là hồi chuông cảnh báo. Nó cho thấy hệ thống y tế toàn cầu không đủ mạnh để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới có thể an giấc mỗi đêm khi một nhóm người sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ để chống Ebola. Với những hành động quả cảm, sự hy sinh và cống hiến không mệt mỏi, những chiến binh chống đại dịch Ebola xứng đáng là Nhân vật của năm 2014.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm