Không phải nơi chôn cất pharaoh
Các kim tự tháp “tỉnh lẻ” kiểu này nằm rải rác khắp miền Trung và Nam Ai Cập, tọa lạc gần những khu định cư lớn. Bên trong chúng không có các gian phòng và không phải là nơi an táng như các kim tự tháp khác. 6 trong 7 kim tự tháp này có kích cỡ tương tự nhau, khoảng 18,8 m x 18,6 m, gồm cả kim tự tháp mới được phát hiện tại Edfu.
Mục đích xây dựng 7 kim tự tháp này hiện vẫn là một bí ẩn. Các nhà khoa học cho rằng có thể chúng là những công trình mang tính biểu tượng nhằm khẳng định quyền lực của hoàng gia ở các tỉnh miền Nam Ai Cập.
Kim tự tháp bậc thang 4.600 năm tuổi mới được phát lộ ở Edfu, miền Nam Ai Cập. |
“Sự giống nhau của các kim tự tháp thực sự là điều gây kinh ngạc và chắc chắn chúng được xây theo một kế hoạch chung” - ông Gregory Marouard, nhà nghiên cứu thuộc Viện phương Đông, Trường Đại học Chicago, người đang phụ trách nhóm khai quật tại kim tự tháp Edfu, nhận định.
Ở mặt phía Đông của kim tự tháp, nhóm nghiên cứu tìm thấy dấu tích của một buổi lễ với nhiều đồ ăn được cung tiến. Phát hiện này rất quan trọng bởi nó sẽ giúp các nhà nghiên cứu biết được kim tự tháp được xây với mục đích gì.
Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy nhiều hình khắc tượng hình trên các mặt ngoài của kim tự tháp. Một số bản khắc tượng hình khác cũng được đặt cạnh vài bộ hài cốt trẻ em, nằm dưới chân kim tự tháp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những bản khắc và di cốt đã được mai táng rất lâu sau khi kim tự tháp xây dựng xong và chắc chắn các công trình này không được xây dựng để làm nơi chôn cất. Các kết quả ban đầu của cuộc khai quật đã được trình bày tại hội nghị do Hiệp hội Nghiên cứu Cổ vật Ai Cập vừa tổ chức ở Toronto (Canada).
Di sản giá trị bị "ngược đãi"
Mặc dù nhiều học giả đã biết đến sự tồn tại của kim tự tháp bậc thang cổ mới được phát lộ ở Edfu, công trình này lại chưa hề được khai quật cho tới khi nhóm của ông Marouard tới đây vào năm 2010. Khi tới đây, nhóm thấy kim tự tháp bị phủ trong lớp cát và rác dày, với nhiều khối đá của nó bị cướp phá.
“Trông công trình không giống kim tự tháp, thậm chí người dân ở ngôi làng gần đó cũng nghĩ rằng đây chỉ là mộ của một lãnh tụ Hồi giáo” - ông Marouard nói và cho biết khi nhóm của ông dọn sạch công trình này, nó hiện rõ hình ảnh của một kim tự tháp cổ đại.
Được xây dựng bằng những khối đá sa thạch và vữa làm từ đất sét, công trình là một kim tự tháp 3 bậc thang, giống với kim tự tháp bậc thang do Pharaoh Djoser (2670 - 2640 trước Công nguyên) xây dựng.
Djoser là vị Pharaoh xây dựng kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập trong thời kỳ đầu của triều đại thứ 3. Kỹ thuật xây dựng giống với kim tự tháp Meidum do Snefru hoặc Huni xây dựng, bắt đầu là kim tự tháp bậc thang trước khi trở thành một kim tự tháp thực thụ.
“Cấu trúc này cho thấy nó được chăm chút một cách nhất định và thể hiện kỹ năng xây dựng bậc thầy, đặc biệt là trong việc điều chỉnh các khối đá quan trọng nhất. Kim tự tháp được xây trực tiếp trên nền đá và hoàn toàn sử dụng các chất liệu thô của địa phương. Mỏ khai thác đá sa thạch, tọa lạc cách kim tự tháp 800m về phía Bắc, được phát hiện hồi năm 2011” - Marouard cho biết.
Tuy nhiên, sự mở rộng của ngôi làng và nghĩa trang gần đó đang gây nên mối đe dọa cho kim tự tháp. Nhằm ngăn chặn tình trạng cướp phá, chính quyền đã cho dựng rào chắn bao quanh công trình.
Các nhà khảo cổ còn phát hiện ra rằng, trong triều đại của Khufu (2590 - 2563 trước Công nguyên) - vị pharaoh này đã cho xây dựng kim tự tháp Giza, kim tự tháp bậc thang ở Edfu đã bị bỏ mặc và nơi đây không còn diễn ra các cuộc cung tiến nữa. Tình trạng này xảy ra chưa đầy 50 năm sau khi nó được xây dựng.
Điều này cho thấy, 7 kim tự tháp nhỏ đều không còn được sử dụng khi kim tự tháp Giza bắt đầu được xây dựng. Có lẽ Khufu thấy yên tâm với tình hình chính trị ở miền Nam Ai Cập và cho rằng không cần phải xây dựng hay duy trì kim tự tháp ở Edfu hoặc bất cứ khu vực nào tại miền Nam nữa. Thay vì thế, ông tập trung mọi nguồn lực để xây kim tự tháp khổng lồ ở Giza.