Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm sông ô nhiễm - nghề 'bốc mùi' ở Trung Quốc

Shi Dianshou chuẩn bị đồ đạc đến sông Xing Fu (Hạnh phúc) vào một sáng đầy nắng. Chàng trai 24 tuổi lái xe từ Bắc Kinh để kiểm tra con sông có cái tên nên thơ nhưng rất ô nhiễm.

"Hiện giờ tôi không thấy vui vẻ gì", Shi Dianshou, một nhà nghiên cứu môi trường ở Trung Quốc, chia sẻ cảm xúc khi nói về công việc. 

Đi chừng 42 km ra khỏi thị trấn, chiếc xe của Shi dừng lại bên một nhánh sông vương vãi đầy rác và bốc mùi hôi thối. Chiếc ghế sofa trồi lên trên mặt nước đen kịt, nơi cách không xa là một đống rác thải ứ đọng ở nhánh phía tây. Giữa một đống phế thải khác, chiếc áo ngực bỏ đi đang vắt vẻo trên cành cây.

"Tôi đã nhìn thấy kiểu sông này nhiều lần rồi. Nó mang lại cảm giấc rất tệ", Shi phàn nàn rồi đi dọc con sông bốc mùi để đánh giá mức độ ô nhiễm. 

song o nhiem boc mui o Trung Quoc anh 1
Shi Dianshou bịt mũi khi ngồi gần sông Xing Fu, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Guardian

Theo Guardian, Shi là một trong hàng trăm công dân Trung Quốc trên khắp cả nước làm công việc tìm kiếm và đánh giá cái mà chính phủ gọi là "những con sông đen và bốc mùi".

Phát động sáng kiến "hei chou he" (sông đen và có mùi), Bộ Môi trường Trung Quốc yêu cầu người dân chung tay tìm kiếm và phát hiện những dòng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng để phân loại và hy vọng làm sạch chúng. Tình nguyện viên có thể đăng địa điểm và hình ảnh lên tài khoản mạng xã hội của bộ. 

Từ khi dự án bắt đầu vào tháng 2, người dân đã sử dụng điện thoại thông minh để xác định hơn 1.300 địa điểm. Chúng được thêm vào danh sách đen được lập từ trước đó và có hơn 1.850 vị trí.

Shi, người đã xác định và thông báo 5 con sông ô nhiễm nghiêm trọng, nói rằng anh hy vọng công việc này sẽ gây áp lực lên chính quyền và lôi kéo sự quan tâm đến những dòng nước độc hại mà họ chưa từng biết đến. Theo Shi, nhiều con sông đen và bốc mùi khác vẫn chưa được phát hiện.  

Công nghiệp hoá và đô thị hoá không kiểm soát hàng thập kỷ là nguyên nhân khiến Trung Quốc không thiếu những con sông ô nhiễm. Năm 2012, một quan chức cấp cao của Bộ Tài nguyên nước thừa nhận 40% dòng chảy bị ô nhiễm nghiêm trọng, 20% hoàn toàn độc lại. Mặc dù vậy, các nhà hoạt động môi trường hy vọng bộ trưởng hiện nay, ông Chen Jinning, ít nhất đang cố gắng giải quyết vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. 

song o nhiem boc mui o Trung Quoc anh 2
Rác thải chất đầy ở sông Xing Fu. Ảnh: Guardian

Chen nhậm chức đầu năm ngoái, tuyên bố đương đầu với cuộc khủng hoảng môi trường "chưa từng có trong lịch sử nhân loại". Vài tháng sau, Bắc Kinh công bố sáng kiến chống ô nhiễm nước nghiêm ngặt nhất lịch sử Trung Quốc, hay còn gọi là kế hoạch 10 điểm.

Các nhà môi trường ca ngợi đây là chương trình lần đầu tiên chính phủ cho phép công dân cùng tham gia cuộc chiến chống lại ô nhiễm. Tuy nhiên, tìm kiếm những nguồn nước ô nhiễm chưa thể giải quyết được vấn đề. 

"Chúng tôi đã báo cáo tình hình với cơ quan bảo vệ môi trường, nhưng không ai đến", ông Xing Wenhua cho biết. Ông Xing còn đùa rằng con sông bốc mùi hôi thối đến mức khiến ông rụng tóc. 

"Tôi ngửi mùi hôi thối hàng ngày và nó khiến tóc tôi không mọc được nữa. Rất nặng mùi", người nông dân cười lớn. Ông nói tình trạng ô nhiễm của con sông bắt đầu sau khi Trung Quốc mở cửa kinh tế vào cuối những năm 1970. 

Cụ ông 56 tuổi hồi tưởng: "Sẽ thật tuyệt nếu sông hồ và không khí đều sạch. Chúng ta có thể uống thứ nước như thời tôi còn trẻ. Khi đó, chúng ta có thể cầm xô để lấy nước sông".

Trung Quốc báo động vì ung thư ở 'thủ phủ ngành thép'

Tỉnh Hà Bắc, địa phương dẫn đầu ngành sản xuất thép của Trung Quốc, đang chứng kiến các ca ung thư phổi tăng đến mức báo động, hơn 300% trong 40 năm qua.

 

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm