Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm kiếm lợi ích trong sức ép cạnh tranh gay gắt

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật S&B nhận định, TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra nhiều việc làm mới… tại các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


- TPP có ảnh hưởng thế nào tới kinh tế Việt Nam, thưa ông?

 - Việt Nam là quốc gia có gần 93 triệu dân, với 50% dân số trong độ tuổi dưới 30, đây là một thị trường tiêu thụ hàng hóa tiềm năng. Theo cam kết của TPP, sẽ có 18.000 dòng thuế được cắt giảm, do đó, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường của 11 quốc gia thành viên TPP. Dự tính, giao dịch thương mại của Việt Nam với các quốc gia thành viên sẽ chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Ước tính, TPP có thể thúc đẩy kinh tế của Việt Nam tăng 14% trong 5 năm tới.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà là luật sư tư vấn luật kinh doanh, luôn bám sát quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

- Những lĩnh vực nào có thể hưởng lợi từ TPP, thưa ông?

- Ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Theo dự đoán của Eurasia Group, việc xuất khẩu dệt may và giày dép của Việt Nam có thể tăng trưởng 50% trong 10 năm nữa. Ngành thủy sản với các sản phẩm chủ lực như tôm, cá ngừ đại dương, mực cũng có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu từ các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, TPP cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ các quốc gia không phải là thành viên của TPP sang Việt Nam, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Trong lĩnh vực đầu tư, với việc loại bỏ các dòng thuế, các công ty và tập đoàn  nước ngoài sẽ di chuyển nhà máy sang Việt Nam để hưởng lợi.

- Cùng với thuận lợi, chúng ta sẽ gặp những bất lợi gì và những lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng?

- Trong số các quốc gia TPP, Việt Nam là quốc gia có GDP theo đầu người thấp nhất (1.900 USD). Chúng ta đứng rất xa so với các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là khi chúng ta phải giảm thuế theo lộ trình. Lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn. Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường chăn nuôi. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò từ Mỹ, Úc và Nhật Bản có sức cạnh tranh cao sẽ tràn vào thị trường trong nước. Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với các cường quốc về sữa như New Zealand.

Bên cạnh đó, ngành dược phẩm cũng có thể bị ảnh hưởng do nước ta cam kết giảm thuế nhập khẩu. Các loại dược phẩm ngoại nhập chất lượng tốt hơn có thể gây khó khăn cho các công ty dược nội địa. Yêu cầu về bảo hộ các sáng chế về dược phẩm, bảo hộ độc quyền dữ liệu cũng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Chúng ta cần làm gì để hạn chế những mặt tiêu cực và tận dụng thành công những ưu đãi mà TPP mang lại, thưa ông?

- Về tổng thể, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích khi gia nhập TPP. Nhưng để tận dụng được cơ hội, các cơ quan quản lý  và giới doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để cùng khai thác. Chính phủ nên coi đây là một cơ hội tốt để chúng ta hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia. Các doanh nghiệp cần đổi mới, sáng tạo hơn, nhanh chóng hoàn thiện quy trình quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng những yêu cầu cao hơn từ thị trường các nước trong TPP.

- Xin cảm ơn ông!

http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/tim-kiem-loi-ich-trong-suc-

Theo Huệ Anh/ANTĐ

Bạn có thể quan tâm