Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm hướng đi mới tận dụng lợi thế của thành phố thủ phủ Tây Nguyên

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ Tây Nguyên nhưng những năm qua vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng. Chuyên gia cho rằng cần tính toán lại ưu tiên phát triển.

Ngày 28/3, Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết Kết luận 60/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020); phương hướng xây dựng và phát triển thành phố thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến 2030, tầm nhìn 2045.

Đây là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá, phân tích về những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, đặc biệt đây cũng là nơi để tham vấn những ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng Tây Nguyên, các chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết.

Kết quả bước đầu sau 10 năm thực hiện Kết luận 60/2009

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Buôn Ma Thuột có bước phát triển khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm tăng bình quân hàng năm 13,9%; công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế.

phat trien buon ma tuot anh 1
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: N. Quân.

Tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2018 của Buôn Ma Thuột đạt 9,38% (tỉnh Đắk Lắk đạt 8,06%). Trong đó, tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 10,33% (tỉnh Đắk Lắk đạt 9,95%); dịch vụ đạt 11% (tỉnh Đắk Lắk đạt 12,46%); nông lâm thủy sản đạt 3,56% (tỉnh Đắk Lắk đạt 4,88%).

Quy mô nền kinh tế năm 2018 của thành phố đạt 18.016 tỷ đồng gấp 2,15 lần so năm 2010. Cơ cấu kinh tế thành phố, so sánh với 2010 thì năm 2018 tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản từ 10,98% năm 2010 xuống còn 7,09% năm 2018; công nghiệp - xây dựng tăng từ 27,76% năm 2010 lên 29,75% năm 2018…

Giá trị sản xuất năm 2018 đạt 9.109 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2018 đạt mức tăng trưởng bình quân 11,08%/năm; một số sản phẩm công nghiệp chế biến phát triển nhanh qua các năm như: cà phê bột, sản phẩm bia, máy bơm ly tâm điện…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 37.191 tỷ đồng, chiếm 53% của toàn tỉnh (tỉnh là 70.000 tỷ đồng); giai đoạn 2010-2018, đạt mức tăng trưởng bình quân 16,97%/năm (tỉnh là 13,11%/năm).

Ông Trương Công Thái, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết trong gần 10 năm qua, thành phố đã đạt những kết quả rất đáng tự hào với việc triển khai thực hiện Kết luận 60. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển rất vượt bậc.

Sau kết luận 60 của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột từ đô thị loại II trở thanh đô thị loại I từ năm 2010.

“Chỉ hơn một chút so với cả tỉnh Đắk Lắk”

Tuy đạt được một số thành tích, Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết thành phố vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Theo đó, kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, quy mô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá.

Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, sơ chế, nên giá trị gia tăng thấp; công nghiệp phụ trợ phát triển chậm, sản phẩm chủ lực còn ít chưa hình thành các cơ sở công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Một số dự án, công trình trọng điểm, tạo đột phá chậm được triển khai.

phat trien buon ma tuot anh 2
Hạ tầng Buôn Ma Thuột được cho là phát triển chậm so với yêu cầu. Ảnh: Tây Nguyên.

Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa vùng nội thành và vùng ven. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Khai thác tiềm lực, phát triển khoa học – công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh của các ngành còn thấp.

PGS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá sau khi xem lại lịch sử phát triển của Buôn Ma Thuột trong 10 năm, ông thấy rõ “không hơn gì cả tỉnh Đắk Lắk, chỉ hơn một chút thôi”.

Ông nhấn mạnh lĩnh vực dịch vụ suốt 10 năm lại kém hơn tốc độ tăng trưởng của tỉnh Đắk Lắk, mà dịch vụ là lĩnh vực trung tâm của đô thị. Hoặc công nghiệp chỉ hơn 0,2% mỗi năm so với toàn tỉnh.

“Như vậy cho thấy là Buôn Ma Thuột đang phát triển không có gì đặc biệt so với cả tỉnh. Vai trò trung tâm vùng chưa được quan tâm, chưa được đầu tư đúng mức. Cần thay đổi cách nhìn về Buôn Ma Thuột và phải có hành động khác”, ông nói.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Cán bộ nghiên cứu cao cấp, trường Havard Kennedy (ĐH Havard) nhận định một thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên nhưng tính kết nối với các tỉnh thành khác của vùng cũng như các vùng kinh tế khác thì rất hạn chế.

Điều đấy thể hiện ở 2 lĩnh vực rất quan trọng đối với một trung tâm kinh tế đó là thương mại và logistics. Thương mại của Buôn Ma Thuột chiếm trên một nửa của cơ cấu tổng sản phẩm của thành phố và chỉ phục vụ cho người dân trong tỉnh và thành phố.

Dịch vụ logistics thì chủ yếu là vận tải đường bộ cho hàng hóa và hành khách của riêng địa bàn. Tổng doanh thu của toàn bộ dịch vụ logistics của cả tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ chiếm 1,9% tổng giá trị sản phẩm của cả tỉnh.

Cần ưu tiên lĩnh vực để phát triển lan tỏa cả vùng

Căn cứ Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các ban, bộ, ngành, các tỉnh vùng Tây Nguyên xây dựng Đề án “Tổng kết Kết luận 60/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020)”.

Từ đó đề xuất phương hướng xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quan điểm phát triển là tạo ra chính sách phát triển tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên và cả nước. Phát huy hiệu quả nội lực, thu hút các nguồn ngoại lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

phat trien buon ma tuot anh 3
TS. Nguyễn Xuân Thành, Cán bộ nghiên cứu cao cấp, trường Havard Kennedy (ĐH Havard). Ảnh: BKTTW.

Đặc biệt, cần phát triển kinh tế theo hướng liên kết mở, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trên cơ sở liên kết phát huy hiệu quả tổng hợp vùng Tây Nguyên, tham gia và nâng dần vai trò của thành phố, của tỉnh trong chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế của thành phố cũng như của tỉnh đối với vùng Tây Nguyên, miền Trung, khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng muốn phát triển TP Buôn Ma Thuột cần nhấn mạnh đến 2 lĩnh vực chính là thương mại và logistics, mang tính chất làm sao để thành phố đảm nhiệm được vai trò là trung tâm của cả vùng.

Còn theo PGS Trần Đình Thiên, Buôn Ma Thuột phải tạo được sức hấp dẫn, muốn có sức hấp dẫn đó thì phải tạo được một chương trình phát triển, là nơi hội tụ kinh tế của Tây Nguyên. Ông đề xuất phát triển ngành công nghiệp chế biến tại thành phố này bởi Tây Nguyên có thế mạnh nông nghiệp, nhưng trồng xong lại chở đi nơi khác chế biến. Cần tạo công nghiệp chế biến tại chỗ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng phát triển TP Buôn Ma Thuột cần xuất phát từ lợi thế so sánh và nhu cầu thực tiễn đặt ra. Cần nghiên cứu các cơ chế chính sách đột phá để đem lại động lực phát triển cho thành phố.

“Buôn Ma Thuột phải trở thành trung tâm chế biến, thương mại, logistic, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục của vùng. Xây dựng TP Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể vùng với tầm nhìn về Tây Nguyên trong 10 năm tới”, ông nói.

Trần Nguyễn

Bạn có thể quan tâm