Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên chia sẻ, sau hơn 10 năm được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa thế giới, văn hóa cồng chiêng đóng góp tích cực vào đời sống tinh thần cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Di sản này đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc, tính đa dạng văn hóa của vùng miền, quốc gia và quốc tế. Đây là "linh hồn" của Tây Nguyên, giúp thu hút du khách về đây du lịch.
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên tại Kon Tum tối 20/3. Ảnh: M.Hoàng. |
"Để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, phải có những con người thật sự tâm huyết truyền lửa đam mê lan tỏa từ trường học đến cộng đồng", bà Liên nói.
Văn hóa dân gian vốn có sức sống bền bỉ cùng văn hóa dân tộc. Nhưng trong sự va chạm với những yếu tố văn hóa mới, văn hóa nghệ thuật dân gian ở Tây Nguyên đang đứng trước thách thức của sự mai một. Việc bảo tồn, phát huy chỉ thực sự bền vững khi các giá trị di sản được gìn giữ và tiếp tục sáng tạo bởi chính chủ thể văn hóa.
" Một trong những hạt nhân góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, sáng tạo và trao truyền cho thế hệ mai sau chính là các nghệ nhân dân gian - những viên ngọc quý của văn hóa mỗi dân tộc", Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Trần Thị Nga đánh giá.
Hiện nay, đời sống và sinh hoạt hiện đại làm thay đổi nhận thức về "tính thiêng" và không gian văn hóa cồng chiêng. Nhiều hộ gia đình đã bán đi những bộ chiêng, ché, ghế kpan quý. Trong khi đó, nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới giới trẻ, nên việc hướng họ theo học cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân tộc trở nên khó khăn.
Thống kê của tỉnh Đăk Lăk, năm 2011, địa phương này "chảy máu" 2.000 bộ cồng chiêng. Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết, nghi lễ truyền thống, văn hóa cồng chiêng liên quan đến nhà rông, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, rừng… mất dần trong đời sống cộng đồng. Đồng bào nơi đây chuyển đổi tín ngưỡng dân gian truyền thống sang tôn giáo. Do vậy, phần lớn đồng bào không còn mặn mà với lễ hội, bỏ cồng chiêng cùng phong tục tập quán cộng đồng.
Nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên trình diễn gõ cồng chiêng trên đường phố Kon Tum. Ảnh: Minh Hoàng. |
Còn bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kon Tum cho rằng, muốn khôi phục và khơi dậy không gian văn hóa cồng chiêng cần đáp ứng nhu cầu tâm linh, giữ lại tín ngưỡng cộng đồng và chọn lựa, duy trì liên tục hàng năm các lễ hội gắn liền với cồng chiêng.
Sau 10 năm nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, các tỉnh Tây Nguyên bước đầu ngăn chặn nạn chảy máu cồng chiêng. Trong đó, các địa phương này thành lập hàng trăm câu lạc bộ bảo tồn, mở lớp truyền dạy gõ cồng chiêng cho hàng nghìn bạn trẻ.
Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang lập phương án đề xuất Chính phủ hỗ trợ để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng. Xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.