Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, để xuất khẩu được thịt heo, cần làm tốt khâu kiểm dịch, do heo là loài rất dễ mắc phải nhiều loại bệnh như lở mồm long móng, tai xanh, mụn nước... Nguyên nhân bởi yêu cầu kiểm dịch thịt heo của các nước trên thế giới là rất gắt gao.
Tại diễn đàn xuất khẩu thịt heo Việt Nam do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 20/10, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần làm tốt ở cả 3 khâu là sản xuất, chế biến và phát triển thị trường. Chăn nuôi heo của Việt Nam mới tương đối thành công ở khâu sản xuất. Nhưng các khâu còn lại vẫn còn rất hạn chế, thậm chí yếu kém hơn hẳn các loại nông sản khác.
"Cả nước gần 2.000 lò mổ chủ yếu thủ công, thói quen ăn thịt tươi nhiều thì làm sao chúng ta có thể xuất khẩu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mỗi năm cả nước sản xuất hàng triệu tấn thịt heo nhưng chỉ xuất được 20.000 tấn heo sữa. Cần tái cơ cấu lại ngành thịt heo, mới tạo điều kiện giải quyết đời sống của 3,3 triệu hộ chăn nuôi hiện nay.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ ngành đẩy nhanh mở thị trường và làm tốt công tác kiểm dịch thú ý.
Hiện nhu cầu thịt heo của các nước xung quanh Việt Nam rất lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với hàng chục triệu tấn mỗi năm. Thậm chí có thể xuất khẩu sang Hà Lan. Ngành nông nghiệp kêu gọi doanh nghiệp tiên phong để thúc đẩy xuất khẩu thịt heo của Việt Nam.
“Tất cả cần làm theo mô hình liên kết chuỗi. Cần sản xuất ở 2 cấp độ. Thứ nhất là ở các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất để nhắm tới việc xuất khẩu. Ở quy mô vừa cũng phải làm được như vậy để cung ứng cho thị trường 93 triệu dân trong nước”, Bộ trưởng nói.
Theo Cục Thú y, đàn heo thịt của VIệt Nam năm 2016 là 24,7 triệu con. Ngoài ra còn có gần 75.000 con heo đực giống và 4,2 triệu con nái. Số heo thịt xuất chuồng năm 2016 đạt khoảng 51,1 triệu con. Lượng heo sữa xuất chuồng là 2,8 triệu con.