Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2. Trong đó, nghị định quy định rõ hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định hay xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất là 3 triệu và 5 triệu đồng.
Mỗi tháng xử phạt 7-10 triệu đồng
Trước đó, một số địa phương tại TP.HCM đã áp dụng các biện pháp xử phạt để giảm tình trạng phóng uế, xả rác nơi công cộng. Theo ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần Bến xe miền Tây, trong năm 2016, số tiền xử phạt mà đơn vị này thu về là hơn 63 triệu đồng.
Theo ông Phương, do đặc trưng là nơi có nhiều người qua lại nên tình trạng tiểu tiện hay xả rác không đúng nơi quy định ảnh hưởng rất lớn đến môi trường ở bến xe.
Nhiều người dân TP.HCM vẫn vô tư xả rác tại nơi công cộng, đặc biệt trong dịp lễ Tết. Ảnh: Hải An. |
Từ đầu năm 2016, Bến xe Miền Tây đã áp dụng quy định, theo đó, việc xử phạt hành vi tiểu tiện, xả rác được ghi rõ trong hợp đồng với các hãng xe. Những nhân viên vi phạm sẽ bị xử phạt 200.000 đồng/lần.
Nếu cá nhân không thực hiện thì doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả. Trong trường hợp doanh nghiệp không chấp hành, bến xe có quyền ngừng hợp đồng, không cho phép xe hoạt động trong bến.
Bên cạnh đó, Bến xe Miền Tây cũng lắp đặt khoảng 50 camera giám sát. Ngoài ra, một tổ nhân viên trực 24/24h để ghi nhận các trường hợp vi phạm. Phó giám đốc Trần Văn Phương cho biết mỗi tháng, tổng số tiền Bến xe Miền Tây xử phạt từ 7 đến 10 triệu đồng.
“Nhờ đó, tình trạng tiểu tiện, xả rác bừa bãi trong bến xe đã giảm mạnh. Phí đi vệ sinh mỗi lẫn có 2.000 đồng nhưng xử phạt lại lên tới 200.000 đồng nên họ cũng ngại. Sau đó, những người vi phạm còn bị doanh nghiệp xử phạt tiếp”, ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, quy định này chỉ có giá trị ràng buộc với những nhân viên của bến xe hoặc các doanh nghiệp vận tải, còn đối với hành khách, hiện chưa có những quy định ràng buộc rõ ràng.
Do vậy, theo ông Phương, đội ngũ nhân viên bến xe vẫn chủ yếu tuyên truyền, bố trí người quyét dọn rác thường xuyên tại các điểm thường xuyên bị xả rác. “Môi trường sạch thì người dân cũng ít xả rác hơn, cũng tạo nên ý thức cho họ”, ông Phương nói.
Dùng ứng dụng trên điện thoại truy người xả rác
Trong khi đó, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng (Công ty Môi trường Đô thị), cho biết tình trạng xả rác không đúng quy định khá phố biến. Nguyên nhân được cho là ý thức của người dân kém, vẫn giữ thói quen vứt rác bừa bãi.
Theo ông Tuấn, các bãi rác tự phát thường xuất hiện tại các khu đất trống gần khu nhà trọ. “Có thể nhiều người không muốn mất phí đổ rác nên vứt ra đó, dần dần phát sinh thành nơi đổ rác”, ông Tuấn nói.
Tình trạng xả rác không đúng quy định khá phố biến. Ảnh: Hải An. |
Các quận, huyện cũng đã bố trí lực lượng chốt tại các điểm. Nhiều nơi sử dụng biện pháp xử phạt những người vi phạm. Tuy nhiên, thực tế là một thời gian sau, một bãi rác khác sẽ xuất hiện cách bãi rác cũ không xa.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Nam (Hà Nội) đã hiến kế cho TP.HCM phát triển ứng dụng (app) trên điện thoại để ghi lại hình ảnh vi phạm trong các lĩnh vực giao thông, môi trường... Trong đó, bao gồm cả hình ảnh người dân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, tiểu tiện nơi công cộng.
Theo đề xuất, người dân sẽ gửi hình ảnh vi phạm cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là căn cứ giúp truy tìm người vi phạm để tiền hành xử phạt.
Trong khi đó, một phường ở quận Tân Phú áp dụng biện pháp khác là kêu gọi người dân trình báo khi phát hiện người xả rác không đúng nơi quy định. Mỗi trường hợp trình báo và xử phạt sẽ được thưởng nóng 500.000 đồng/vụ. Trong năm 2016, phường này đã xử phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 20 triệu đồng.