Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TikTok khuếch đại nỗi sợ già

TikTok làm gia tăng lo lắng về ngoại hình, trong đó có cả nỗi sợ già. Các filter làm đẹp đưa đến cái nhìn sai lệch về sự lão hóa ở những người trẻ tuổi.

Các filter làm đẹp trên TikTok củng cố tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế.

Kelsey Laurier có khoảng 400.000 người theo dõi trên kênh TikTok chia sẻ về lối sống được lập vào năm 2021. Với hơn 90% khán giả là phụ nữ, cô mô tả phần bình luận của trang là một nơi "yên bình", theo WIRED.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng Laurier sẽ gặp một số "người dùng độc hại" gọi cô là "già nua, tiều tụy và khốn khổ". Nhưng đôi lúc, TikToker này lại nhận về lời khen có cánh khi tiết lộ tuổi thật.

Điều đáng ngạc nhiên là Laurier năm nay 29 tuổi, cái tuổi mà theo cô vẫn còn quá sớm để mọi người quan tâm nhiều đến mức độ già hay trẻ của một người.

Ageism (tạm dịch: phân biệt tuổi tác) đã có từ lâu đời, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi xu hướng này xuất hiện trên TikTok. Margret Manning (73 tuổi), blogger và tác giả người Mỹ, chủ yếu viết về làm đẹp, chăm sóc sức khỏe và lối sống cho phụ nữ trên 60 tuổi, từng nói về trải nghiệm của bà trên ứng dụng: "Dường như có sự chú ý đáng kinh ngạc vào những người phụ nữ trên TikTok để không chấp nhận việc già đi".

TikTok không chỉ củng cố sự tiêu cực đã có từ trước của ageism, nền tảng còn đang thay đổi định nghĩa của chúng ta về những thứ như "già nua", "lão hóa".

Nỗi sợ già của người trẻ

Cuối tháng 2, bộ lọc Teenage Look trở thành xu hướng trên ứng dụng. Đúng như tên gọi, công cụ này cho phép các TikToker lớn tuổi trở lại với phiên bản trẻ trung của mình.

Trong clip có hơn 15,8 triệu lượt xem, một phụ nữ trung niên đã rơi nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh tuổi thiếu niên của bản thân. Bình luận hàng đầu, với hơn 30.000 lượt thích, có nội dung "Tôi không muốn già đi", theo sau là những biểu tượng mặt khóc.

"Tôi bắt đầu nhận thấy xu hướng này ở những người bằng tuổi hoặc trẻ hơn mình vài tuổi. Người trẻ bây giờ nói chuyện như thể họ đã rất già", Laurier, sống ở bang Georgia, Mỹ, nói.

nguoi tre so gia anh 1

Nỗi sợ lão hóa bị khuếch đại trên các mạng xã hội.

Hồi tháng 1, cô đã thực hiện một clip nói về sự phân biệt tuổi tác đang tràn lan trên mạng xã hội.

"Ngày nay, một người ở độ tuổi 20 có thể gọi một người cuối 20 hoặc 30 là 'già' hoặc 'tàn tạ'. Tôi chỉ thấy điều đó thực sự đáng lo ngại", cô nói trong đoạn video.

Mọi người vẫn thường gọi bất kỳ ai lớn tuổi hơn mình là "già", nhưng trước đây, đó là điều chúng ta chỉ nói riêng với nhau.

Không giống như Facebook hay MySpace trước đó, TikTok đã thu hút nhiều người dùng, cho phép mọi người ở mọi lứa tuổi tương tác theo những cách chưa từng có.

Laurier nói: "Khi còn trẻ, chúng tôi thường nói '29, 30 tuổi là già', nhưng chúng tôi không sử dụng Internet nhiều như bây giờ".

Đến cuối năm 2022, 8,8 triệu người đã xem clip TikTok trong đó một phụ nữ trẻ cảnh báo khán giả: "Đừng nằm sấp khi ngủ nếu không muốn mặt bị chảy xệ".

Một người đã đăng lại clip trên Twitter và thu hút 6.000 lượt thích với dòng bình luận: "Thật đáng sợ khi ngành công nghiệp chống lão hóa đã thâm nhập vào những khán giả ngày càng trẻ hơn. Các cô gái tuổi teen không cần phải sợ hãi, ám ảnh rằng mọi thứ mình làm đều khiến khuôn mặt già đi".

Tại sao những TikToker trẻ lại sợ già đi?

Julia Twigg, nhà nghiên cứu về tuổi tác và giáo sư xã hội học tại Đại học Kent, nói rằng mọi người không nên "tự nhiên hóa" chủ nghĩa phân biệt tuổi tác bằng cách làm cho nó nghe có vẻ không thể tránh khỏi, mặc dù đó là một "tập hợp các ý tưởng đã ăn sâu".

Twigg cho biết trong khi tuổi trẻ thường được đánh giá cao trong lịch sử ở hầu hết nền văn hóa, chúng ta cũng nên xem xét các hiện tượng hiện đại củng cố chủ nghĩa phân biệt tuổi tác.

"Mạng xã hội có nhiều vấn đề về sự lão hóa giống như phương tiện truyền thông in ấn, nhưng thế giới trực tuyến có thể trở nên khắc nghiệt và thù địch công khai hơn nhiều".

Twigg giải thích Internet "cho phép những ý kiến ​​gay gắt xuất hiện trước công chúng, trong khi các tạp chí còn có bộ lọc thông qua lăng kính biên tập".

Ashton Applewhite, tác giả của This Chair Rocks: A Manifesto Against Ageism, nói thêm rằng chúng ta không thể tách biệt khái niệm ageism khỏi chủ nghĩa tư bản hiện đại.

"Không ai kiếm tiền từ sự hài lòng. Khi quá trình thay đổi sinh học tự nhiên trở thành bệnh lý hoặc có vấn đề, mọi người kiếm tiền từ đó", Applewhite nhận định.

nguoi tre so gia anh 2

Các cuộc thảo luận về sự lão hóa trở nên công khai và có vấn đề trên TikTok.

Trong khi các loại kem chống lão hóa đã tồn tại cả thế kỷ, TikTok cho phép mua và bán liên tục các sản phẩm này. Nhờ có TikTok Shop, người dùng có thể mua serum chống lão hóa, kem che khuyết điểm, kem, gel dưỡng mắt và "mặt nạ trị liệu bằng ánh sáng" mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Những người có ảnh hưởng được khuyến khích tung hộ các sản phẩm này vì họ kiếm được một khoản tiền từ bất cứ thứ gì bán được.

Laurier nói: "Một người ở ngoài 20 tuổi biết về tiếp thị chống lão hóa và không nghĩ rằng nếu họ có một nếp nhăn thì sẽ chết. Nhưng nếu bạn quảng cáo điều đó cho một đứa trẻ 12 tuổi, chúng sẽ thực sự tiếp thu và nghĩ nó đúng".

Applewhite nói thêm nhiều nghiên cứu cho thấy càng biết nhiều về lão hóa thì bạn càng ít sợ hãi.

"Chúng ta cũng cần loại bỏ ý tưởng sai lầm rằng bản thân nhất định phải có nhiều điểm chung với những người đồng trang lứa, bao gồm cả sự lão hóa".

Laurier cho rằng những người ở độ tuổi của cô cũng nên suy nghĩ về cách mình nói chuyện trên TikTok.

"Tôi nghĩ những người từ 30 tuổi trở lên cần ngừng đùa giỡn về việc già đi. Tôi biết mọi người không có ý xấu, nhưng những trò đùa này có thể ảnh hưởng đến cách mọi người thực sự nhìn nhận về bạn. Mọi người nên cho những đứa trẻ thấy rằng cuộc sống không kết thúc ở tuổi đôi mươi. Cuộc sống thực sự chỉ mới bắt đầu sau đó".

TikTok tràn ngập các chuyên gia dạy làm giàu

Các TikToker đưa ra vô số lời khuyên tài chính, tuy nhiên, đa số chỉ đánh vào tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng và không có tác dụng thực tế.

Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi

Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm