Những năm đầu thế kỷ 21 đánh dấu một hiện tượng mới trong văn đàn Trung Quốc. Đó là sự xuất hiện và bùng nổ của trào lưu tiểu thuyết tiên hiệp. Từ năm 2005 trở đi, tiên hiệp soán ngôi võ hiệp để trở thành thể loại truyện hút khách nhất trên các kho tàng văn học online.
Có thể nói tác phẩm tiên hiệp online tiêu biểu nhất là Tru Tiên của tác giả Tiêu Đỉnh, được đưa lên mạng Internet hồi năm 2003 khi còn chưa hoàn thành và lập tức trở thành một cơn sốt. Kể từ khi phát hành, Tru Tiên đã bán được hàng triệu bản.
Từ thành công của bộ truyện, hàng loạt trò chơi online Tru Tiên ra đời. Năm 2016, tác phẩm này được chuyển thể thành phim truyền hình với tên gọi Tru Tiên: Thanh Vân chí, có sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng như Triệu Lệ Dĩnh, Dương Tử, Lý Dịch Phong…
Tru Tiên là cuốn tiểu thuyết tiên hiệp tiêu biểu, đạt thành công rực rỡ và được chuyển thể thành phim truyền hình. Ảnh: Sina. |
Sau Tru Tiên, các tác phẩm như Hoa Thiên Cốt hay Tam sinh tam thế thập lý đào hoa cũng đạt thành công vang dội, được chuyển thể thành phim truyền hình ăn khách. Trong tháng 8, Tam sinh tam thế phiên bản điện ảnh với sự góp mặt của “thần tiên tỷ tỷ” Lưu Diệc Phi đã ra mắt khán giả Trung Quốc và cũng sẽ đến Việt Nam.
Thế giới thần tiên
Tiên hiệp khác với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống ở chữ “tiên”. Chất liệu không thể thiếu trong truyện tiên hiệp chính là quá trình nhân vật chính tu luyện thành tiên. Pháp thuật kỳ diệu và pháp bảo có sức mạnh phi thường đóng vai trò thay thế các loại bí kíp võ công quen thuộc.
Hãy quên đi “Hàng long thập bát chưởng”, “Độc Cô cửu kiếm”, “Quỳ Hoa bảo điển” hay “Cửu Âm chân kinh” đi. Trong thế giới tiên hiệp chỉ có “Tru Tiên cổ kiếm”, “Thiêu Hỏa côn”, “Thiên Gia thần kiếm” và “Thiên thư”.
Đạo giáo, luân hồi, nhân quả và năng lực trường sinh bất tử là các yếu tố làm nên sự khác biệt của tiên hiệp và võ hiệp. Thế giới trong truyện tiên hiệp thay đổi từ giang hồ sang thiên hạ, từ nhân gian sang một thế giới thần tiên chỉ có trong trí tưởng tượng.
Trên thực tế, tiểu thuyết tiên hiệp có nguồn gốc khá lâu đời ở Trung Quốc, là một nhánh của tiểu thuyết võ hiệp cựu phái, vốn phát triển mạnh từ đầu thập niên 1920.
Tác phẩm tiên hiệp tiêu biểu và có tính chất mở đầu của thể loại này là Thục Sơn kiếm hiệp truyện của tác giả Hoàn Châu Lâu Chủ. Ngoài ra cũng phải kể đến Linh San hiệp thế truyện của nhà văn Thiên Hưng Ngôn.
Giới chuyên môn đánh giá để viết ra chất tiên hiệp cổ điển, người viết phải có vốn tích lũy dày về Đạo giáo, lịch sử, truyền thuyết, thần thoại Trung Quốc… Do đó, các tác giả phải đầu tư rất nhiều về thời gian và công sức để sáng tạo ra những câu chuyện kỳ ảo.
Tuy nhiên, khi tiểu thuyết võ hiệp tân phái bùng nổ vào giữa thập niên 1950 với sự xuất hiện của hai danh gia là Kim Dung và Lương Vũ Sinh, truyện tiên hiệp lụi tàn. Theo nhà nghiên cứu văn học Trần Mặc, tác giả cuốn Võ hiệp ngũ đại gia, những thứ như phép thuật, pháp bảo, tu tiên… không còn phù hợp với lý tính con người hiện đại nữa.
Do đó, tiểu thuyết tiên hiệp hết thời. Những tàn dư của tiên hiệp còn sót lại trong tiểu thuyết võ hiệp tân phái cũng dần bị loại bỏ. Như Kim Dung khi sửa chữa toàn bộ các tác phẩm của mình đã mạnh tay cắt bỏ những yếu tố kỳ ảo, hoang đường thừa thãi, ví dụ như chi tiết con vượn không sợ lửa tại Băng Hỏa đảo trong Ỷ Thiên Đồ Long ký.
Thế nên, việc tiểu thuyết tiên hiệp bùng nổ trở lại ở đầu thế kỷ 21, khi xã hội Trung Quốc đã trở nên vô cùng hiện đại, là một điều khiến không ít người cảm thấy khó hiểu.
Phương tiện giải thoát
Người Trung Quốc vốn có nhiều thứ mộng tưởng. Thôi thì đủ cả, từ mộng minh quân, mộng thanh quan, mộng hiệp khách đến mộng thần tiên. Khi giải thích về sự bùng nổ của tiểu thuyết võ hiệp cựu phái đầu thập niên 1930, nhà phê bình văn học Trần Mặc đặt câu hỏi: “Phải chăng khi đối mặt với pháo hạm và đại bác phương Tây, chúng ta xấu hổ yếm thế, đành tự ru ngủ với giấc mộng quyền cước đệ nhất của tổ tiên?”.
Tam sinh tam thế thập lý đào hoa xây dựng thế giới tưởng tượng của Thiên tộc - Hồ tộc - Cửu Vỹ Bạch Hồ tộc. Ảnh: Sina. |
Cũng có thể lý giải về làn sóng tiểu thuyết tiên hiệp rằng trong xã hội Trung Quốc hiện đại, những sức ép trong cuộc sống, công việc và học hành là rất lớn, do đó mọi người có nhu cầu “thoát ly thực tế”, đưa bản thân vào một thế giới tưởng tượng đầy kỳ ảo. Mà tiểu thuyết võ hiệp đã dần hết thời, không còn thực hiện được chức năng này nữa.
Kể từ sau khi Kim Dung hoàn tất bộ Lộc Đỉnh Ký và rửa tay gác bút, hai danh gia Cổ Long và Lương Vũ Sinh đều không sáng tạo thêm được một tác phẩm nào đáng được liệt vào hàng xuất sắc. Sau đó, Ôn Thụy An trở thành “chưởng môn kế nhiệm” và cũng đã có nhiều thử nghiệm, sáng tạo mới. Tuy nhiên, càng ngày tiểu thuyết võ hiệp càng thoái trào, không còn tạo ra được sức hút cần thiết với độc giả.
Độc giả Hoa ngữ cần một thể loại mới để thỏa mãn nhu cầu “thoát ly thực tế”. Và tiểu thuyết tiên hiệp lên ngôi. Cũng phải thấy rằng các tác giả thuộc thế hệ 8X, 9X phải tìm kiếm mảnh đất mới để khai phá thay vì tiếp tục theo chân các bậc cha chú viết tiểu thuyết võ hiệp.
Và đối với độc giả bình dân, thế giới tiên hiệp của Thanh Vân Môn - Thiên Âm Tự - Phần Hương Cốc (Tru Tiên) hay Thiên tộc - Hồ tộc - Cửu Vỹ Bạch Hồ tộc (Tam sinh tam thế thập lý đào hoa) kỳ ảo hơn, giàu trí tưởng tượng hơn so với chốn giang hồ võ hiệp.
Các hiệp khách của Kim Dung, Lương Vũ Sinh và Cổ Long chỉ có võ nghệ hơn người, còn tiên hiệp bất tử, có sức mạnh vô song, đủ sức xoay chuyển càn khôn.
Thực tế là nhu cầu “thoát ly thực tế” không chỉ giới hạn ở độc giả Hoa ngữ. Truyện tranh siêu anh hùng Mỹ với các nhân vật có sức mạnh siêu nhiên - thậm chí ở tầm vũ trụ - có sức sống bền bỉ trong suốt hàng chục năm qua.
Sự phục hưng của phim siêu anh hùng tại Mỹ - khởi đầu từ Blade (Thợ săn ma cà rồng) năm 1998 - vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí Vũ trụ Điện ảnh Marvel và DC Comics đang ngày càng mở rộng với các bom tấn hàng trăm triệu USD.
Nghi án copy
Khác với tiểu thuyết tiên hiệp và võ hiệp cổ điển, truyện tiên hiệp từ sau những năm 2000 xuất hiện ồ ạt trên các kho truyện online. Đây là môi trường vô cùng thuận lợi cho các tác giả 8X, 9X tha hồ đua sức tưởng tượng. Giai đoạn này được gọi là “tiên hiệp tu chân” (tu chân nghĩa là quá trình tập luyện gian khổ, tu hành để trở thành tiên).
Hoa Thiên Cốt cũng dính nghi án đạo văn như nhiều tác phẩm tiên hiệp khác. Ảnh: Sina. |
Tiểu thuyết tiên hiệp tình tiết gay cấn, xây dựng thế giới huyền diệu, và đặc biệt thường chứa đựng yếu tố ngôn tình (như Tam sinh tam thế hay Hoa Thiên Cốt), do đó có tính chất giải trí cao, thích hợp với văn hóa đọc online.
Tiểu thuyết võ hiệp ở Trung Quốc từng bị xếp vào hàng “tục văn học” (văn học bình dân), thấp hơn “nhã văn học” (văn học bác học). Và tiểu thuyết tiên hiệp cũng vậy, có khi còn bình dân hơn cả tiểu thuyết võ hiệp.
Trên môi trường online, các tác giả tiểu thuyết tiên hiệp viết khá tùy hứng. Trong một buổi phỏng vấn với đài truyền hình Hồ Nam, tác giả 8X Fresh Quả Quả cho biết cô viết Hoa Thiên Cốt khi đang học năm cuối Đại học Truyền Thông Trung Quốc. Cô quả thừa nhận rằng mình viết chủ yếu dựa vào cảm hứng sáng tạo và thậm chí không cần bất kỳ một đề cương cụ thể khi chấp bút.
Có lẽ vì thế tiểu thuyết tiên hiệp không được đánh giá cao về giá trị văn học, chủ yếu chỉ mang tính chất giải trí. Tác phẩm tiên hiệp tiêu biểu Tru Tiên từng bị chỉ trích là “lấy cảm hứng thái quá” từ Tiếu ngạo giang hồ ký của Kim Dung.
Chuyện Trương Tiểu Phàm khổ luyến sư tỷ Điền Linh Nhi chẳng khác nào câu chuyện giữa Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San. Còn Bích Dao, ái nữ của Quỷ Vương tông chủ Ma Giáo, là hóa thân của "thánh cô" Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Doanh Doanh.
Tiêu Đỉnh không chỉ chịu ảnh hưởng của Kim Dung mà còn của cả Cổ Long. Trương Tiểu Phàm sau khi trở thành Quỷ Lệ thì tính cách, ứng xử không khác mấy so với những lãng tử mặt lạnh tim nóng của Cổ Long. Còn Chu Nhất Tiên và cháu gái Tiểu Hoàn là sự sao chép hai nhân vật Thiên Cơ lão nhân và cháu gái Tôn Tiểu Hồng của Đa tình kiếm khách vô tình kiếm.
Trong khi đó, Hoa Thiên Cốt bị tố là sao chép hàng loạt tác phẩm khác nhau, giống một nồi lẩu thập cẩm. Tam sinh tam thế thập lý đào hoa của Đường Thất Công Tử cũng vậy, cũng bị cáo buộc copy từ cuốn Nợ đào hoa của tác giả Đại Phong Quát Quá.
Đạo văn vốn có truyền thống từ tiểu thuyết võ hiệp, hàng trăm tác giả từng nhặt nhạnh ý tưởng, lời văn của Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh… Có lẽ tiểu thuyết tiên hiệp Trung Quốc cũng là sự nối dài “truyền thống” này.
Cơn sốt truyện tiên hiệp hiện không chỉ ở dừng lại ở Trung Quốc mà lan rộng ra khắp các nước trong khu vực. Tru Tiên được in tại Việt Nam và bản dịch tiếng Việt nhiều tác phẩm tiên hiệp cũng xuất hiện trên các trang mạng.
Năm 2015 được đánh giá là năm bùng nổ các tác phẩm tiên hiệp trên các trang mạng Bắc Mỹ. Các bản dịch tiếng Anh xuất hiện ồ ạt trên các trang mạng truyện online của cộng đồng Hoa Kiều và những người phương Tây học tiếng Hoa.
Theo tờ Tin Nhanh Thành Phố, chỉ tính riêng một website văn học Trung Quốc chuyển ngữ tại Bắc Mỹ, tổng lượt view từ đầu năm 2015 đến tháng 3/2016 đã lên đến 500 triệu lượt. Trong đó, truyện tiên hiệp và truyện thuộc thể loại thần thoại chiếm hơn 50%, theo sau đó là ngôn tình và kiếm hiệp.
Cộng đồng Hoa kiều sống tại nước ngoài và những người phương tây học tiếng Hoa là nhân tố giúp cho số lượng các tác phẩm tiên hiệp chuyển ngữ nói riêng và văn học Trung Quốc nói chung trở nên phổ biến ở phương Tây.