Bài học "Hai Bà Trưng là các vị anh hùng giữ nước đầu tiên" là điều người Việt xưa nay đã nằm lòng. Trong giáo dục nhà trường, không phải đợi đến chương trình học lịch sử bắt đầu từ lớp 4, bài đọc về hai vị nữ anh hùng này xuất hiện từ những trang đầu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3.
Bìa tiểu thuyết Trống đồng là phác họa Hai Bà Trưng với nét vẽ hiện đại, cùng biểu tượng mặt trống đồng truyền thống do họa sĩ Xuan Loc Xuan thực hiện. Ảnh: O.P. |
Theo GS Trần Viết Ngạc, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã tạo được nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho hậu thế, tạo ra những bài tuồng được lưu truyền đến ngày hôm nay. Một bài viết trên website Đại học Hoa Sen dẫn các trường hợp tiêu biểu: Huỳnh Thúc Kháng viết tuồng Trưng Nữ Vương bình ngũ lãnh ở Côn Đảo cho bạn tù diễn trong sân nhà tù ngày Tết (1910), trong đó Phan Châu Trinh đóng vai Thi Sách, Phan Bội Châu sáng tác tuồng Trưng Nữ Vương ở Bản Thầm, Xiêm (1911) và Nguyễn An Ninh viết tuồng Hai Bà Trưng (1928).
Tuy nhiên, với độc giả phổ thông, không đào sâu nghiên cứu lịch sử thì những thông tin cụ thể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vẫn còn tương đối hạn hẹp.
Vậy nên tiểu thuyết Trống đồng (tựa tiếng Anh: Bronze Drum) của Phong Nguyen là "cuộc phiêu lưu lịch sử hấp dẫn" đưa người đọc hòa mình vào Việt Nam thời cổ đại dựa trên câu chuyện lịch sử về hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị, với trọng tâm là cuộc nổi dậy nhằm lật đổ ách cai trị của nhà Hán.
Các nhân vật trong sách không đơn thuần là những cái tên xa lạ vọng từ lịch sử, mà trở nên thân thuộc, đời thường và sống động hơn. Tác giả tập trung khắc họa tính cách, đời sống tinh thần, hoạt động thường ngày của họ như: người chị Trưng Trắc khôn ngoan và luôn giữ gìn khuôn phép, chú trọng việc học hỏi và trau dồi binh pháp còn em gái Trưng Nhị lại quyết liệt và phóng khoáng, thích rong chơi, giao du với nhiều tầng lớp xã hội bên ngoài Cung điện Mê Linh.
Câu chuyện cũng mô tả ách áp bức của nhà Hán với sưu thuế và các luật tục khắt khe trong hôn nhân và sinh hoạt của người dân Lạc Việt. Lòng căm thù của Trưng Trắc - Trưng Nhị lên đến đỉnh điểm khi Thái thú Tô Định của nhà Hán xuống tay chém đầu Lạc tướng Mê Linh cùng Thi Sách - chồng của Trưng Trắc và thảm sát gia nhân của Cung điện Mê Linh.
Phẫn uất, Hai Bà đứng lên kêu gọi phụ nữ khắp Lạc Việt thành lập đạo nữ binh mạnh mẽ nổi dậy chống lại quan quân nhà Hán. Chiến thắng của cuộc khởi nghĩa đã mở ra thời kỳ tự do và độc lập cho dân tộc. Binh pháp trong cuộc chiến được mô tả qua những đoạn văn giàu hình ảnh.
Tác phẩm có góc nhìn đa chiều, không chỉ từ điểm nhìn quen thuộc với người Việt Nam xoay quanh đời sống của Hai Bà Trưng cùng quá trình khởi nghĩa của họ mà cả điểm nhìn mới mẻ về “đội quân phía bên kia”, trong đó khắc họa rõ chân dung của tướng Mã Viện với đời sống tinh thần riêng.
Trống đồng nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng độc giả quốc tế. Năm 2022, The Washington Post đưa Trống đồng vào danh sách 12 tác phẩm cần đọc để “đi qua mùa hè”. Theo NPR, đây là câu chuyện vừa quen thuộc vừa mới mẻ, đưa những người phụ nữ anh hùng trong sử sách ra khỏi truyền thuyết lịch sử khô khan, đồng thời đề cao tinh thần độc lập dân tộc, giúp bạn đọc thế giới biết nhiều hơn về giai đoạn lịch sử xa xưa của Việt Nam - một chủ đề không nhiều tài liệu tiếng Anh đề cập đến.
Phong Nguyen là thế hệ nhà văn gốc Việt trong văn giới Mỹ. Ông cùng Ocean Vuong, Viet Thanh Nguyen, Nguyễn Phan Quế Mai... đang góp phần đưa văn hóa Việt đến với đông đảo bạn đọc quốc tế hơn với ngôn ngữ sáng tác là tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt.
Ông chia sẻ mình viết cuốn sách này vì thuở bé, câu chuyện về Hai Bà Trưng mang lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc và ông muốn chia sẻ câu chuyện này đến nhiều người hơn trên thế giới, vì hình tượng về những người phụ nữ mạnh mẽ, nắm trong tay quyền lực còn khá lạ lẫm, đặc biệt là ở Việt Nam xưa.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.