“Cuộc chiến” giữa Trung tâm Thương mại Đại Quang Minh (chợ Đại Quang Minh) chuyên kinh doanh nguyên phụ liệu dệt may và tiểu thương vẫn chưa có hồi kết. Việc “chủ chợ” là công ty Satraseco thông báo tăng giá thuê sạp từ 50-120% hồi cuối tháng 3 vấp phải nhiều phản đối của tiểu thương. Cả hai không tìm được tiếng nói chung dù đã có buổi gặp gỡ, thương lượng trước đó.
Chia sẻ với Zing, chị P.T, một tiểu thương tại chợ cho biết căng thẳng tiếp tục tăng khi 50 sạp tại chợ mới đây đã bị cúp điện nên không thể kinh doanh. Từ ngày 5/7, công ty Satraseco đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê và thu hồi sạp của tất cả tiểu thương không chịu ký hợp đồng mới.
Tiểu thương phản đối công ty Satraseco cắt điện, can thiệp vào việc kinh doanh. Ảnh: NVCC. |
Các tiểu thương khẳng định hành động của Satraseco là “cướp trắng quầy sạp được mua và gây dựng hơn 30 năm của tiểu thương”.
Theo các tiểu thương chợ Đại Quang Minh, trước đây (thời điểm 1990-1991), để có một sạp kinh doanh rộng 4 m2, họ đã phải góp cả chục cây vàng. Đến năm 2005, tiền cơ sở vật chất phải đóng là 100 triệu đồng (tương đương 12 cây vàng).
Trước đó vào cuối tháng 3, Satraseco đã gửi thông báo tăng 50-120% giá thuê sạp. Việc tăng giá chia thành 2 giai đoạn là 6 tháng cuối năm và đầu năm 2023. Ngoài ra, công ty còn yêu cầu tiểu thương đặt cọc 3 tháng tiền ký quỹ (tiền cọc). Nếu không thực hiện theo thông báo trên, sau ngày 31/5, công ty sẽ thu lại mặt bằng.
Sau nhiều lần treo biển phản đối, cùng sự can thiệp của UBND phường 14, quận 5, Satraseco chỉ đồng ý giãn thời hạn tăng giá thuê sạp chứ không giảm giá. Cụ thể, thời hạn hợp đồng thuê là 2 năm (so với thông báo hợp đồng có thời hạn là 1 năm). Giá cho thuê quầy căn cứ vào tình hình thị trường, công ty giãn thời hạn tăng giá 1 năm một lần (thay vì tăng giá là 6 tháng một lần). Như vậy, việc điều chỉnh tăng giá được thực hiện trong 2 năm. Năm đầu tăng bình quân 50%, năm thứ hai bình quân 50%. Tiền đặt cọc là 2 tháng tiền thuê (so với 3 tháng theo thông báo lần đầu).
Tuy nhiên, tiểu thương chợ Đại Quang Minh vẫn muốn giữ nguyên tiền thuê quầy đến ngày 31/12; thời hạn hợp đồng thuê có giá trị ít nhất 2 năm để ổn định kinh doanh, chu kỳ tăng 2 năm một lần và mỗi lần tăng không quá 10%.
Chia sẻ với Zing, đại diện của Satraseco cho biết việc cắt điện và các tiện ích khác là biện pháp hợp pháp để công ty thu hồi tài sản.
"Đơn vị đã đề nghị ký hợp đồng thuê sạp mới với tiểu thương từ nhiều tháng qua, và hợp đồng cũ đã hết hạn từ 30/6, nhưng trong 138 quầy thì hiện mới chỉ có hơn 20 quầy ký hợp đồng mới. Là chủ sở hữu chợ Đại Quang Minh, chúng tôi có quyền chấm dứt hợp đồng với trường hợp vi phạm, thiếu thiện chí”.
Công ty này cũng đã gửi đơn lên các cấp chính quyền để nhận được sự hỗ trợ giúp thu hồi lại tài sản.
Trao đổi về vụ việc này, ông Võ Thành Tới, Chủ tịch UBND phường 14, quận 5 cho rằng Công ty Satraseco đã cổ phần hóa, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên phường chỉ đứng ra mời đại diện doanh nghiệp đến làm việc 3 lần và tiếp xúc với đại diện tiểu thương 2 lần.
"Quan điểm của phường đây là mối quan hệ dân sự, nên chúng tôi chỉ là cầu nối để công ty và tiểu thương thỏa thuận các nội dung hợp đồng, từ đó có tiếng nói chung", ông Tới nói.