Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiểu thương chợ Bình Điền lao đao vì giá lợn tăng vọt

Nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết giá lợn tăng ngày càng gây sức ép về chi phí. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng giảm cầu khi giá lợn tăng cao.

2h sáng, chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM) tấp nập kẻ mua người bán. Đây là 1 trong 2 khu chợ đầu mối lớn nhất TP về thịt lợn, với khoảng 20 đại lý bán thịt nguyên con và hàng chục tiểu thương bán thịt mảnh trong khu nhà lồng H.

Mỗi ngày, chợ tiêu thụ trung bình khoảng 1.800-2.000 con lợn.

100 hay 200 con đều bán hết nhưng lời ăn lỗ chịu

Lợn nhiễm bệnh, khả năng tái đàn kém nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây dần ít hàng bán cho anh Bụng, một tiểu thương tại chợ Bình Điền. Hiện tại, hầu hết số thịt lợn mà thương lái này bỏ mối cho đại lý tại chợ Bình Điền đều được mua từ trang trại của một doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

"Thiếu nguồn cung chất lượng nên họ hét giá bao nhiêu tôi cũng chịu. Hôm nào bán lại được với giá cao thì còn lời kha khá, chứ chợ ế, tiểu thương kì kèo, tôi phải hạ giá để tránh ôm hàng", anh Bụng chia sẻ. 

thieu thit lon anh 1
Mỗi ngày, các đại lý có thể bán hơn 200 con lợn, nhưng hiện có những ngày không có đủ 100 con lợn để bán. Ảnh: Lan Anh

Kể về số lợn được vận chuyển đến chợ đầu mối đêm 20, rạng sáng 21/11, anh cho biết nhập từ trang trại với giá 72.000 đồng/kg, cộng chi phí vận chuyển, cầu đường, nhân công... lên đến ít nhất 75.000 đồng/kg.

Lượng lợn này sau đó được đại lý bán cho tiểu thương với giá 85.000 đồng/kg. Mức chênh lệch về tay anh Bụng, sau khi trừ đi chi phí 800 đồng/kg anh trả cho đại lý. 

Tuy nhiên, theo lời kể của anh, tình hình buôn bán vài tháng trở lại đây gặp nhiều bấp bênh theo biến động thị trường. "Có giai đoạn nhiều ngày liên tiếp đều chịu lỗ hoặc lãi rất thấp", anh chia sẻ. 

Cùng quan điểm này, ông Hà, chủ một đại lý cho biết nếu buôn bán tốt thì khoảng 6-7h sáng sẽ hết hàng, nhưng nhiều ngày gần đây phải canh sạp từ 23h30 đến khoảng 9-10h sáng hôm sau. 

Mỗi ngày, các thương lái và đại lý này bán khoảng 200 con lợn. Nhưng trong bối cảnh thiếu hụt hiện nay, có những ngày họ gom được chưa đầy 100 con. Dù ít hay nhiều đến đâu, họ khẳng định đều bán được hết vì nhu cầu cho loại thực phẩm này rất lớn. Vấn đề duy nhất với thương lái là "lời ăn lỗ chịu". 

Tăng 1.000 đồng/kg cũng đủ gây sức ép

Trong khi đó, về phía tiểu thương, giá tăng gây sức ép chi phí. Rạng sáng 21/11, khoảng 1.980 con lợn được bán tại chợ đầu mối Bình Điền với giá trung bình 87.000-90.000 đồng/kg. Cách đó vài ngày, mức giá cao nhất chỉ 85.000 đồng.

Xét một con lợn trưởng thành nặng trung bình 100 kg, cứ mỗi 1.000 đồng tăng giá sẽ làm tăng 100.000 đồng chi phí nhập về cho tiểu thương. 

Anh Trung, một tiểu thương đã buôn bán nhiều năm tại TP.HCM, cho biết: "Gần đây tôi chủ yếu bán hàng cho các xí nghiệp chế biến thực phẩm hoặc phục vụ suất ăn cho nhân viên, bởi nhu cầu ổn định. Hiện tại khách lẻ ngày càng ít lại, phần vì xu hướng ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn, phần vì e ngại dịch bệnh".  

Mỗi ngày, anh nhập khoảng 15 con lợn từ chợ đầu mối. Đà tăng giá thịt lợn thời gian qua khiến anh cẩn trọng hơn khi lựa chọn từng con lợn, nhằm đảm bảo chất lượng cao, không rớt giá khi bán lại sau này. 

thieu thit lon anh 2
Tiểu thương cẩn thận chọn lựa từng con lợn. Ảnh: Lan Anh

Chia sẻ với Zing.vn, chủ một đại lý cho biết gặp nhiều áp lực khi bị kẹp giữa thương lái và tiểu thương: "Giá là do thương lái quyết định, lợn càng tốt giá càng cao; nhưng tiểu thương khi đến mua chỉ muốn trả giá thấp nhất có thể. Tôi chỉ hưởng phí đại lý nhưng phải cố gắng làm ổn thỏa cả hai bên". 

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có hay không việc thương lái cố tình đẩy giá thời gian qua, người này khẳng định có thể nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu, theo ông, là sự thiếu hụt nguồn cung, bởi thương lái hiện gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm và thu mua thịt lợn. 

Trước đó, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng khẳng định giá thịt lợn đang vận động theo cung - cầu thị trường, phù hợp với xu hướng của thế giới và giá bán hiện nay đã được kiềm hãm khá tốt.

Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu thịt lợn trên cả nước khoảng trên 600.000 tấn. Với thống kê tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu hiện nay, tổng cung đạt hơn 400.000 tấn, tức thiếu hụt hơn 200.000 tấn. 

Do đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT dự đoán cung - cầu từng tháng từ nay đến Tết Nguyên đán và nhanh chóng công bố tình trạng và giải pháp bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày.

Chạm mốc 200.000 đồng/kg, giá thịt lợn sẽ đắt hơn thịt bò?

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định giá thịt lợn sẽ tiếp tục leo thang theo xu hướng của thị trường thế giới bởi sự thiếu hụt nguồn cung.

Bán thịt quê, rau sạch kiếm chục triệu mỗi tháng

Những lo lắng của người dân về vấn đề vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thành phố đang khiến thị trường nở rộ trào lưu kinh doanh thịt quê, rau sạch.



Lan Anh

Bạn có thể quan tâm