Bước vào chợ Bến Thành từ cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu), chúng tôi gặp đầu tiên là một nam tiểu thương đang thuyết phục du khách mua hàng. Dù anh nói tiếng “bồi” nhưng chúng tôi có thể dịch nghĩa ra tiếng Việt như sau:
Tiểu thương: Tôi biết là anh muốn mua thêm một chiếc nữa. Nếu anh không muốn mua nữa thì đừng hỏi giá.
Vị khách: Vâng, vâng…
Tiểu thương thuyết phục du khách mua hàng.
|
Tiểu thương: Nếu anh muốn mua thêm chiếc nữa thì nói cho tôi biết, anh mua được với giá nào? Lúc trước tôi nói với anh giá là 2 triệu đồng, giờ anh muốn mua thêm chiếc nữa, vậy anh có thể mua với giá bao nhiêu?
Ở gian hàng bên cạnh, một tiểu thương khác đang mời du khách mua bật lửa có xuất xứ từ Hà Nội.
Khách: Chiếc này có chữ Hà Nội, Việt Nam.
Tiểu thương: Đây là món đồ xuất xứ từ Thủ đô Hà Nội.
Tiểu thương: Để tôi tính cho chị giá của chiếc bật lửa này.
Khách: Nó có sử dụng được không vậy?
Tiểu thương: Có chứ.
Khách: Nhưng tôi sợ không được mang lên máy bay…
Vừa mời khách mua hàng, Thu Uyên – 20 tuổi, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, cho biết trước đây Uyên không giao tiếp được tiếng Anh, sau 6 tháng làm thêm ở chợ, em đã mạnh dạn và trao đổi với khách hàng hằng ngày.
Sau 6 tháng làm thêm ở chợ Thu Uyên đã nói tiếng Anh thành thạo.
|
“Ngày đầu đi làm, nghe các anh chị khác nói chuyện, giới thiệu hàng hóa cho khách em rất ngại vì mình không nói được. Qua vài tháng làm thêm đến bây giờ em có thể giao tiếp được với người nước ngoài thành thạo”, Uyên bật mí và cho biết, trong các ngoại ngữ, tiếng Anh thành thạo nhất, các thứ tiếng khác có biết “sơ” do nghe khách giao tiếp.
Cách học ngoại ngữ của Uyên là nghe tới đâu học tới đấy. Học ở chợ là chính vì ở trung tâm rất đắt tiền. “Em không có 20-30 triệu để học một khóa ngoại ngữ ở trung tâm nên học bằng cách này cho rẻ”, Uyên chia sẻ.
Có thể nói, gần 100% tiểu thương ở chợ Bến Thành đều giao tiếp được tiếng Anh, thậm chí có người nói được hai đến ba thứ tiếng khác như tiếng Pháp, Trung Quốc. Theo họ, nếu không giao tiếp được ngoại ngữ thì rất khó để bán hàng. Sử dụng ngoại ngữ đã trở thành thói quen trong công việc hằng ngày.
“Chúng tôi không học ngoại ngữ qua trường lớp nhưng tiếp xúc với du khách hàng ngày nên đều nói được. Đây là công việc phải làm, không phải học mà trở thành thói quen hằng ngày”, một tiểu thương cho biết.
Với các tiểu thương ở chợ nói tiếng Anh trở thành thói quen hằng ngày.
|
Theo chị dù nói tiếng “bồi”, nhưng học tiếng Anh không khó nếu kiên trì và lắng nghe sẽ nhanh chóng thành thạo. Tiểu thương này cho rằng “học tiếng Anh cũng như tiếng Việt, ban đầu khó khăn vì ngượng, khi chưa quen học từng từ ngữ, quen rồi có thể học từng câu và giao tiếp bình thường”.
Một tiểu thương khác thì bộc bạch, có thể chị là người nói kém nhất vì chỉ nói được giá cả, giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Anh.
“Hàng của tôi dành cho người Việt nên khách nước ngoài rất ít. Nhưng nếu có khách mua tôi cũng giới thiệu được giá cả, sản phẩm. Tôi không quảng cáo, thuyết trình được như các tiểu thương khác”, chị nói.
Chị cũng cho biết thêm, so với tiểu thương lớn tuổi, những tiểu thương nhỏ tuổi giao tiếp ngoại ngữ rất “sõi”. Nhiều tiểu thương còn nói được hai đến ba thứ tiếng, nhưng đa số du khách đều dùng tiếng Anh nên tiểu thương cũng thành thạo tiếng Anh.