Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tiểu thiên đường' nguyên sơ của bộ tộc Cil ở Việt Nam

Họ sống trên cung đường nối giữa xứ biển và hoa, trên độ cao 1.500 m so với mặt nước biển, dưới những cánh rừng bất tận thâm u quanh năm mây mù, không gian lúc nào cũng mát lạnh.

Thiên đường của kỳ hoa dị thảo

Cách Đà Lạt ngoài 40 km và cách thành phố biển Nha Trang 80 km, bộ tộc Cil mà chúng tôi đề cập sống ở xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Từ tháng 4/2007 trở về trước, khi con đường tỉnh lộ 723 với tổng  số vốn đầu tư 703 tỷ đồng nối xứ biển (Nha Trang) và xứ hoa (Đà Lạt) dài 120 km chưa nên hình hài, người Cil ở Đa Chais sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Chỉ đến khi con đường nối biển và hoa được khơi mở và thông tuyến, vùng đất xinh tươi, bí hiểm của người Cil mới được hé lộ, dần trở thành tâm điểm dừng chân của nhiều đoàn lữ hành cùng khách nhàn du mê khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp miền sơn cước.

Rời Nha Trang đến Đa Chais bằng xe gắn máy, đi trên con đường được chẻ xuyên qua những trái núi khổng lồ, khi đến khu vực giáp ranh địa giới hành chính 2 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng, tôi mới cảm nhận được những đường nét diễm lệ của Đa Chais.

Những dấu lặng về những phận người khốn khó nơi “tiểu thiên đường”.
Những dấu lặng về những phận người khốn khó nơi “tiểu thiên đường”.

Chị Cil K’Đến, Bí thư đoàn xã Đa Chais, một người con của tộc người Cil bộc bạch: "Nhờ là xã tận cùng của xứ ngàn thông ít bị người ta dòm ngó nên Đa Chais may mắn giữ được những đường nét, dáng vóc của một thuở nguyên sơ. Thế nên mọi thứ ở Đa Chais, từ con người, cảnh vật đến khí trời, cả thảy đều… thuần khiết. Thuần khiết một cách tuyệt đối".

Nói đến vẻ đẹp của “tiểu thiên đường” Đa Chais, sẽ là thiếu sót nếu quên nhắc đến các loài kỳ hoa dị thảo cùng thú quý hiếm mà chỉ núi thiêng Bidoup mới có: “Những gì bạn thấy chỉ là hình ảnh bên ngoài thôi. Càng vào sâu trong vùng lõi của Đa Chais, bạn sẽ càng choáng ngợp trước nhiều loài động thực vật xinh đẹp ngoài sức tưởng tượng. Rừng Bidoup ở Đa Chais mình có nhiều danh mộc quý như pơmu, cây gió bầu (cho trầm hương, kỳ nam), quế, hồi, cung nữ Langbian, thông hai lá dẹt (cùng thời với khủng long). Về động vật có các loài hiếm và đặc hữu như họa mi Langbian, sẻ thông họng vàng, vượn đen má vàng, khướu đầu đen...” - chị K’Đến, trò chuyện.

Vùng đất của những anh hùng…

Nhắc đến Đa Chais là nhắc đến một tộc người anh hùng với sức mạnh nội lực và thể chất đến phi thường. 48 giờ ở Đa Chais, đi qua các buôn làng, tôi bắt gặp nhiều cụ ông cụ bà tuổi ngoài 70-80, dáng người nhỏ choắt nhưng thản nhiên gùi sau lưng những gùi củi cao hơn thân mình. Tôi cũng gặp những cụ ông, cụ bà, cùng những đứa trẻ người Cil đi lại thoăn thoắt trên những triền núi nhấp nhô, “thân thủ” nhẹ nhàng, linh hoạt khi luồn qua những lùm bụi, cội rễ um tùm, chằng chịt.

Và tôi cũng gặp biết bao người Cil gùi nông sản do họ trồng được như bắp, mì, lúa rẫy, cà phê nặng hàng chục ký lô đi hàng cây số mà gương mặt vẫn điềm nhiên. Chính sức mạnh nội lực thiên thiên này cùng với tính can trường đã đưa người Cil trở thành một tộc người anh hùng giữa núi rừng Bidoup.

“Trước năm 1960, người Cil sống ở các buôn Đạ Tro (Dà Tro), Đưng T’Pó và Đồng Mang. Ngày đó người Cil cư trú trong vài mươi nóc nhà, dân làng chỉ hơn 300 người. Hồi đó Đa Chais là vùng trắng, sự kìm kẹp của bộ máy tề ngụy. Về sau Đa Chais được giải phóng và trở thành vùng căn cứ ác liệt, địch nhiều lần càn quét, khủng bố nhưng bà con vẫn một lòng theo cách mạng.

Anh Ha Quyen, Chủ tịch UBND xã Đa Chais cho biết, sau năm 1975, vì tinh thần quật khởi, kiên cường, không nao núng, lùi bước trước những gian nguy do kẻ thù gây ra và vì những thành tích chống càn - diệt giặc mà Đa Chais được phong là Xã Anh hùng.

Thời kỳ vùng đông bắc Lạc Dương và thị xã Đà Lạt thiếu muối trầm trọng, căn cứ Đa Chais đã tổ chức, động viên một bộ phận bao gồm những người lao động khỏe vượt hàng trăm cây số đường rừng xuống tận vùng biển Vĩnh Hy - Ninh Thuận lấy muối mang về vừa phục vụ nhân dân, vừa cung cấp cho lực lượng của tỉnh, của huyện đóng trên địa bàn xã căn cứ: “Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thời kỳ từ giữa năm 1975 đến năm 1987, Đa Chais là xã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề Fulrô, lực lượng dân quân tham gia truy quét hàng chục đợt, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên, nhân dân tự giác kêu gọi, vận động bọn phản động Fulrô trở về trình diện với chính quyền cách mạng. Đạ Chais là một trong những xã giải quyết vấn đề Fulrô tốt nhất và sớm nhất của tỉnh Lâm Đồng, những thành tích đó Đa Chais đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai”.

Bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ.
Bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ.

Còn đó những ưu tư!

Bên cạnh câu chuyện về một “tiểu thiên đường” với những anh hùng thời chiến đan xen cùng những luật tục kỳ thú mà nổi bật là tục sơn nữ Cil trả trâu trả bò để “bắt” được người chồng ưng ý..., tôi chạnh lòng khi được Chủ tịch xã Ha Quyen trầm giọng chia sẻ tuy có những đổi thay, tuy hệ thống điện đường trường trạm phủ sóng khắp buôn làng và tuy sống trên “mỏ vàng” Yàng Bic Dùp với nhiều lâm sản, thổ sản quý nhưng người Cil vẫn còn rất nghèo. Đa Chais là xã nghèo còn phải thụ hưởng chính sách 135 của chính phủ dành cho những xã đặc biệt khó khăn.

Ông chủ tịch xã ưu tư cho biết nhiều năm rồi, việc phát triển kinh tế theo hướng căn cơ cho người dân luôn mãi là bài toán nan giải do diện tích trồng trọt vì nằm trong phạm vi vườn quốc gia nên hạn hẹp, không thể mở rộng được. Sinh kế chính của nhiều bà con là nuôi bò và thu hái thảo dược bán cho con buôn. Nhưng thảo dược thì bị con buôn ép giá, còn đàn bò vừa qua trải qua trận đại dịch lở mồm long móng “chết mấy chục con”, con buôn nhân đó đục nước béo cò, phao tin sớm muộn gì đàn bò cũng sẽ chết hết vì dịch nên bà con sợ bán tống bán tháo bò nuôi với giá chỉ bằng phân nửa giá trị thực, điều đó càng khiến đàn bò của xã thêm kiệt quệ, từ “mấy trăm con giờ chỉ còn vài mươi con” – Chủ tịch xã Ha Quyen, thở dài trò chuyện.

Toàn xã Đa Chais hiện có 371 hộ dân, trong đó có 69 hộ nghèo và 54 hộ cận nghèo. Nếu tính sát, số hộ nghèo ở Đa Chais còn đến gần phân nửa số hộ dân. Đây quả là con số buồn lòng.

Tôi rời Đa Chais khi bên tai văng vẳng chia sẻ đong đầy nỗi niềm của Chủ tịch xã Ha Quyen rằng mục tiêu của xã từ nay đến cuối năm là tập trung mọi nguồn lực để gây dựng lại đàn bò. Hỏi khi đàn bò được phục hồi thì Đa Chais có thoát được nghèo thì anh thoáng lộ nét ưu tư. Xem ra cuộc chiến chống cái nghèo ở Đa Chais còn diễn tiến dài dài và đó chính là gam màu tối khó gột rửa ở vùng đất được mệnh danh “tiêu thiên đường” này.

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2014/8/83671.cand

Theo Bích Kiều/An Ninh Thế Giới

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm