Thanh tra hàng không vừa phải ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành khách có hành vi rất phản cảm là tiểu bậy và cho con tiểu bậy trên máy bay (thực chất là tiểu vào túi nôn). Ngay cả các tiếp viên hàng không có thâm niên hàng chục năm đi bay, nay trở thành giáo viên giảng dạy cũng không lường trước được những tình huống oái oăm này.
Lớn, bé đều tiểu vào túi nôn
Vụ việc gây ầm ĩ trên báo chí trong và ngoài nước là việc ca sĩ Lệ Quyên cùng chồng cho con đi tiểu vào túi nôn trên chuyến bay VN240 của Vietnam Airlines, hành trình TP HCM - Hà Nội ngày 16/7.
Khi máy bay đang giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh, tiếp viên thông báo hạn chế sử dụng nhà vệ sinh (tức là vẫn được sử dụng nếu có nhu cầu) nhưng ca sĩ Lệ Quyên, có ghế ngồi 11B vẫn cho con trai (4 tuổi) đi tiểu vào túi nôn được trang bị trên máy bay. Vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên đã bị phạt mỗi người 4 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm trật tự, kỷ luật trong máy bay.
Trước đó, vào ngày 11/7, nhiều hành khách đi trên chuyến bay VJ625 của hãng hàng không Vietjet từ Đà Nẵng đến TP HCM đã vô cùng bức xúc khi phải chứng kiến cảnh một nam hành khách 53 tuổi tè vào túi nôn ngay tại chỗ ngồi.
Vụ ca sĩ cho con tè vào túi nôn trên máy bay đã làm dậy sóng cộng đồng mạng thời gian qua, thậm chí còn xuất hiện trên Yahoo của Mỹ, trên tờ Daily Mail của Anh. |
Theo tường trình của tiếp viên, khi máy bay vừa chạm đất, còn đang chạy rất nhanh thì hành khách có ghế ngồi ở hàng đầu tiên (1A) nói muốn vào toilet. Tiếp viên không đồng ý vì theo quy định, thời điểm này tất cả hành khách và phi hành đoàn phải thắt dây an toàn, không được rời khỏi ghế ngồi hay sử dụng toilet. Nếu cần, khách có thể sử dụng toilet sau khi máy bay đã dừng hẳn trong sân đỗ. Khách nói mình có bệnh, không nhịn tiểu được nữa.
Tiếp viên vẫn yêu cầu khách về chỗ ngồi, cài dây an toàn, nếu thực sự cần sử dụng toilet ít nhất cũng cần đợi máy bay ra khỏi đường băng, giảm tốc độ chạy vào đường lăn. Không những không tuân theo hướng dẫn, nam hành khách sinh năm 1962 gây rối rồi lấy túi nôn đi tiểu ngay tại chỗ, không thắt dây an toàn.
Một số hành khách khác ngồi phía sau rất phẫn nộ, bất chấp đèn hiệu thắt dây an toàn vẫn còn sáng, chạy lên hàng ghế đầu tiên để phản đối hành động mất lịch sự của ông khách 53 tuổi và còn quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng.
Nam hành khách này đã bị phạt tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi không tuân theo hướng dẫn của tiếp viên trên máy bay.
An toàn là tối thượng
Thông tin từ nhà chức trách hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết thái độ của hành khách trong 2 vụ việc nói trên rất khác nhau.
Trường hợp của ca sĩ Lệ Quyên, người tiểu bậy là trẻ con nhưng phạm lỗi lại là bố mẹ. Vì là trẻ con nên tiếp viên của chuyến bay đã không lập biên bản, chỉ nhắc nhở khách. Tuy nhiên sau khi đọc được thông tin trên báo chí và mạng xã hội, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu hãng hàng không và Cảng vụ Hàng không miền Nam báo cáo, lập hồ sơ vụ việc để xem xét, áp dụng xử phạt nếu cần thiết. Vì vậy 9 ngày sau, biên bản vụ việc mới được lập để làm căn cứ đưa ra quyết định xử phạt.
Theo tường trình của ca sĩ Lệ Quyên, cô đã cẩn thận lồng 2 chiếc túi nôn và còn lấy túi nilon đựng chăn để bọc bên ngoài cho nước tiểu của con không dây ra ngoài. Khi được mời đến cơ quan chức năng làm việc, Lệ Quyên cho biết bận đi biểu diễn ở các tỉnh phía nam nên cử người quản lý đến nộp bản tường trình. Được thông báo đích thân phải có mặt, 2 vợ chồng ca sĩ đã thu xếp đến ngay để làm việc với cơ quan chức năng và nộp phạt mỗi người 4 triệu đồng sau khi được giải thích đây là hành động vi phạm trật tự, kỷ lật trong máy bay.
Còn ở trường hợp người vi phạm là hành khách 53 tuổi, khách đã cố ý làm trái hướng dẫn của tiếp viên dù được yêu cầu nhiều lần. Khi làm việc với cơ quan chức năng, khách đã thông báo bị bệnh thận nhưng cũng không được “miễn trừ” nộp phạt vì đây là hành vi không tuân thủ hướng dẫn của tiếp viên, ngoài ra còn gây mất an toàn cho hành khách khác (một số khách tháo dây an toàn chạy đến tận nơi phản đối khách tiểu bậy) và rất phản cảm.
“Đi máy bay, giữ an toàn là vấn đề tối thượng, hành khách cần phải tuân thủ hướng dẫn của tiếp viên, lắng nghe hướng dẫn qua hệ thống phát thanh và đặc biệt phải chủ động trong các nhu cầu cá nhân, đặc biệt với khách là người già, đi cùng trẻ em” - một lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam nói.
Nguy hiểm nhất là khi máy bay cất/hạ cánh
Trả lời thắc mắc về việc tiếp viên hàng không có nên linh động cho khách là trẻ em, người già, người có bệnh được sử dụng toilet khi máy bay cất/hạ cánh hay không, bà Lê Nguyễn Hoàng Trinh, Trưởng Đoàn tiếp viên Jetstar Pacific, cho biết thời điểm 3 phút khi máy bay cất cánh và 8 phút khi máy bay hạ cánh là lúc rất nguy hiểm đối với một chuyến bay.
Vì máy bay có thể cất/hạ cánh hụt, phanh gấp do gặp chướng ngại vật. Do đó trong quy định của ngành hàng không, lúc này tất cả hành khách và phi hành đoàn ngồi trên ghế, thắt dây an toàn để đảm bảo tính mạng của mình, không bị va đập khi có sự cố.
Từng có một chuyến bay của hãng này đang chạy ra đường cất hạ cánh, bất ngờ gặp một con chó chạy lạc vào sân bay. Phi công phanh gấp để tránh con chó, hậu quả là một tiếp viên đang trong quá trình hướng dẫn quy chế sử dụng thiết bị an toàn cho khách bị lao người về phía trước, đập vào toilet gây thương tích.
“Để đảm bảo an toàn, an ninh cho chuyến bay thì không có cơ chế đặc biệt cho bất cứ hành khách nào. Trước khi hạ cánh sẽ có 3 giai đoạn phát thanh. Lần một thông báo giảm độ cao, yêu cầu khách tắt các thiết bị điện tử. Lần hai yêu cầu khách thắt dây an toàn, hạn chế sử dụng toilet (như thời điểm ca sĩ Lệ Quyên cho con tè vào túi nôn).
Lúc này khách có nhu cầu cá nhân phải chủ động đi giải quyết ngay. Lần 3 là thông báo khách không được đi lại, phải thắt dây an toàn và không được sử dụng toilet. Từ lúc này cho đến lúc máy bay đáp xuống mặt đất còn khoảng 5-7 phút” - bà Tuyết Trinh cho biết.