Tham gia phiên họp còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các thành viên Tiểu ban Văn kiện, Thường trực Tổ biên tập giúp việc Tiểu ban Văn kiện.
Tại cuộc họp, Tiểu ban Văn kiện xem xét, cho ý kiến về Dự thảo kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Thường trực Tiểu ban; Tờ trình về chủ đề, phương châm, kết cấu, tư tưởng chỉ đạo và một số trọng tâm Báo cáo Chính trị; Tờ trình về định hướng xây dựng Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban phát biểu kết luận phiên họp. |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021, thời điểm kỷ niệm 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng (2030), 100 năm ngày thành lập Nước (2045).
Đại hội XIII sẽ đánh một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân. Việc chuẩn bị các văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần được tiến hành một cách khoa học, chu đáo, bảo đảm sự thành công của Đại hội.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hoan nghênh, đánh giá cao Tổ biên tập đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị dự thảo các Tờ trình để Tiểu ban Văn kiện có cơ sở xem xét, thảo luận; các thành viên Tiểu ban đã dành thời gian nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các dự thảo.
Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII. |
Các thành viên Tiểu ban nhất trí việc Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026, xác định mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là cơ sở để xây dựng báo cáo chính trị tốt hơn.
Các ý kiến đều thống nhất về cách thức xây dựng Báo cáo Chính trị, cần có chủ đề, tiêu đề, phương châm, xác định những định hướng lớn, tư tưởng chỉ đạo, nêu được mục tiêu, động lực, biện pháp thực hiện, có tính hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tích cực thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, định hướng đề ra.
Kết cấu của Báo cáo phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, mỗi phần đều có ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và cuối cùng rút ra những bài học kinh nghiệm lớn.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ tư tưởng chỉ đạo là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, giữa lý luận và thực tiễn, tiếp tục từng bước hoàn thiện cương lĩnh, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh cần quán triệt tinh thần đổi mới có nguyên tắc, không được xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không chệch hướng, đổi màu, hội nhập mà không hòa tan, nhưng dứt khoát phải đổi mới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Tiểu ban phải phát huy tối đa dân chủ, bình tĩnh lắng nghe các ý kiến đóng góp, thu hút kết tinh tối đa trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, trong nhân dân.
Trên cơ sở lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các ý kiến đề xuất của cán bộ, đảng viên, chủ đề của Đại hội phải ngắn gọn, súc tích và có tính khái quát cao, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, phản ánh được mục tiêu lớn và phương hướng cơ bản, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đề nghị các thành viên Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, công sức, nghiêm túc thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật làm việc, thực hiện cho được mục tiêu đến năm 2020 có bản dự thảo các văn kiện gửi Đại hội Đảng bộ các cấp thảo luận, đóng góp ý kiến.
Ngoài ra phải khảo sát thực tế tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, không làm tràn lan, gây vất vả cho địa phương. Đồng thời, phải bảo đảm tính tiêu biểu, đúc rút được kinh nghiệm, làm việc hiệu quả, tránh hình thức, thu nhận thông tin bổ ích cho việc xây dựng Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011.