Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiết lộ 'ngân sách đen' cho hoạt động do thám của Mỹ

Lần đầu tiên kể từ khi chương trình gián điệp của Mỹ bị phanh phui, chi tiết nguồn ngân sách bí mật hàng chục tỉ USD chi các hoạt động này lộ diện trên Washington Post ngày 29/8

 

Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

Tài liệu dài 178 trang được đóng dấu “tối mật” về ngân sách mật của ngành tình báo Mỹ cũng do chính Edward Snowden cung cấp. Các thông tin đăng tải trên tờ Washington Post được thể hiện dưới dạng bảng số liệu và biểu đồ do có nhiều “chi tiết nhạy cảm” trong tài liệu.

“Một số thông tin được giữ lại sau khi hỏi ý kiến các quan chức Mỹ, những người bày tỏ lo ngại về nguy cơ đối với các nguồn tình báo” - tờ này viết. Từ 2007, chính phủ Mỹ đã công khai ngân sách cho ngành tình báo nhưng chưa bao giờ nói cụ thể tiền được chi như thế nào.

Theo tài liệu của Washington Post, Mỹ đã chi 52,6 tỉ USD trong khóa tài chính 2013 cho hoạt động tình báo. Trong số 16 cơ quan của ngành tình báo Mỹ, Cục tình báo Trung ương (CIA) được chia nhiều nhất, 14,7 tỉ USD và gần gấp đôi Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Bộ ba CIA, NSA và Văn phòng trinh sát quốc gia Mỹ (RSO) chiếm đến 68% tổng ngân sách.

Không chỉ phân chia theo cơ quan, tài liệu cũng cho biết ngân sách tình báo được phân bổ theo năm mục tiêu chính: cảnh báo các lãnh đạo Mỹ về những sự việc nghiêm trọng (20,1 tỉ USD), chống khủng bố (17,2 tỉ USD), chống phổ biến vũ khí bất hợp pháp (6,7 tỉ USD), thực hiện các chiến dịch mạng (4,3 tỉ USD) và chống gián điệp nước ngoài (3,8 tỉ USD).

Các kế hoạch hoạt động của ngành tình báo Mỹ cũng thể hiện trong báo cáo. Theo đó, CIA và NSA đang tăng cường nỗ lực tấn công các mạng máy tính ở nước ngoài để đánh cắp thông tin và “phá hoại hệ thống của kẻ thù”.

Nhiều chiến dịch được đánh giá là sẽ không bao giờ được thông qua nếu đem ra tranh luận công khai trên mặt báo. Trong khi đó, NSA đang chi hàng trăm triệu USD cho các công ty Mỹ để được tiếp cận các dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, đế chế tình báo với hơn 107.000 nhân viên và tốn kém ngân sách gấp đôi so với trước 2001 vẫn để lọt nhiều thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Washington Post đánh giá.

Lee H. Hamilton, lãnh đạo ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, đánh giá việc công bố chi tiết các chi tiêu sẽ mở đường cho việc tranh luận công khai lần đầu tiên về ngân sách cho ngành tình báo Mỹ.

“Công việc của cộng đồng tình báo có ảnh hưởng lên đời sống của người dân Mỹ, nên họ không nên đứng ngoài cuộc” - ông Hamilton nói.

Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm