Tiết lộ động cơ phóng tên lửa của Triều Tiên
Triều Tiên tuyên bố kế hoạch phóng tên lửa trong tháng này nhằm mục đích kỷ niệm một năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Tuy nhiên, đằng sau kế hoạch đó còn ẩn chứa nhiều toan tính khác.
Triều Tiên lại vừa tuyên bố phóng tên lửa lần thứ 2 trong năm để kỷ niệm một năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-il. |
Đã gần một năm kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền, "chèo lái" Triều Tiên sau cái chết đột ngột của cha mình, cố Chủ tịch Kim Jong-il năm ngoái.
Người đàn ông từng được du học một thời gian dài ở Thụy Sĩ được kỳ vọng sẽ đưa Triều Tiên vươn tới sự thịnh vượng với nguyên tắc lãnh đạo khác, có thể cởi mở và mềm dẻo hơn so với quy tắc "bàn tay sắt" của cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il.
Tuy nhiên, vẫn duy trì quan điểm giống như cha mình, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên cho rằng, sức mạnh quân sự bao gồm tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân chính là sự đảm bảo để xây dựng một nhà nước vững mạnh và thịnh vượng.
Do đó, không có gì khó hiểu khi cuối tuần qua chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố, sẽ phóng tên lửa tầm xa trong khoảng thời gian từ ngày 10/12 đến ngày 22/12 với cái cớ để kỷ niệm một năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-il.
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA tuyên bố, tên lửa Unha-3 chỉ mang vệ tinh quan sát trái đất vào không gian nhưng Mỹ và Hàn Quốc vẫn tin rằng, đây là cuộc thử nghiệm trá hình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế và phát triển để tấn công vào Mỹ.
Washington cho rằng, tên lửa Unha-3 của Triều Tiên thực tế là một biến thể ba tầng của tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2 mà Bình Nhưỡng đã phát triển nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ thử nghiệm thành công.
Vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên, diễn ra trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 còn Seoul đang gấp rút chuẩn bị cho bầu cử tổng thống vào ngày 19/12. Nhiều chuyên gia dự đoán, diễn biến này sẽ làm căng thẳng hơn mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không có gì thay đổi về kế hoạch của Bình Nhưỡng. Chính phủ Hàn Quốc hôm nay tuyên bố, Triều Tiên đã lắp đặt tên lửa một tầng lên bệ phóng.
Một điều đáng chú ý là, sứ mệnh tháng 12 tới được đánh giá là sự phá bỏ thông lệ xưa nay của Bình Nhưỡng khi họ chưa từng cố gắng phóng tên lửa hai lần trong một năm. Hồi tháng 4, Triều Tiên cũng phóng tên lửa nhưng thất bại.
Khoảng cách ngắn ngủi giữa hai lần phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm khiến nhiều chuyên gia băn khoăn, liệu Bình Nhưỡng đã xác định được nguyên nhân gây ra sự thất bại trong nỗ lực phóng tên lửa hồi tháng tư và khắc phục được các sự cố đó hay chưa.
Hơn nữa, từ trước đến nay Triều Tiên thường phóng tên lửa vào mùa xuân và mùa hè, chứ chưa bao giờ chọn thời điểm giữa đông. Đó là bởi vì các điều kiện thời tiết trong mùa xuân và mùa hè tốt hơn mùa đông. Tên lửa Unha-3 sử dụng nhiên liệu lỏng như của Triều Tiên, rõ ràng phóng vào độ giữa đông là hoàn toàn bất lợi.
Cơ quan không gian của Triều Tiên tuyên bố, họ đã thành công trong việc cải thiện độ tin cậy và chính xác của tên lửa Unha cũng như vệ tinh Kwangmyongsong. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vẫn có nguy cơ cao sứ mệnh tháng 12 sắp tới của Triều Tiên có thể sẽ đi theo vết xe đổ như hồi tháng tư, khi tên lửa bị vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống biển khi chỉ mới bay được 120 km.
Từ những phân tích này, báo Korea Herald bình luận, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên một lần nữa đang chơi một canh bạc lớn trong vụ phóng tên lửa lần này. Tuy nhiên điều gì đã khiến ông Kim Jong-un đặt cược vào canh bạc phóng tên lửa một lần nữa?
Giới chức Hàn Quốc tin rằng, nguyên nhân khiến Triều Tiên kiên quyết triển khai một vụ phóng tên lửa lần thứ hai trong năm trong tháng này xuất phát từ hai lý do chính. Một là nhằm xây dựng và gia tăng thanh thế, quyền lực cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un và hai là nhằm để gây sức ép đối với cuộc bầu cử tổng thống của Hàn Quốc.
Theo đó, giới quan sát tin rằng, mục đính chính của sứ mệnh tháng 12 là để củng cố và tăng cường quyền lãnh đạo của ông Kim Jong-un trong nội bộ Bình Nhưỡng chứ không phải để khuếch trương thanh thế của ông ra bên ngoài.
“Bề ngoài Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa là để kỷ niệm một năm ngày mất của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. Tuy nhiên, thực chất nhà lãnh đạo trẻ tuổi luôn lo lắng về việc ông chưa có được thành tích gì trong khi năm đầu tiên nắm quyền chèo lái Triều Tiên sắp qua đi. Các chuyên gia nhất trí rằng, một vụ phóng tên lửa là tất cả những gì cần thiết để ông Kim Jong-un củng cố quyền lực trong mắt công chúng”, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết.
Về mục đích thứ hai của Triều Tiên, nhà phân tích Chung Young-tae, làm việc tại Viện Quốc gia Thống nhất Hàn Quốc khẳng định, sứ mệnh tháng 12 của Triều Tiên rõ ràng cũng nhằm gây sức ép cho cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào ngày 17/12 tới.
Theo ông Chung, sứ mệnh tháng 12 của Triều Tiên sẽ có thể có những tác động không nhỏ đến các cử tri Hàn Quốc, buộc họ ủng hộ cho các ứng viên “bồ câu” trong bối cảnh mối đe dọa quân sự từ Bình Nhưỡng gia tăng. Đồng thời, động thái trên cũng hướng đến mục tiêu gây sức sép để buộc Hàn Quốc phải thay đổi chính sách đối với Triều Tiên nhằm giúp họ hưởng lợi trong các cuộc đàm phán.
Hiện bán đảo Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc xung đột trong giai đoạn 1950-1953 ở đây đã kết thúc bởi một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình.
Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc hôm nay cảnh báo, Triều Tiên đang cố nhập khẩu công nghệ tên lửa từ Ukraine và các nước khác trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tuyên bố kế hoạch phóng tên lửa trong tháng này nhằm kỷ niệm một năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc cho biết, sau sự thất bại trong các kế hoạch phóng tên lửa vào không gian, Triều Tiên đã bắt đầu “để mắt” xem xét các công nghệ và tham vấn chuyên gia tên lửa nước ngoài. “Một chuyên gia về tên lửa chưa rõ quốc tích gần đây có vẻ đã bí mật tới Bình Nhưỡng”, quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết. Chính phủ Hàn Quốc tin rằng, Tiều Tiên đã tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài để khắc phục các vấn đề của tên lửa nội địa như lực đẩy động cơ yếu. Năm ngoái, hai đặc vụ Triều Tiên đã bị bắt tại Ukraine và kết án 8 năm tù, do hành vi tìm cách lấy đi những tài liệu mật về các hệ thống cung cấp nhiên liệu, những động cơ chạy bằng nhiên liệu lỏng và thiết kế tên lửa. Khoảng 70% việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô cũ được thực hiện tại Ukraine. |
Phương Đăng
Theo Infonet