Nghiên cứu từ Porch.com, trang web kết nối chủ nhà với tổng thầu xây dựng ở địa phương, cho thấy 61% người thuê nhà trên khắp các khu vực đô thị lớn nhất của Mỹ không thể mua căn hộ riêng ngay cả khi dành nhiều năm tiết kiệm cho khoản trả trước, theo The New York Post.
Tại 13 thành phố lớn, ít nhất 90% người thuê không đủ tiền mua nhà. Không có gì ngạc nhiên khi 10 trong số này đều thuộc bang California. Hiện tại, chỉ 4% người thuê ở Los Angeles có đủ khả năng sở hữu nhà tại thành phố này.
Kết quả khảo sát ở 260 khu vực đô thị lớn nhất của Mỹ cho thấy giá nhà vượt xa những gì người thuê có thể chi trả. Ngay cả khi có thể tiết kiệm tiền mua nhà, đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là khoản trả nợ thế chấp sẽ vượt quá 30% thu nhập hộ gia đình của họ.
“Do thị trường nhà ở tiếp tục khan hiếm, những người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z có thể bị mắc kẹt trong việc cho thuê lâu hơn các thế hệ trước”, phát ngôn viên của Porch nói.
Tại một số thành phố lớn của Mỹ, việc mua nhà riêng nằm ngoài khả năng của nhiều người dù họ cố gắng tiết kiệm trong vài năm. Ảnh: Tetra RF. |
Đối với hầu hết người thuê, quyền sở hữu nhà nằm ngoài khả năng tài chính ở 3/4 khu vực đô thị (71%) của Mỹ.
Một số thành phố có chi phí hợp lý nhất nằm ở ven biển và thuộc các bang Hawaii, Massachusetts, Colorado.
Tại các thành phố lớn trên khắp New York, New Jersey và Pennsylvania, ước tính có khoảng 81% người thuê không đủ khả năng mua nhà. Con số này là 70% ở các thành phố như Washington D.C., Raleigh (Bắc Carolina) và Tucson (Arizona).
Theo Porch, tình trạng thiếu nhà ở sẽ gây ra hiệu ứng gợn sóng, ảnh hưởng đến khả năng cho thuê, làm tăng nhu cầu và đẩy giá thuê lên cao. Những điều này có thể ngăn cản người thuê nhà có thu nhập thấp sống trong khu vực họ mong muốn.
“Đây là tình cảnh đầy thử thách đối với những người trẻ Mỹ đang tìm cách ổn định cuộc sống. Mọi thứ khác biệt so với điều mà các thế hệ trước từng phải đối mặt”, người phát ngôn nói.
Porch cho rằng các vấn đề của thị trường nhà ở ổn định đối với thế hệ Millennials - chiếm khoảng 72 triệu người.
“Họ đang tạo áp lực đáng kể lên thị trường nhà ở. Lãi suất rất thấp trong suốt đại dịch, tiền kích thích cũng đã được đưa vào túi của người dân, giúp họ có đủ khả năng trả trước hoặc có số tiền cần thiết để đảm bảo thế chấp. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng kết hợp thiếu hụt lao động trong ngành xây dựng nhà cửa góp phần tạo ra khủng hoảng nhà ở”, người phát ngôn giải thích.