Những con số, tính toán này được Bộ Nội vụ tổng hợp trong báo cáo gửi đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 9.
Báo cáo do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ký, đề cập đến hàng loạt vấn đề đang được quan tâm của Bộ Nội vụ như sáp nhập huyện, xã; tinh giản biên chế; sắp xếp cơ cấu, bộ máy trong các bộ, ngành, địa phương…
Dôi dư hàng nghìn người sau sáp nhập huyện, xã
Số liệu thống kê từ 43 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập cho thấy đã có 18 đơn vị hành chính cấp huyện được sắp xếp, giảm được 6 đơn vị. Còn cấp xã đã sắp xếp 1.025 đơn vị hành chính, giảm 545 đơn vị.
Sau sắp xếp, dự kiến dôi dư 428 cán bộ, công chức cấp huyện, hơn 9.500 người cấp xã và gần 7.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Cũng theo tính toán của các địa phương, việc sáp nhập dự kiến sẽ giúp tiết kiệm 1.431 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020-2024).
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Hồng Quang. |
Cái khó của sáp nhập huyện, xã nhiều lần được Bộ Nội vụ cũng như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề cập, đó chính là việc sắp xếp cán bộ dôi dư.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, giai đoạn 2019-2021 chỉ giải quyết chính sách cho 146 công chức cấp huyện, 7.006 công chức cấp xã dôi dư và hơn 6.700 số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết số người dôi dư còn lại.
Trong khi đó, một số địa phương trong diện sáp nhập còn thực hiện chậm so với lộ trình do thời gian gấp, sát thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp. Cá biệt có TP.HCM xin lùi thời hạn sắp xếp.
Về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ chia sẻ vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa thực sự ủng hộ, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp.
Dù vậy, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để giải quyết, tháo gỡ; đồng thời rà soát các quy định, báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yếu tố đặc thù với từng địa phương để thực hiện sắp xếp tiếp.
11.000 cán bộ hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực hạn chế
Về tổ chức bộ máy, biên chế năm 2020, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định giao biên chế với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành.
Theo đó, số lượng người làm việc, hợp đồng lao động năm 2020 giảm hơn 150.000 người so với năm 2015. Trong đó, ở các bộ, ngành giảm 27.347 người; địa phương giảm 122.693 người. Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68 của Chính phủ cũng giảm hơn 13.000 người so với năm 2015.
Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, tổng số cán bộ, công chức, viên chức được tinh giản là 40.500 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; năm 2018: 10.139 người).
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số cán bộ, công chức, viên chức tinh giản là 10.047 người.
Về sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ và các cơ quan ngang bộ, hiện có 249 vụ và tương đương (giảm 12 tổ chức) nhưng lại có 126 cục (tăng 7 tổ chức), 31 tổng cục và tương đương (tăng 2 tổng cục).
Trong đánh giá cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ giải thích do tháng 4 hàng năm, các bộ, ngành, địa phương mới gửi báo cáo về cho Bộ Nội vụ tổng hợp nên kết quả đánh giá cán bộ năm 2019 sẽ được gửi đến Quốc hội vào tháng 5.
Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong năm 2018 cho thấy có hơn 132.000 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hơn 326.000 người hoàn thành tốt; hơn 3.000 người không hoàn thành.
Đáng lưu ý, có gần 11.000 cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng được đánh giá "còn hạn chế về năng lực”.