Theo CNBC, tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu chưa bao giờ là điều dễ dàng với nhiều người, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời đại mua sắm online.
Vậy mà Lauren Simmons - một nhà đầu tư trẻ tuổi ở Mỹ lại có thể tiết kiệm tới 85% thu nhập hàng năm của mình, tạo dựng thành công một nền tảng tài chính vững chắc.
Ở tuổi 22, Lauren Simmons đã trở thành nữ giao dịch viên toàn thời gian trẻ nhất Phố Wall, đồng thời là nữ giao dịch viên Mỹ gốc Phi thứ hai trong lịch sử 229 năm của Sàn chứng khoán New York. Hiện tại, cô Simmons là một doanh nhân và là người dẫn chương trình truyền thông Going Public.
Lauren Simmons hiện là một doanh nhân và là người dẫn chương trình truyền thông Going Public. Ảnh: CNBC. |
Cân nhắc thật kỹ trước những khoản chi lớn
Hầu như trong mỗi chúng ta, ai cũng từng lập ra những kế hoạch tiết kiệm với "mộng tưởng" có thể tích góp được một khoản "kha khá". Tuy nhiên, số người thực hiện được như mong muốn là rất ít, thậm chí nhiều người còn "vỡ kế hoạch" vì chi quá tay.
Chính vì vậy, trước khi mua bất cứ thứ gì có giá trên 1.000 USD, cô Simmons sẽ đợi từ 3 đến 6 tháng xem mình có thật sự cần nó không. "Tôi phải chắc chắn rằng, tôi thực sự cần mua nó hay chỉ muốn sở hữu nhất thời", cô chia sẻ.
Thói quen này còn giúp chúng ta hình dung xem liệu mình có thể sinh hoạt bình thường mà không có món đồ đó hay không. Sau vài tháng chờ đợi, nếu bạn thấy mình vẫn cần thì hãy mua nó ngay khi có thể.
Kiểm tra tài khoản ngân hàng thường xuyên
Theo cô Simmons, các ví điện tử hay thẻ ngân hàng đều ghi lại các khoản giao dịch và mỗi người cần kiểm tra lại khoản tiền mình đã tiêu mỗi ngày.
Đây là một thói quen tốt cần rèn luyện, vì chỉ khi biết rõ thói quen tiêu dùng của bản thân bạn mới có thể kiểm soát tài chính của mình. Trong bối cảnh vật giá leo thang, việc thống kê chi tiêu lại càng trở nên cần thiết để tránh tình trạng "rỗng ví" hay "cháy túi".
Cần phải nắm được thói quen chi tiêu thì mới có thể kiểm soát tài chính. Ảnh: Getty Images. |
Hơn nữa, cô Simmons nhận thấy rằng nguyên nhân khiến một số người không muốn kiểm tra tài khoản ngân hàng là vì nó khiến họ lo lắng. Điều này thường đúng với những người có thói quen chi tiêu không kiểm soát, họ sợ phải thấy việc mình đã "vung tiền quá trớn" trong các chuyến du lịch hay các buổi mua sắm vừa qua.
Tuy nhiên, cô Simmons khuyên rằng bạn cần phải trung thực với bản thân và không nên sợ hãi khi làm việc này. "Chỉ đến khi bạn nắm bắt được thói quen chi tiêu cụ thể thì lúc ấy bạn mới có thể kiểm soát được tài chính", cô nói thêm.
Điều chỉnh lại các khoản chi tiêu cho hợp lý
Cô Simmons thường xuyên kiểm tra các tài khoản chi tiêu và điều chỉnh nó khi cần để đảm bảo rằng mọi thứ vẫn theo đúng kế hoạch của mình. “Hôm nay, bạn chi tiền vào một thứ gì đó nhưng không có nghĩa là nó sẽ phù hợp với bạn trong một hay hai năm nữa, vì cuộc sống của bạn luôn thay đổi", cô nói.
Lấy ví dụ về một khoản chi tiêu không cần thiết, cô Simmons đã nghĩ ngay đến những gói dịch vụ giải trí mà người trẻ hay mua. Với nhu cầu giải trí thường xuyên, họ thường đăng ký các gói dịch vụ trực tuyến phổ biến trên mạng để xem phim, xem truyền hình trực tuyến.
Tuy nhiên, không ít người mua theo phong trào và thời gian thực sự dùng các dịch vụ này ở mức ít ỏi, không nhiều như họ tưởng tượng khi nhấn nút đăng ký. Trong khi đó, hàng tháng hệ thống vẫn tự động trừ tiền của người dùng.
Để tránh khoản lãng phí không đáng có này, cô Simmons cho rằng mọi người nên tự hỏi bản thân xem "mình có dùng nó thường xuyên không", và nên hủy đăng kí những gói dịch vụ ít được đụng đến.