Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tiếp viên hàng không, quản lý khách sạn bán đồ online hậu đại dịch

Từng ước mơ làm tiếp viên hàng không, Nhật Lệ buộc phải đưa ra lựa chọn để tiếp tục cuộc sống. Cô nghỉ việc, tập trung cho kinh doanh online. Cô không thể tiếp tục chờ đợi thêm.

nguoi tre nghi viec trong dich anh 1

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn hướng đi nghề nghiệp của nhiều người trẻ. Thay vì cố gắng bám trụ với công việc đã gắn bó từ trước dịch, một số người quyết định nghỉ làm giữa thời điểm giãn cách xã hội, bất chấp những lo lắng về thu nhập để tìm hướng đi hoàn toàn mới.

Trong cuộc trò chuyện với Zing, 4 người trẻ chia sẻ thêm về quyết định chủ động nghỉ việc trong dịch và công việc mới của họ.

Nhật Lệ (24 tuổi, Hà Nội)

Đầu năm 2020, tôi chính thức trở thành tiếp viên hàng không sau thời gian đào tạo và thử việc.

Mọi việc trong thời gian đầu rất suôn sẻ. Thu nhập của tôi duy trì ở mức trên 20 triệu đồng/tháng. Công việc cũng giúp tôi tạo dựng hình ảnh cá nhân tốt. Nhưng không may, dịch bệnh bùng phát vào tháng 3 khiến công việc của tôi bị đình trệ.

nguoi tre nghi viec trong dich anh 2

Nhật Lệ rời bỏ ngành hàng không để tập trung duy trì công việc bán hàng online.

Suốt 6 tháng liên tiếp, tôi không được nhận lương. Tôi chỉ được phân công vài chuyến bay và công ty trả lương theo giờ bay.

Song, cũng có tháng tôi không nhận được chuyến nào. Tôi không còn đủ tiền trang trải sinh hoạt phí. phải kiếm một công việc khác để duy trì cuộc sống.

Tôi bắt đầu kinh doanh online như một nghề tay trái. Công việc này linh động về thời gian, phù hợp để tôi kiếm thêm thu nhập trong lúc đợi ngành hàng không trở lại.

Tuy nhiên, duy trì hai công việc cùng lúc trong thời gian dài mà không có mục tiêu rõ ràng khiến tôi mệt mỏi, chán nản, khó duy trì được động lực để làm việc hiệu quả.

Tôi cũng mất nhiều thời gian phục hồi hơn sau mỗi chuyến bay do đã quen ở nhà dài ngày, kéo theo công việc buôn bán bị ngưng trệ.

Bởi vậy, vào tháng 10/2020, tôi quyết định rời ngành hàng không để tập trung cho kinh doanh online - công việc giúp tôi có nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng.

Nghề tiếp viên hàng không đã mang lại cho tôi những trải nghiệm trân quý và nhiều kiến thức bổ ích. Tôi rất tiếc khi phải từ bỏ công việc từng là ước mơ suốt nhiều năm của mình. Tuy nhiên, tôi buộc phải đưa ra lựa chọn để tiếp tục cuộc sống. Tôi không thể tiếp tục chờ đợi thêm.

Hương Giang (27 tuổi, Nghệ An)

Trước khi dịch bệnh xuất hiện, tôi quản lý một khách sạn ở quận 1 (TP.HCM) và điều hành một công ty du lịch.

Tôi có mức thu nhập tốt từ nghề nghiệp yêu thích, được đi khắp nơi trên thế giới và kết nối, xây dựng nhiều mối quan hệ. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ rời khỏi ngành du lịch, cho đến khi Covid-19 ập đến.

Suốt 2 năm qua, công việc của tôi gần như đóng băng. Mức lương cơ bản 4 triệu đồng/tháng không đủ để tôi duy trì cuộc sống gia đình tại TP.HCM.

Ngoài ra, do đã quen với nhịp làm việc cường độ cao, áp lực lớn, tôi cảm thấy bị mất nhịp khi lượng công việc chỉ còn bằng 1/10 trước đây.

Hoàn cảnh càng thêm khó khăn khi tôi phát hiện mình mang bầu trong giai đoạn nghỉ việc không lương. Tôi lo lắng, rối bời vì hiểu rằng nuôi dạy con rất tốn kém.

Do đó, tháng 6/2020, tôi quyết định cùng chồng về quê ở Nghệ An vừa để dưỡng thai, vừa đợi ngành du lịch phục hồi trở lại

nguoi tre nghi viec trong dich anh 3

Hương Giang tạm gác công việc du lịch yêu thích vì dịch bệnh.

Tại Nghệ An, tôi tạm thời làm giảng viên dạy tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ. Song, mức thu nhập không thấm vào đâu so với những khoản tôi cần chi tiêu.

Sau khi sinh con, chi phí sinh hoạt hàng tháng tăng gấp 4-5 lần mức thông thường. Vợ chồng tôi cũng cố gắng lo lắng cho hai bên gia đình nội, ngoại. Lúc ấy, tôi nghĩ đến kinh doanh online như một giải pháp tối ưu để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Tôi cảm thấy may mắn cuộc sống dần ổn định hơn. Chúng tôi không những lo được cho gia đình, mà còn để dư một khoản tiết kiệm nhỏ. Bởi vậy, tháng 7 này, tôi quyết định tạm gác nghề du lịch.

Có thể trong tương lai, tôi sẽ quay lại ngành du lịch. Dù sao, công việc này đã cho tôi rất nhiều thứ. Tôi cũng cảm thấy mình còn có thể phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, nếu trở lại, tôi sẽ không tiếp tục làm quản lý, mà quyết tâm xây dựng một thương hiệu của riêng mình.

Đặng Minh Hiếu (23 tuổi, Bắc Ninh)

Tôi từng là nhân viên digital marketing tại một công ty xuất nhập khẩu ở thị trường Campuchia.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, tình hình kinh doanh không được khả quan, công ty đã cắt giảm tới 50% lương của toàn bộ nhân viên. Trong khi đó, khối lượng công việc vẫn tăng lên, khiến tôi phải làm gần như 30 ngày/tháng, không có thời gian nghỉ ngơi.

Tôi cảm thấy công sức bỏ ra không được trả công xứng đáng nên đã chủ động xin nghỉ việc vào đầu tháng 8, khi thành phố mới bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 được một tuần.

Đương nhiên, tôi cũng lo lắng đôi chút vì chưa có kế hoạch tiếp theo. Song, tôi đã thoải mái tinh thần hơn nhiều sau khi được “giải thoát” khỏi áp lực KPI quá nặng nề.

nguoi tre nghi viec trong dich anh 4

Minh Hiếu chủ động nghỉ việc để cải thiện sức khỏe tâm thần.

Vốn dĩ, tôi chỉ coi công việc digital marketing chỉ là công việc tạm thời trong lúc dịch bệnh bùng phát. Khoản tiền tiết kiệm vẫn đủ để tôi duy trì cuộc sống một mình trong lúc đợi Hà Nội nới lỏng giãn cách.

Cuối tháng 9, tôi trở về quê sau 5 tháng không gặp gia đình. Tôi chia sẻ cho người thân nghe về quyết định nghỉ việc của mình và họ đều ủng hộ. Mọi người cũng hỏi về dự định tiếp theo, nhưng bản thân tôi cũng chưa biết rõ.

Thời gian này, tôi muốn đi khám sức khỏe và dành thời gian với cả nhà sau nhiều tháng xa cách. Khi nào cảm thấy sẵn sàng, tôi sẽ trở lại Hà Nội.

Có thể, tôi sẽ học thạc sĩ hoặc thêm một bằng đại học bổ sung liên quan đến ngành truyền thông để chuẩn bị cho nghề tổ chức sự kiện - công việc mà tôi thực sự đam mê.

Minh Ngân (24 tuổi, Hà Nội)

Tháng 7, tôi quyết định nghỉ việc sau 6 tháng làm nhân viên bán hàng cho một công ty chuyên đặt và vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.

nguoi tre nghi viec trong dich anh 5

Minh Ngân đang tìm hướng đi mới hậu giãn cách.

Thời gian đầu, công việc của tôi khá ổn định. Tôi có lượng khách mua hàng cao và đảm bảo KPI chạy đều.

Tuy nhiên, khi Covid-19 bắt đầu trở lại Hà Nội vào đầu tháng 5, lượng khách hàng giảm mạnh, kéo theo doanh thu của công ty.

Tôi và đồng nghiệp đều bị cắt giảm lương. Dù đã cố gắng bám trụ, tôi không thể tiếp tục đáp ứng KPI mà trưởng bộ phận đề ra. Do đó, tôi chủ động xin nghỉ việc.

Có lẽ bởi đây là lần thứ hai nhảy việc trong thời điểm dịch bệnh, tôi giữ bình tĩnh tốt hơn, không còn quá căng thẳng như lần đầu.

Năm 2020, tôi từng là nhân viên toàn thời gian có kinh nghiệm 2 năm tại một chuỗi cà phê, song cũng xin nghỉ khi thu nhập giảm sút vì Covid-19.

Mẹ tôi lo lắng khi thấy tôi quyết định “thất nghiệp”. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi chia sẻ về hướng đi trong tương lai, mẹ hiểu cho tôi hơn và bớt lo nghĩ phần nào.

Với kinh nghiệm bán hàng trước đây, tôi mở một cửa hàng order quần áo trực tuyến. Đồng thời, tôi tận dụng khoảng thời gian tạm nghỉ này để học thêm tiếng Trung, đọc thêm sách và tham gia các lớp học kinh doanh. Đợi khi thị trường việc làm “nóng” trở lại, tôi sẽ tìm công việc mới, phù hợp với bản thân.

Cô dâu, chú rể hậu giãn cách: 'Vất vả lắm mới cưới được nhau'

Để đảm bảo hôn lễ diễn ra an toàn, một số cặp vợ chồng ở Hà Nội chủ động giảm số lượng khách mời, yêu cầu người tham dự tiêm vaccine Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính.

Hồng Chang - Long Trịnh

Bạn có thể quan tâm